Bảo vệ nguồn nước ngầm ở Cà Mau

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng ngày càng phát triển mạnh, song song với quá trình đó là sự hình thành của các khu đô thị, cụm dân cư mới và các khu – cụm công nghiệp hình thành. Trong đó, nhu cầu về sử dụng nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng cao và trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu, do nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày càng lớn cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, các vùng nông thôn Cà Mau thường bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều nơi mật độ dân cư thưa thớt làm cho việc xây dựng mạng lưới cấp nước tập trung trở nên khó khăn; từ nguyên nhân đó tình trạng thiếu nước sạch cho dân cư vùng nông thôn vẫn còn phổ biến.

Để giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt của gia đình mình, các hộ dân đã tự thực hiện việc khoan giếng lấy nước, khi đó những giếng này thường khai thác ở tầng nông và không đảm bảo yêu cầu về chất lượng (bị nhiễm phèn, mặn, mùi hôi…). Đồng thời, việc khai thác nước ngầm với lưu lượng lớn không theo quy hoạch cũng làm cho khả năng bị ô nhiễm các tầng nước dưới đất trong khu vực trở nên đáng lo ngại, đặc biệt là sự hạ thấp mực nước ngầm dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn của nước biển vào các tầng nước dưới đất gây nhiễm mặn.

Theo kết quả điều tra của Đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước 806 về hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất đến tháng 12 năm 2008, tỉnh Cà Mau có 137.990 giếng khoan khai thác nước dưới đất đang sử dụng; với tổng lưu lượng nước khai thác khoảng 373.332m3/ngày (trong đó, giếng khoan nhỏ lẻ ở các hộ gia đình quản lý khoảng 137.590 giếng). Ngoài ra, còn có 3.238 giếng khoan bị hư hỏng hoặc không còn sử dụng chưa được xử lý, trám lấp theo quy định.

Để hạn chế việc xâm nhập mặn từ các giếng khoan bị hư hỏng hoặc không còn sử dụng, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố Cà Mau lập phương án và triển khai việc xử lý, trám lấp các giếng khoan nêu trên theo thứ tự ưu tiên từ nay đến cuối năm 2009 phải hoàn thành; đồng thời điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.