Thay đổi lối sống góp phần hạn chế biến đổi khí hậu

"Không ăn thịt, đi xe đạp và tiết kiệm mua sắm" là những hành động cần thiết của mỗi người trong cuộc chiến chống sự biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Đây là khẩu hiệu do Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), nhà kinh tế học người Ấn Độ Rajendra Pachauri đưa ra trong cuộc họp báo ngày 15/01 tại Paris (Pháp).

Trong báo cáo năm 2007 của IPCC, Chủ tịch Pachauri đã đưa ra lời khuyên hạn chế ăn thịt đối với người dân trên thế giới vì theo ông, việc sản xuất và chế biến thịt thải ra nhiều khí đi-ô-xít các-bon (CO2) và nếu tiêu thụ với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mỗi người.

Các nghiên cứu cho thấy để sản xuất ra 1 kg thịt, con người phải thải ra môi trường một lượng khí CO2 có trọng lượng tương đương 36,4 kg. Thêm vào đó, việc chăn nuôi và chuyên chở một số loài gia súc như bò, cừu hay lợn cũng cần đến một lượng năng lượng tương đương với một bóng đèn 100 oát được thắp sáng trong gần 3 tuần.

Bên cạnh đó, việc hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng động cơ cũng góp phần ngăn chặn hiện tượng ấm dần lên toàn cầu. Ông Pachauri cho rằng nếu chỉ đi quãng đường ngắn (khoảng 500 mét), thay vì ô tô, người dân có thể sử dụng xe đạp hoặc đi bộ. Điều này sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường.

Ông cũng kêu gọi người dân tiết kiệm và mua sắm hạn chế, chỉ mua những thứ đơn giản phù hợp, cần thiết với mục đích sử dụng của mình.

Kể từ khi IPCC đồng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình với Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore hồi tháng 10/2007, Chủ tịch Pachauri luôn đưa ra những cảnh báo về mức độ thiệt hại do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra đối với cuộc sống của người dân các nước trên thế giới.