Liên hiệp quốc: Không cấm xuất khẩu rác thải độc hại

Ngày 27/06, Hội nghị về quản lý rác thải độc hại quốc tế do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Bali (Indonesia) đã kết thúc sau năm ngày nhóm họp mà không phá vỡ được thế bế tắc về tình trạng buôn bán rác thải độc hại qua biên giới. Các đại biểu nhất trí không cấm xuất khẩu rác thải độc hại mà đề nghị Chính phủ các nước tự hành động để giải quyết đường đi của hóa chất độc hại, hàng điện tử cũ đang đổ dồn ngày một nhiều về các nước nghèo.

Hội thảo được tổ chức để xem xét việc thực hiện Công ước Basel về kiểm soát sự di chuyển qua biên giới của rác thải và phế phẩm độc hại. Công ước ra đời năm 1989, cho phép 170 thành viên cấm nhập khẩu rác thải độc hại. Bản sửa đổi công ước Basel có đề xuất ban hành lệnh cấm xuất khẩu rác thải độc hại, tuy nhiên đến nay chỉ mới có 62/130 nước cần thiết phê chuẩn công ước sửa đổi này.

Theo AP, phe ủng hộ lệnh cấm bao gồm các nước châu Phi và Liên minh châu Âu. Phe phản đối gồm có Mỹ, Nhật Bản, Canada và Ấn Độ. Những nước này lập luận rằng nếu không cho xuất khẩu thì sẽ gây khó khăn cho ngành công nghiệp tái chế ở những nước phát triển, vì giá kim loại đang tăng cao.

Tuy lệnh cấm không thành hiện thực, nhưng các đại biểu đã nhất trí về nhiều biện pháp để quản lý rác thải độc hại. Hội nghị hi vọng các quốc gia sẽ sử dụng những hướng dẫn này để đề ra luật tái chế cho nước mình, nhằm giải quyết số rác thải điện tử ước tính từ 20-50 triệu tấn hiện nay.

Hội nghị còn đưa ra hướng dẫn cách hủy điện thoại di động, đề xuất cấp phép hoạt động cho các cơ sở tái chế ở những nước đang phát triển để xử lý rác điện tử trong nhà máy thay vì đốt ngoài trời. Các đại biểu cũng nhất trí khởi động những cuộc họp tương tự về thiết bị máy tính cũ.