ThienNhien.Net – Ngồi trên tàu về Hà Tĩnh, giữa cái nắng gắt gao của mùa hè, tôi cứ thầm hỏi: Không hiểu sống trong “chảo lửa” cùng cát với nhiệt độ 39oC thì sẽ như thế nào? Về Thạch Hà rồi mới biết, cát mặn bạc màu lấy đi bao công sức của những người nông dân nghèo, nhưng như những cây phi lao cứng cỏi, không ngại khó, không ngại khổ, người xứ cát vẫn cần mẫn chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và cả những tác hại do chính con người gây ra để tồn tại trong cát.
Kỳ 1: Siêu dự án và những túp lều nát trên cát
Kỳ 2: Người dân xứ cát trong “cơn lốc” titan
Kỳ 3: Tường trình từ những đời cát
Cuộc sống nơi xứ cát
Thôn Đông Bàn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà nằm cách biển 200m. Đông Bàn có 116 hộ, 486 khẩu, tỷ lệ hộ đói nghèo là 32% theo tiêu chuẩn nghèo mới.
Ông Phạm Văn Xuân (60 tuổi) kể rằng, làng được lập từ bao giờ không rõ, nhưng từ đời ông tôi đã có làng rồi. Người dân vùng cát cơ cực lắm. Phải làm gấp đôi, gấp ba nơi khác mới có ăn.
Mùa hè, nắng dữ dội trên đầu, cát nóng bỏng chân, phải làm đêm hết. 3 giờ sáng đi làm, 8 giờ kém về,”tôi già rồi chứ đám thanh niên chúng nó làm dữ lắm”. Ở đây, khó mà tìm được cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, vừa là người nông dân, vừa làm con trâu kéo cày luôn (ông Xuân cười). Trước mặt là biển, sau lưng, xung quanh nhìn đâu cũng là cát trắng. Người Đông Bàn cũng như những nông dân khác của Thạch Văn có nghề làm ruộng và đi biển. Nghề nông nhưng đất không có mà cát chỉ trồng được khoai lang, lạc và rau. Lạc trồng từ tháng 11 đến tháng 4. Khoai trồng từ tháng 8 đến ra giêng. Nghề đi biển lâu đời hơn nhưng nhà nào cũng nghèo, không sắm nổi thuyền máy nên chủ yếu đi câu mực, đánh cá trích, cá ve bằng thuyền thúng. Hội Nông dân năm nào cũng khảo sát thu nhập bình quân các hộ gia đình. Kết quả, tổng thu nhập bình quân mỗi người trong làng là 2,5 triệu đồng/năm.
|
Với con bò trị giá 12 triệu đồng và nghề chăn nuôi lợn, ông bà Xuân là những người có thu nhập cao nhất Đông Bàn với thu nhập 15 triệu đồng/ người/ năm. Ông Xuân kể, công nông bị cấm nên con bò là phương tiện chuyên chở chính, “không có hắn cũng nhọc”.
Bò vùng cát không nuôi bằng cỏ mà nuôi bằng cám, rau. Để sống được trên “chảo lửa” này chúng tôi phải cải tạo vườn, ao thành vùng sinh thái vừa cải thiện đời sống vừa giúp điều hoà không khí. Không có cây xanh, đứng giữa trời nắng nhiệt độ 39-400C trên cát thì chịu làm sao? Dự án nuôi tôm trên cát Việt – Mỹ vẽ ra những khu sinh thái với dừa cao vút nhưng nông dân chúng tôi chưa thấy cây dừa nào hết, chỉ thấy cát thôi mà cát từ lúc lọt lòng mẹ đã thấy rồi. Do ảnh hưởng của gió biển nên nếu như nước ao, hồ ở các vùng đất khác, mùa hè sẽ nóng lên theo nhiệt độ ngoài trời thì nước ao đào trên cát rất mát, giống như hệ thống điều hoà không khí tự nhiên.
|
Con trai ông Xuân là Phạm Viết Đồng cũng là người giàu trong làng. Anh làm đủ nghề, đóng gạch, xát gạo, bóc lạc thuê, nghiền thức ăn gia súc, chăn nuôi lợn, thả cá. Không chỉ có bố con ông Xuân mà tất cả các hộ dân trong làng đều hăm hở làm giàu từ mảnh đất khô cằn, nóng bỏng đầy cát này.
Dự án “đè” dự án
Nằm trong dự án “Xây dựng mô hình phát triển bền vững trên vùng cát hoang hoá ven biển ở xã Thạch Văn và Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), thôn Đông Bàn có một làng sinh thái mới được xây dựng với 16 hộ dân. Thời gian thực hiện dự án từ 2007-2009 với mục tiêu là xây dựng các mô hình trình diễn cộng đồng ngăn chặn và kiểm soát thoái hoá đất và hoang mạc hoá bằng các mô hình kinh tế sinh thái hộ gia đình và làng sinh thái quy mô cụm dân cư.
