Thung Lũng Vàng

Đà Lạt (Lâm Đồng) là thành phố diễm ảo của ngàn hoa trong rừng thông chập chùng đồi dốc sương mù. Cũng cùng sinh thái ấy, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 10km là khu du lịch hấp dẫn với tên gọi Thung Lũng Vàng. Đến đây bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và bàn tay tôn tạo của con người, khiến ta đắm đuối mê say như gặp nàng sơn nữ đẹp tuyệt trần giữa chốn dương thế!

Với khoảng 10ha khai thác du lịch sinh thái, dã ngoại, Thung Lũng Vàng nằm gọn trong bạt ngàn rừng thông và những đồi cỏ xanh mượt của một tổng diện tích lên tới 170ha.

Chậm bước lên đồi thông lộng gió, nghe tiếng lá thông hát trong êm ả buổi ngày, lòng chợt dưng lặng cảm bâng khuâng như lạc chốn đào tiên. Hai bên lối đi, bên hiên và cả trong mấy gian hàng lưu niệm, những hoa là hoa. Ngàn hoa dị thảo, đúng nghĩa của nó, như quyến rũ mắt nhìn đắm mê của bạn.

Rồi những tảng đá với nhiều hình dáng vừa đơn giản vừa cầu kỳ do thiên nhiên ban tặng, nhưng dưới bàn tay sắp đặt của các nghệ nhân, chúng như nói lên với bạn những điều bí ẩn khó giải mã trong cái đẹp cũng khó phân tích. Những tảng đá nằm dài theo con đường dốc phủ cỏ xanh rì lên thác nước nhân tạo, có tên gọi mang vẻ thần bí: Khu Thái Cực, hồ Lưỡng Nghi nhưng lại giúp bạn thoát khỏi những phiền trược “dưới thế” mà bạn vừa vượt khỏi chẳng bao lâu.

Làm sao không thoát những ưu phiền khi các nghệ nhân đã cố tình sắp xếp những tảng đá mang ý nghĩa “giao hòa và thân thiện” với thiên nhiên. Đá đâu phải được khai thác ở Đà Lạt, mà người ta đã dày công sưu tầm nhiều nơi tận Tây Nguyên mang về.

Thông ở đây cao ngút trời, thẳng đứng như trong hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Loài thực vật được Nguyễn tiên sinh ví như quân tử ấy chiếm cả các ngọn đồi cao, mấy cái thung sâu của Thung Lũng Vàng. Nào thông đỏ, thông năm lá, đào 40 tuổi, tùng búp 60 tuổi, tùng xà ngũ phúc trên 70 tuổi, kể cả bồ đề gần ba thiên niên kỷ.

Ngoài mai anh đào khoe sắc trong mùa xuân chín, ngoài Mimosa múm mím những chùm bông vàng trong cánh lá lấp lánh bạc, ở đây còn có hàng cây phong có nguồn gốc từ Canada. Toàn những danh mộc lão làng.

Thả bộ theo triền dốc, đi dài về phía trước mặt, bên tay phải đường xe vào Thung Lũng Vàng, là hồ Đankia, còn gọi rộng rãi là suối Vàng. Hồ nước rộng bao la, ngàn thông hai bên dốc lung linh soi bóng không chán chê. Chán chê làm sao được với khí hậu một ngày có bốn mùa: sáng xuân, trưa hè, chiều thu và xế chiều trở đi là mùa đông.

Ngả lưng trên nệm cỏ mượt mà, sạch sẽ, gối tay nhìn trời mây lòng phiêu bồng theo cánh gió rì rào tiếng lá thông chạm nhẹ vào nhau. Hoặc thư thả buông cần xuống hồ nước chờ chiếc phao động đậy, giật lên một chú cá tòn ten nơi đầu nhợ. Tiếp tục buông câu, chốc lát sẽ có bữa tiệc hoang dã, nho nhỏ nhưng nhiều thú vị với bạn bè.

Thung Lũng Vàng là thông, là hoa, là đá, là hồ, là suối thác nước. Nhưng, cái nền của nó là thông và đồi. Bạn đã từng say đắm đồi Cù, thì với Thung Lũng Vàng niềm đắm say ấy có phần tăng lên. Bởi nó không đơn thuần chỉ có thông và đồi cỏ mà còn có nhiều cảnh quan hấp dẫn. Nếu có thời gian, bạn cũng nên chinh phục đỉnh núi bên trái cổng vào, sẽ lạc bước vào chốn đào nguyên.

Tiếng thác đổ ầm ào, tiếng suối róc rách bên chân, càng lên cao càng nghe lòng nhẹ như bông. Cô sinh viên mỹ thuật người Nhật Sato Kohara đã thốt lên: “Nơi đây yên bình, thơ mộng và thanh khiết quá. Thanh khiết vô cùng! Lần sau đến Việt Nam, em sẽ trở lại nơi đây cùng vài người bạn”. Đó cũng có thể là lời nhận xét đúng với giá trị của Thung Lũng Vàng, nơi vốn dĩ là “khu đất trống” của Công ty Cấp nước Lâm Đồng, nơi làm việc của khoảng 30 cán bộ, công nhân, đưa nguồn nước sạch phục vụ thành phố Đà Lạt.

Và, “bàn tay tiên” của họ đã biến nơi đây thành điểm du lịch sinh thái, dã ngoại ngày càng thu hút khách hơn. Chẳng bõ công chút nào! Chưa hết, Thung Lũng Vàng còn ấp ủ ước mơ xây dựng một số bungalow, một nhà hàng đặc sản để phục vụ khách nhiều ngày hơn, hấp dẫn một cách êm ả hơn!