Bảo tồn nguồn cây thuốc: Đừng để cây còn mà thuốc mất

Theo số liệu điều tra của Viện Dược liệu, Việt Nam có tới 3.800 cây thuốc thuộc khoảng 270 họ thực vật, phân bổ khắp trên các vùng sinh thái ở Việt Nam.

Phần lớn các cây thuốc mọc tự nhiên và khoảng 20% đã được gieo trồng. Hiện đã xác định được 134 loài cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng và đã phân nhóm theo 3 mức độ: Nhóm cực kỳ nguy cấp có 18 loài như ba gạc hoa đỏ, sâm vũ điệp, bình vôi, hoàng liên; Nhóm nguy cấp (EN) có 42 loài. Đa số các loài như sâm Ngọc Linh, hoàng tinh vòng; 74 loài còn lại được xếp ở dạng sẽ bị nguy cấp – đó là các loài vốn phân bố phổ biến nhưng bị khai thác tàn phá đến mức nghiêm trọng như hà thủ ô đỏ, đẳng sâm.

Nguyên nhân cây thuốc Việt nam bị tàn phá nhanh là do phần lớn cây thuốc mọc hoang dại ở vùng rừng núi, nơi mà nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị xói mòn bởi dân số tăng quá nhanh, thói quen đốt nương làm rẫy và đặc biệt là khai thác quá mức.
Ngay tại khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu, Phước Bửu (Bà Rịa – Vũng Tàu), từ năm 1998, hằng ngày có hàng chục người tự do vào rừng lấy dây ký ninh (trị sốt rét) và vận chuyển ra khỏi rừng một cách công khai với số lượng khoảng 80-100 kg dây tươi/người. Do đó, số loài ký ninh ngày càng suy giảm và loại cây này hiện đã trở nên hiếm thấy ở đây.ấy ở đây.

Bảo tồn, chưa tương xứng

Từ năm 1988, công tác bảo tồn nguồn gien cây thuốc đã được triển khai. Tuy vậy, trong số 848 loài cây thuốc được xác định cần bảo tồn mới chỉ có 120 loài, dưới loài được bảo tồn.

Hiện, công tác bảo tồn được chia làm 3 cách, đó là bảo tồn nguyên vị; chuyển vị và bảo tồn trên trang trại. Nhưng theo Ts. Trần Văn Ơn, Trưởng Bộ môn thực vật, Đại học Dược Hà Nội thì cả 3 cách bảo tồn này dù đã có nhiều nỗ lực, song hiệu quả lại rất ít.

Chẳng hạn với cách bảo tồn nguyên vị – giữ nguyên cây thuốc ở các vườn quốc gia các khu bảo tồn, “đáng lẽ phải để nguyên tác động giữa cây cỏ với các sinh vật và tương tác giữa con người với cây cỏ theo cách bền vững, chúng ta lại đang thực hiện theo quy chế không ai được lấy bất cứ cái gì của các khu bảo tồn. Như vậy, sau 1-2 thế hệ người ta không biết mặt cây thuốc nữa. Điều này đồng nghĩa với việc cây còn, nhưng bài thuốc mất”, ông Ơn nói.

Cách bảo tồn thứ hai là chuyển vị. Cách bảo tồn này giống như vườn thực vật, tức là lấy cây thuốc ở nơi khác chuyển sang nơi có điều kiện tập trung bảo vệ. Nhưng mô hình bảo tồn này ở Việt Nam hiện cũng ít được quan tâm bởi Việt Nam chưa có vườn cây thuốc quốc gia, số lượng các vườn cây thuốc lại rất ít, với diện tích nhỏ và nằm chủ yếu ở các trường đại học Y- Dược để lấy mẫu.

Chính vì thế ông Ơn cho rằng, cách bảo tồn hữu hiệu là bảo tồn thông qua sử dụng. Đây chính là việc khuyến khích người dân sử dụng cây thuốc một cách bền vững. Muốn vậy phải nghiên cứu và phát triển các bài thuốc thành sản phẩm để thương mại hóa và chuyển giao cho người dân. Khi đó người dân không chỉ biết khai thác một cách hợp lí mà còn biết phát triển để trồng các loài cây thuốc này. Có như vậy, nguồn cây thuốc mới mong hết nguy cơ tuyệt chủng.