Ông Nguyễn Bá Miêu – Trưởng làng kinh tế sinh thái thôn Đông Bàn, cho biết: Từ tháng 09/2007 đến nay, sau khi có quyết định thành lập làng, 4 hộ đã an cư trên đất mới. Mỗi hộ được dự án cấp để ở và làm kinh tế 2 ha rừng, 1 ha vườn trong đó có 400 m2 đất được cấp sỏ đỏ đất ở. Diện tích còn lại được mượn trong 15 năm để trồng rừng. Ngoài hỗ trợ gần 18 triệu đồng/ hộ, dự án còn cấp cây, giống, phân, hỗ trợ làm nhà, giếng, cống, hồ cá, chuồng chăn nuôi…Các hộ dân đã trồng keo, cây nem trên diện tích đất được cấp. Các cây này đã cao gần 1m. Để có 2 ha rừng keo xanh tốt như hiện nay, các hộ dân đều mất nhiều công sức và tiền của. Đất cằn phải mất 6-7 năm sau mới thu hoạch.
Nhà cũ của ông Miêu ở làng Đông Bàn có diện tích đất 900 m2. Đất này ông để lại cho mấy người con trai còn ông bà khăn gói ra làng kinh tế sinh thái lập nghiệp. Hai căn nhà cấp 4 được xây dựng. Một căn làm nhà ở, một căn làm bếp, cát vẫn ngập nửa sân. Trong bếp nhà ông Miêu, ngoài cái bếp củi truyền thống còn có một bếp ga. Chiếc bếp ga này do con ông đi làm từ trong Nam gửi về. Ông Miêu khoe gia đình ông chuẩn bị mua chiếc xe máy thứ 3 và xây hai căn nhà trên cát như vậy tốn 100 triệu đồng. Giống như nhiều địa phương khác, lớp trẻ nơi đây do không có nghề phụ, sinh kế khó khăn, nên có tới 400-500 lao động trẻ của xã đã “xuất khẩu” ra tỉnh ngoài, đi đánh cá thuê, làm đông lạnh, giày dép.
Dự án cải tạo đất, giúp người dân xứ cát ổn định cuộc sống, phát triển bền vững của Quỹ Môi trường Toàn cầu đến năm 2009 mới hết hạn thế nhưng ngày 07/05/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 1224/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thuộc địa bàn các xã Thạch Văn, Thạch Hội, huyện Thạch Hà. Theo đó, cụm công nghiệp sẽ có một khu xử lý chất thải rắn có diện tích 26,77 ha. Với kỹ thuật xử lý như trong dự án, khu xử lý chất thải rắn này thực chất chỉ là một bãi rác. Bãi rác đó được “cắm” đúng vào diện tích rừng nằm trong dự án GEF của 16 hộ dân của làng sinh thái và nằm cách làng sinh thái chỉ có 15m. Thật khó hiểu, khi 2 dự án “đối nghịch” nhau lại cùng nằm trên một địa điểm, đó là câu hỏi mà không chỉ riêng người dân xứ cát thắc mắc!
Có lẽ đó là điều mà người dân nơi đây không thể tưởng tượng nổi, dưới cái nắng chang chang như thiêu đốt có chắc mùi hôi thối từ bãi rác tương lai đó không lan toả? Dự án “kéo” về thì nhiều nhưng kết quả được bao nhiêu? Dự án nuôi tôm của Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Việt – Mỹ đang “hấp hối” thì dự án mới của tỉnh Hà Tĩnh càng làm người dân thấp thỏm, lo âu. Dự án nào cũng vẽ ra một viễn cảnh huy hoàng nhưng thực tế không phải vậy. Lĩnh được khoản tiền đền bù không được bao nhiêu, khi cải tạo, phục hồi lại chất lượng cát mất bao công sức mới biết mình dại.
Những đụn cát “để lại” từ dự án khai thác titan. |
Ông Miêu nói bằng cái giọng buồn đặc bản xứ: Cô biết dân chúng tôi mơ ước cái gì không? Kinh tế thì chúng tôi, con cái chúng tôi có thể làm ra, cái mà những người nông dân như chúng tôi thiếu và cần là văn hoá. Gặp cán bộ của Qũy Môi trường Toàn cầu, tôi đề nghị cấp cho làng 40 triệu đồng. Chị cán bộ hỏi, cho 40 triệu anh sẽ làm gì? Tôi trả lời, tôi sẽ xây dựng trung tâm văn hóa của làng. Nghe thấy thế chị ấy đồng ý ngay. Thực ra 40 triệu xây dựng làm sao được nhà văn hoá, 40 triệu đồng ấy chỉ đủ để mua vật liệu thôi. Người dân chúng tôi phải bỏ thêm 40 triệu tiền công lao động để cùng xây. Mà cô biết không, ngoài Bắc đóng gạch bằng đất, bằng xỉ than, ở dây người dân xây nhà bằng gạch xi măng. Gạch làm bằng xi măng, cát, đá, giá thành chỉ có 1 nghìn đồng/ viên, cộng cả công vận chuyển thành 1.500-1.600 đồng.
Sau khi tỉnh có quyết định đó, thôn họp dân, làng họp dân, xã họp dân, đơn từ gửi suốt nhưng chưa thấy gì. Cứ hết dự án này đến dự án kia mà chẳng thấy dân quê tôi khá lên…