Triển lãm tranh thiếu nhi “Vì môi trường tương lai”

Trong 2 ngày 25-26/8/2022, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm TP. Đà Nẵng sẽ diễn ra Triển lãm tranh thiếu nhi “Vì môi trường tương lai”.

Triển lãm tranh thiếu nhi “Vì môi trường tương lai” nằm trong khuôn khổ sự kiện “Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Giải pháp và Công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam (WETV)”.

Triển lãm là tập hợp của 60 bức tranh xuất sắc nhất được bình chọn tại Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Vì môi trường tương lai” – Lần thứ 3 – năm 2021 do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Hoà bình TP. Hà Nội và Uỷ ban Hoà bình TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Triển lãm là tập hợp của 60 bức tranh xuất sắc nhất được bình chọn tại Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Vì môi trường tương lai” – Lần thứ 3 – năm 2021

Các bức tranh đạt giải và tham gia triển lãm lần này được lựa chọn từ hơn 38.000 tác phẩm dự thi đến từ gần 1.650 đơn vị là các trường học, trung tâm văn hoá thiếu nhi, các câu lạc bộ nghệ thuật, các lớp vẽ… trên khắp cả nước.

Dù tác giả của những bức tranh tại triển lãm chỉ là những em nhỏ độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi nhưng các tác phẩm được lựa chọ đều chứa đựng nội dung, thông điệp sâu sắc liên quan tới vấn đề môi trường.

Thông qua triển lãm, Ban tổ chức mong muốn truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người hãy cùng quan tâm hơn nữa đến vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời lan tỏa ý thức, hành động bảo vệ môi trường trong thế hệ thiếu nhi, đồng thời cung là sân chơi cho các em nhỏ thể hiện tài năng hội họa.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã tổ chức họp báo về sự kiện “Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Giải pháp và Công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam”.

TS – KTS. Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, “Hội thảo và Triển lãm là cơ hội lớn để các cơ quan, các Hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ; nghiên cứu,ứng dụng và phát triển công nghệ; đặc biệt khuyến khích và ưu tiên thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo,phù hợp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong thời gian tới; hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm góp phần đạt mục tiêu Tăng trưởng xanh và “Giảm phát thải bằng 0 – Net Zero” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh COP26”.

Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng thông tin, Hội thảo cũng là cơ hội để Đà Nẵng tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn, góp phần triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”.

Đồng thời, Hội thảo và triển lãm cũng là cơ hội giúp các đơn vị trong ngành có cái nhìn tổng quan về cơ chế chính sách mới, thực trạng quản lý và xử lý chất thải, môi trường tại các đô thị Việt Nam; là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các nhà đầu tư và cộng đồng người dân tìm hiểu, đề xuất công nghệ và giải pháp phù hợp cho các dự án để xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành tìm hiểu, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, tái tạo năng lượng… từ các tổ chức trong và ngoài nước tham gia Hội thảo và Triển lãm, hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016-2020, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở các đô thị tăng từ 10-16%. Khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày, chiếm khoảng 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên cả nước. CTRSH sau khi thu gom được xử lý chủ yếu bằng các phương pháp sau: 71% khối lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 16% khối lượng CTRSH được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% khối lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp đốt. Thực tế hiện nay cho thấy công nghệ sử dụng trong các phương pháp nói trên nhìn chung còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.