Thế mạnh mô hình xen canh cây trồng

Dân đói khổ, mùa màng thất thu, đồng đất hoang hoá… là thực tế từng xảy ra ở Tứ Dân (Khoái Châu – Hưng Yên) hơn 10 năm trước. Giờ đây, vùng đất ven sông Hồng này đã tự “thay máu” nhờ áp dụng mô hình xen canh chuối, ngô, dong, lạc, đỗ. Cách làm này vừa tận dụng diện tích đất nông nghiệp, vừa phát huy tối đa hiệu quả cây trồng.

“Vùng đất hứa”

Ông Đỗ Nho Hanh, Chủ nhiệm HTX Tứ Dân “khoe” về hiệu quả của mô hình xen canh cây trồng: “Toàn xã có 920 mẫu (1 mẫu = 3.600m2) đất canh tác, trong đó có 450 mẫu ngoài đê. Với diện tích trên, chỉ riêng vụ chiêm xuân năm 2007 đã cho thu nhập hơn 9 tỷ đồng”. Quả thực, khi “mục sở thị” mới thấy hết ưu điểm của cách làm này.

Là vùng đất ven sông, nhưng diện tích trồng lúa của Tứ Dân rất ít. Người dân chỉ trồng rau màu. Tuy nhiên, trước đây bà con quen thâm canh một loại cây, hết mùa vụ lại để đất trống, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi áp dụng mô hình xen canh, nhiều gia đình đã “phất” lên.

Người đi đầu trong phong trào này là anh Nguyễn Huy Tứ ở thôn Năm Mẫu. Tính cả đất đấu thầu, anh có 2 mẫu ruộng canh tác. Trước đây, gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh vay vốn ngân hàng, phát triển sản xuất theo hình thức xen canh. Không chỉ thoát nghèo, anh còn xây được nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyến ở thôn Toàn Thắng mỗi năm thu lãi gần 20 triệu đồng chỉ với 4 sào ruộng. Do diện tích đất canh tác ít, bà áp dụng trồng xen canh ngô và dong riềng. Ngoài làm thức ăn cho vật nuôi, bà còn dư ngô để bán. Dong nghiền thành bột, thương lái đến tận nhà thu mua. Bà Tuyến cho biết: “Vốn chỉ quen trồng lạc, đỗ đơn thuần, mấy năm nay, tôi xen canh quay vòng thêm ngô, dong riềng nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”.

Mô hình xen canh cho sản lượng, hiệu quả cao, ngô thu về 2,5 tạ/sào, trừ chi phí, lãi 1 triệu đồng/sào. Lạc mang lại nguồn thu 1,8 triệu đồng. Đỗ cho thu nhập hơn 1 triệu đồng. Bột dong tươi năng suất 4,5 tạ/sào, giá trung bình 700.000 đồng/tạ, cho thu nhập hơn 3 triệu đồng. Với những con số đầy ấn tượng ấy, cách làm này hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nông dân.

Xen canh là chủ đạo

Từ năm 1997, UBND xã Tứ Dân tiến hành dồn điền đổi thửa và mô hình xen canh được áp dụng. Từ mô hình thí điểm ở thôn Năm Mẫu, sau một năm thực hiện, thấy kết quả khả quan, chính quyền xã phối hợp cùng bà con 6 thôn nhân rộng. Sau khi thực hiện cách làm mới, diện mạo vùng quê thực sự khởi sắc.

Nhiều năm nay, gia đình anh Tứ chuyển từ trồng lúa sang thực hiện mô hình xen canh cây trồng. Là hộ thực hiện khá thành công, anh chia sẻ kinh nghiệm: “Phải gieo trồng đúng thời vụ, tránh việc thu hoạch trùng lặp. Cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bệnh kịp thời, khắc phục tình trạng lây lan trên cùng diện tích”.

Thế mạnh của mô hình xen canh là trên cùng thửa canh tác, diện tích cây trồng được nhân đôi. Bà Tuyến cho hay: “ Với 4 khẩu, diện tích đất canh tác thực của gia đình chỉ có 4 sào. Bằng hình thức xen canh, diện tích đã lên tới 8 sào”.

Theo ông Hanh, xen canh còn tạo điều kiện để các cây trồng hỗ trợ nhau phát triển. Do đặc thù của chuối là trồng thành khóm nên tận dụng được nhiều diện tích đất trống. Khi chuối đang ở độ tuổi trưởng thành, tiến hành trồng lạc, đỗ. Sau 5 tháng bẻ hoa, chuối được thu hoạch. Đỗ, lạc là loại cây ngắn ngày nên phù hợp khi trồng xen kẽ. Khoảng tháng 6, thu hoạch ngô, tạo điều kiện cho dong phát triển. Đến cuối tháng 12, dong cho thu hoạch. Đặc biệt, nhờ thực hiện xen canh nên tập trung được nguồn phân hữu cơ, giúp giảm lượng phân bón.

Ở Tứ Dân, các hộ đều thực hiện rất tốt mô hình này. Ông Hanh cho biết: “Trong những năm tới, HTX sẽ tiếp tục áp dụng phương thức xen canh. Chúng tôi xác định đây là hướng đi chủ đạo của địa phương”.