Hải Phòng: VAC chiến thắng đói nghèo

Những năm 1990, xã Chiến Thắng (An Lão – Hải Phòng) là "điểm nóng" về tình hình trật tự an toàn xã hội, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đều không đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, nhờ chủ trương đúng, Chiến Thắng đã vươn lên, trở thành điểm sáng trong phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với nghề trồng cây cảnh. Trong thành quả đó, đóng góp của Hội Làm vườn (HLV) xã là không nhỏ.

Chiến Thắng có 882ha đất tự nhiên, trong đó có 344ha đất nông nghiệp. Đây vốn là xã xa nhất, nghèo nhất huyện An Lão với 7 thôn: Cốc Tràng, Tôn Lộc, Côn Lĩnh, Mông Thượng, Tân Thắng, Kim Côn, Phương Hạ và khu dân cư Bến Khoẻ.

Nhằm giúp nông dân ổn định sản xuất, giải quyết tồn tại trong đời sống kinh tế – xã hội, chính quyền xã đã đề ra chủ trương khai thác đất vườn, ao, đầm, bãi để phát triển kinh tế theo mô hình VAC, trồng cây cảnh; từng bước chiến thắng đói nghèo.
Ông Đào Thành Lạc, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Những năm gần đây, mô hình trang trại, gia trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản ở Chiến Thắng rất phát triển, chiếm tới 35% cơ cấu kinh tế nông nghiệp; góp phần nâng thu nhập bình quân đạt hơn 6, 5 triệu đồng/người /năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%”.

Một trong những nhân tố quan trọng làm nên diện mạo của Chiến Thắng hôm nay là nhờ trồng cây cảnh. Theo ông Lạc, nghề trồng cây cảnh bắt đầu từ năm 1995, rồi nở rộ theo sự phát triển của HLV.

Đến nhà ông Phạm Văn Láng ở thôn Mông Thượng, người được mệnh danh là “ông tổ” nghề trồng cây cảnh của Chiến Thắng, đâu đâu cũng thấy cây cảnh đủ các kiểu dáng, chủng loại. Ông Láng đã có thâm niên hơn chục năm trong nghề. Đi trong khu vườn ngợp màu hoa lá, ông “khoe” với chúng tôi những chậu vạn tuế, la hán, tùng, hồng vàng, đào, sanh cổ thụ… với đủ dáng rồng bay, phượng múa…

Ông cho biết: “Trồng cây cảnh vốn là niềm đam mê của tôi. Ban đầu cũng chỉ là thú chơi tao nhã, sau có nhiều người hỏi mua, được giá nên tôi bán. Nghề này cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa”.

Từ cách làm của ông Láng, nhiều hội viên Hội Làm vườn làm theo, trong đó nhiều người có “máu mặt” trong làng chơi cây cảnh ở Hải Phòng. Trong số đó phải kể đến anh Lương Đức Châu ở thôn Phương Hạ, một trong những điển hình của phong trào phát triển kinh tế gia đình, được UBND thành phố tặng Bằng khen.

Khi HLV xã triển khai chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, là chi Hội phó HLV thôn, anh Châu xác định phải làm gương cho hội viên khác trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế mới. Với 5 sào (1 sào Bắc Bộ =360m2) đất thổ cư, anh dọn sạch bờ bụi, xây tường, kè 2 sào ao nuôi cá bột; diện tích còn lại anh cải tạo ươm trồng các loại cây cảnh. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi 30 – 40 triệu đồng.

Ở Chiến Thắng bây giờ, nhà nhà trồng cây cảnh, diện tích chuyên trồng cây cảnh của xã lên tới 80ha. Những chậu cảnh ken chật trong vườn, tràn lên bờ tường, lấn cả ra đồng lúa. Trụ sở UBND xã cũng như một vườn cảnh, trông lịch lãm và bề thế với hai hàng cau cao vút và cơ man sanh, si, dừa, duối cổ thụ được cắt tỉa cẩn thận. Xã trở thành điểm cung cấp cây cảnh cho nhiều nơi từ Bắc vào Nam, với doanh thu hàng tỷ đồng /năm.

Độc đáo hơn nữa là hội viên HLV Chiến Thắng đã nhìn ra tiềm năng màu mỡ ở khu bãi bồi sông Văn úc với hơn 100ha đất phù sa. Lúc đầu, chỉ có lác đác vài hộ dám làm, còn nay, bãi hoang đã biến thành vườn na, nhãn, vải thiều, cây cảnh, ao cá… Gia đình ông Đỗ Văn Thịnh ở thôn Tân Thắng có tới 200 gốc đào 2 đến 10 năm tuổi trồng ở đất bãi Văn úc, hứa hẹn mang lại doanh thu hàng chục triệu đồng /năm.

Vốn không phải nghề truyền thống nhưng Chiến Thắng đã tạo dựng được thương hiệu nổi tiếng về cây cảnh, “tiếng tăm” của HLV cũng vươn xa. Ban đầu, Hội chỉ có 21 hội viên, nay đã tăng lên 568 người, toàn bộ 7 thôn trong xã đều có chi HLV. Hội đã thành lập 1 CLB trang trại với 38 hội viên, 1 HTX chăn nuôi – dịch vụ VAC, 1 CLB nuôi thuỷ sản, 1 CLB sinh vật cảnh và 1 CLB gia trại VAC (hiện đã có 115 gia trại đạt giá trị thu nhập 50 – 100 triệu đồng /năm).

Tháng 05/2005, Hội trích quỹ 25 triệu đồng cho 25 hội viên vay không tính lãi 2 năm để đi học nghề nuôi ếch, ba ba, lươn tại Yên Mô (Ninh Bình); cho 12 hộ vay 800.000 đồng /hộ đầu tư sản xuất gạo an toàn với mô hình canh tác hữu cơ lúa – vịt. Hiện, Hội còn quản lý 1 trại lợn nái giống Tam Đảo, 1 trại sản xuất ếch giống, cá giống…

Phương châm của HLV Chiến Thắng là hoạt động trên nguyên tắc thống nhất, chỉ kết nạp người hăng hái làm nông nghiệp, làm dịch vụ và có tinh thần xây dựng Hội, coi cán bộ chi Hội là “mắt xích” quan trọng trong mọi hoạt động. Phải chăng, điều đó đã làm nên thành tích “vàng” hôm nay?