“Thành phố golf” Lâm Đồng (Kỳ 1)

Ngoài sân golf đồi Cù, được đánh giá là đẹp tầm cỡ Đông Nam Á, nhưng đang thua lỗ triền miên, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lại "hạ bút" chấp thuận chủ trương phát triển thêm 9 sân golf nữa. Viễn cảnh về một thành phố golf trên mảnh đất ngàn thông nghe chừng rất thơ mộng cho các… đại gia, nhưng nỗi buồn thì trĩu nặng trong lòng người nông dân địa phương…

Kỳ 1: Viễn cảnh “Thành phố Golf”

Tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa đã khẳng định chủ trương phát triển sân golf trong toàn tỉnh. Cách giải trình cho việc phát triển cùng lúc gần chục sân golf của lãnh đạo tỉnh là các dự án sân golf ở Lâm Đồng không lấy từ đất làm lúa như ở các tỉnh nên không ảnh hưởng đến nông dân…

Khởi công rồi để đó

Trong lúc các địa phương trong cả nước đang rà soát lại toàn bộ quy hoạch sân golf tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì tại tỉnh Lâm Đồng đã có ít nhất 3 trong số 9 dự án sân golf được khởi công… lấy ngày. Một vài dự án khác cũng đã “xong thủ tục” đang chờ ngày tốt để khởi công.

Theo quy hoạch chung của tỉnh Lâm Đồng, tính đến thời điểm hiện nay, ngoài sân golf đồi Cù – Đà Lạt đã đi vào hoạt động hơn chục năm nay, còn có 9 dự án sân golf khác đã được chấp thuận chủ trương. Trong đó có 3 dự án đã động thổ là sân golf Đạ Ròn – huyện Đơn Dương, sân golf K’Rèn – huyện Đức Trọng và sân golf hồ Lộc Thắng ở huyện Bảo Lâm và Bảo Lộc.

Ngoài ra, ngay tại trung tâm thành phố Đà Lạt, sân golf hồ Tuyền Lâm, sau hơn 4 năm triển khai không thành, bị thu hồi giấy phép đầu tư, mới đây một nhà đầu tư khác đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục để chuẩn bị khởi công trở lại trong vài ngày tới. Không chỉ hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài, các đại gia trong nước cũng đang gấp rút chạy đua vào những khu đất đẹp ở Lâm Đồng bằng các dự án sân golf. Tổng số vốn đăng ký đầu tư của các đại gia trong nước hiện đã trên dưới 800 triệu USD.

Khởi công rầm rộ, nhưng theo một quan chức trong ngành kế hoạch đầu tư tỉnh Lâm Đồng thì hầu hết các dự án chỉ khởi công lấy ngày và “xí phần” đất chứ chưa có chủ đầu tư nào trình được dự án khả thi. Dù vậy viễn cảnh mà các chủ dự án vẽ ra đã rất hoành tráng.

Thông tin từ các chủ dự án cho thấy, sân golf Đạ Ròn do Công ty TNHH Acteam (Ma Cao) làm chủ đầu tư sẽ bao gồm sân golf 36 lỗ và khu nghỉ dưỡng sinh thái Royale City với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Tổng diện tích xây dựng là 750 ha, gồm khách sạn 5 sao với 200 phòng, 250 biệt thự, trang trại, làng dân tộc thiểu số, khu vui chơi giải trí thể thao dưới nước đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, Royale City sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động là người địa phương và đóng góp 20 tỷ đồng/năm cho ngân sách tỉnh Lâm Đồng.

Sân golf hồ Lộc Thắng huyện Bảo Lâm, cũng chiếm 348 ha mặt đất và 280 ha mặt nước, chủ đầu tư là Công ty Jinsung Vina có kế hoạch xây 200 căn biệt thự tại khu nghỉ dưỡng, chưa kể giai đoạn hai mở rộng thêm trên 250ha

Tương tự, sân golf K’Rèn của Công ty TNHH Đầu tư Hàn – Việt cũng sẽ bao gồm sân golf 36 lỗ và khu nghỉ dưỡng cao cấp Đà Lạt. Dự án này cũng được quảng cáo là dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế lớn nhất Lâm Đồng với diện tích 440 ha. Vốn đầu tư ban đầu hơn 17 triệu USD. Thời gian xây dựng là 3 năm, hạng mục chính gồm một sân golf 36 lỗ, một khách sạn 5 sao và hơn 300 biệt thự cao cấp. Dự án này sẽ góp phần tôn tạo cảnh quan, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực… Nhưng thực tế đang diễn ra lại khác xa những “con số đẹp” của các nhà đầu tư.

Nông dân thấp thỏm

Khác hẳn với viễn cảnh tươi sáng do các nhà đầu tư vẽ ra trên giấy, những người nông dân tại những vùng nằm trong quy hoạch phát triển sân golf luôn trong tình trạng thấp thỏm. Vừa nghe hỏi đến chuyện sân golf, chị Tuyết Nga ở thôn K’Rèn nói ngay: “Không biết sân golf có mang lại cái gì cho dân nghèo không, nhưng từ đầu năm đến nay, khi nghe nói có quy hoạch hàng trăm hộ dân ở đây không dám trồng tỉa gì vì chưa biết lúc nào bị giải tỏa. Một vài hộ gia đình có đất tốt ven suối, thấy tiếc nên cũng đánh liều trồng thêm vài vụ bắp và chưa nỡ phá hoa layơn nhưng lúc nào cũng trong tình trạng bất ổn. Mỗi lần nhìn thấy xe lạ, người lạ đi vào vùng này là cả làng lại nháo nhào lên ra nghe ngóng…”.

Chủ đầu tư cũng đã vài lần cùng với địa phương họp dân để thỏa thuận giá đền bù, mức giá cao nhất mà chủ đầu tư đưa ra mới đây là 60 triệu đồng/1000m2, trong khi đó, một vụ hoa layơn người dân cũng có thể thu được vài chục triệu đồng. Hàng trăm hộ dân ở đây sống bằng nghề trồng hoa, lúa, bắp… rời khỏi khu vực này với vài chục triệu đồng họ không thể tìm được đất tốt để ổn định cuộc sống.

Tìm hiểu thêm, được biết, rất nhiều hộ dân khu vực này, gần 1 năm qua do tâm lí không dám trồng tỉa vì sợ quy hoạch nhưng vẫn chưa được bồi thường giải tỏa, không có kế sinh nhai nên đa phần kiếm sống bằng cách lên rừng chặt thông đẽo vỏ lấy phần lõi có nhựa của cây thông tươi để bán cho thương lái.

Ngay trên con đường “độc đạo” dẫn vào thôn K’Rèn, vào lúc chập choạng tối, vài chục bao lõi cây thông đầm đìa nhựa tươi được vận chuyển ra ngoài bằng xe máy. Người dân ở đây cho biết, để có được một bao bao lõi cây thông, họ phải chặt ít nhất bốn cây thông tươi. Như vậy trung bình mỗi ngày đang có hàng trăm cây thông ở khu vực này bị đốn hạ. Đáng nói là mỗi bao lõi cây thông chỉ được thương lái mua giá 100 nghìn đồng.