Câu chuyện lúa Nhật ở Thủ đô

10 năm về trước hầu hết người dân Hà Nội đều không biết gì về cây lúa tẻ hạt tròn như lúa nếp nhưng hiện nay thì mọi thứ đã hoàn toàn đổi khác.

Sự khởi đầu

Với hơn 10 triệu người đang sinh sống, học tập, công tác trên địa bàn, ước tính mỗi tháng nhu cầu gạo của Hà Nội là 92.970 tấn. Nếu như trước đây người ta chỉ biết đến ăn no thì nay phải ăn ngon và ăn bổ dưỡng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô, ngành nông nghiệp Hà Nội đã không ngừng đổi mới giống lúa và phát triển vùng trồng lúa hàng hóa tập trung, chất lượng cao.

Khởi động từ 10 năm trước, chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2010-2015 đã hình thành nên nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng, quy mô lớn, hiệu quả kinh tế hơn 8-10 triệu đồng/ha so với lúa thường; Cơ cấu giống lúa chất lượng tăng từ 10,4% năm 2010 lên 48,9% năm 2018.

Để khai thác được tiềm năng về thị trường và khoa học công nghệ của thành phố, thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao ngày 21/01/2019, UBND TP Hà Nội đã ký phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội là đơn vị chính được giao thực hiện.

Trong 2 năm 2019, 2020 đơn vị đã phối hợp với các xã, HTX tổ chức 87 lớp tập huấn, 4 lớp đào tạo về quản lý, kỹ thuật thâm canh, công nghệ sau thu hoạch, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho 7.076 cán bộ, nông dân. Phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tiến hành các thí nghiệm hoàn thiện quy trình canh tác lúa Japonica. Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ tại Hà Nội là cơ sở kỹ thuật để nông dân áp dụng vào sản xuất. Khảo nghiệm bổ sung 5 giống lúa gồm ĐS1, Vaas16, J01, J02, lựa chọn được 1 giống bổ sung vào cơ cấu là J01 và 1 giống lúa có triển vọng là Lộc trời 604.

Vui đùa trên cánh đồng lúa Nhật hữu cơ ở Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Tư liệu.

Trên cơ sở ấy, năm 2019 – 2020, Trung tâm đã triển khai phát triển sản xuất được 2.641 ha lúa Japonica tại 32 HTX thuộc 27 xã của 7 huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh.

Cụ thể gồm 225 ha theo hướng hữu cơ và hữu cơ, 900 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam, 1.516 ha theo hướng an toàn. Năng suất lúa sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam, chất lượng an toàn, bình quân vụ Xuân đạt 6,32 tấn/ha, vụ Mùa đạt 6,23 tấn/ha. Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ vụ Xuân đạt 5,65 tấn/ha, vụ Mùa đạt 5,84 tấn/ha. Với tổng thu gần 60 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế của lúa Japonica đạt 29.5 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với Bắc thơm 15 triệu đồng/ha. Tổng thể hiệu quả kinh tế sản xuất 2.641 ha lúa Japonica đạt 78.118 triệu đồng.

Quan trọng hơn là hiệu quả xã hội tạo ra sản phẩm an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hoá chất. Làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ, bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái.

Song song với đó, Trung tâm cũng xây dựng mô hình bảo quản chế biến, tiêu chuẩn cơ sở cho lúa, gạo gồm: 1 tiêu chuẩn cơ sở sản xuất lúa Japonica xuất khẩu; 1 tiêu chuẩn cơ sở về sản xuất lúa Japonica VietGAP; 1 tiêu chuẩn cơ sở về sản xuất lúa Japonica hữu cơ; 1 tiêu chuẩn cơ sở về gạo Japonica hữu cơ; Phát triển được 2 chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm là HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú với Công ty cổ phần Green Path Việt Nam và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, tiêu thụ được hơn 300 tấn thóc tươi cho nông dân. Hình thành được 2 nhãn hiệu tập thể “Gạo Japonica Mỹ Thành” huyện Mỹ Đức và “Gạo Japonica Nam Phương Tiến” huyện Chương Mỹ, kết nối xuất khẩu sang Úc.

Xát thử gạo Nhật. Ảnh: NNVN.

Bài học kinh nghiệm

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như công tác phối hợp chỉ đạo kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của một số điểm chưa đảm bảo yêu cầu đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả. Công tác kết nối doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn chưa đảm bảo với nhu cầu của sản xuất.

Việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán của một số HTX còn lúng túng, chưa kịp thời nhất là những nơi vụ đầu tham gia. Nguyên nhân là lãnh đạo một số HTX còn ngại khó khăn, chưa làm tốt công tác quản lý mô hình, tuyên truyền vận động, thuyết phục nông dân. Nhận thức về sản xuất lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu chưa đầy đủ của một vài cơ sở cán bộ xã, HTX gây khó khăn cho việc quản lý, chỉ đạo.

Để khắc phục tình trạng trên, bài học kinh nghiệm được rút ra là: Cần phối hợp tốt với Đảng ủy, UBND, các đoàn thể địa phương, Ban quản lý các HTX nơi triển khai để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình chỉ đạo sản xuất, làm tốt công tác chọn điểm, chọn hộ tham gia sản xuất đủ điều kiện. Nắm bắt kịp thời nông lịch và tình hình thời tiết hàng năm để lựa chọn thời vụ gieo cấy phù hợp đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất, hạn chế tối đa sâu bệnh hại và rủi ro do thời tiết bất lợi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại và tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý mô hình.

Lựa chọn giống phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Chọn, cử cán bộ chỉ đạo điểm có đủ năng lực, trình độ thường xuyên bám sát cơ sở cùng Ban chỉ đạo sản xuất các xã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, quản lý sản xuất, đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Đẩy mạnh liên kết hợp tác 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối), xây dựng các chuỗi. Kết nối các doanh nghiệp ngay từ đầu vụ sản xuất để cùng kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo và kiểm tra, giám sát để việc triển khai, sử dụng kinh phí hỗ trợ của thành phố đúng đối tượng, đúng mục đích.