Phá rừng mang “lộc” về nhà

ThienNhien.Net – Theo quan niệm dân gian, lộc bình là chiếc bình mang lộc, để lộc càng nhiều thì người ta làm chiếc bình càng lớn. Thú chơi lộc bình đã có từ lâu song gần đây nó trở nên rầm rộ tại Tây Nguyên và đang là mối đe doạ lớn cho những cây gỗ quý trong rừng!

Tại Tây Nguyên, thú chơi lộc bình rất phổ biến ở Đắk Lắk, trong các ngôi nhà sang trọng, thứ không thể thiếu là một cặp lộc bình lớn bằng gỗ quý. Đến thành phố Buôn Ma Thuột thật dễ dàng bắt gặp những cặp lộc bình được người dân mang ra để ngay cửa kính nhà mình, và các tiệm bán đồ gỗ mỹ nghệ chất đầy mặt hàng chính và giá trị nhất là những cặp lộc bình. 

Những cặp lộc bình có đủ kích cỡ to, nhỏ, trung bình và được làm từ nhiều loại gỗ khác nhau. Nếu được làm bằng gỗ thường thì lộc bình có giá khoảng 10 triệu đồng/cặp, còn nếu được làm bằng gỗ tốt như cà te, cẩm lai, trắc, pơ-mu, thủy tùng… thì có giá từ vài ba chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/cặp. Đây chính là lý do khiến những cây gỗ quý, thân to ở địa bàn các huyện Krông Năng, Ea H’leo, Buôn Đôn, Ea Súp… liên tục bị triệt hạ để phục vụ cho thú chơi này.

Trung bình để có một đôi lộc bình thì phải “hy sinh” một cây rừng quý hiếm vì cần thân gỗ to, tốt, có đường vân để các nghệ nhân chế tác thành một chiếc bình. Toàn thân lộc bình là khối gỗ đặc ruột, chỉ trên miệng bình mới khoét lõm sâu vào trong thớ gỗ một đoạn ngắn.

Một cơ sở chế tác lộc bình tại Buôn Ma Thuột cho biết, tùy nhu cầu của khách hàng, lộc bình có nhiều hình dạng khác nhau, được khảm trang trí bằng 12 con giáp hay hình tứ linh hoặc khảm xà cừ vào thân, nhưng loại được ưa chuộng nhất vẫn là loại đơn giản, có vân gỗ tự nhiên, không đục đẽo.

Thú chơi lộc bình bằng gỗ của người dân trở nên rầm rộ sẽ khiến tình trạng phá rừng thêm trầm trọng, vì thế các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát hợp lý.