Ông “vua” chế biến rác ở Cali (Kỳ 2)

Nếu không có con mắt tinh đời, tài tổ chức và các mối quan hệ của người cha, ông “vua” giấy vụn của một thời thì chắc chắn sẽ không thể có ông “vua rác” như những người đồng hương ở Cali của David vẫn thường gọi anh ngày hôm nay.

Người tìm ngọc trong rác (Kỳ 1)

David, một doanh nhân người Mỹ gốc Việt rất thành công trong lĩnh vục này như Đến khoảng giữa năm 1983, khi số lượng giấy loại lượm về quá nhiều, bán không xuể, cha anh tính chuyện lập công ty để đóng kiện giấy loại xuất khẩu. Do vẫn còn quan hệ với môt số nhà máy giấy ở Đài Loan, ông đã đi một chuyến vừa du lịch vừa tìm đầu mối để xuất hàng giấy tái chế.

Lúc ấy, lại phát sinh vấn đề mua máy đóng kiện, gần 200.000 USD, không có vốn cũng không có uy tín mua trả góp, phải thương lượng mãi, nhà máy sản xuất mới cho trả góp 5 năm. Cha anh quyết định dời nhà sang thành phố Oakland, nơi có kho bãi rẻ hơn và nguồn nguyên liệu dồi dào hơn. Tới nơi ở mới, cả nhà vẫn mướn chung cư (16 người ở 2 phòng, ngủ giường tầng), tiết kiệm tối đa để tập trung vốn làm ăn.

Cũng trong năm 1983, công ty của gia đình ra đời (công ty Cogido Recycling). Mọi người trong nhà vẫn vừa đi lượm giấy loại vừa mua lại để đóng kiện xuất sang Đài Loan. Công ty bắt đầu hướng dẫn cho những người đồng hương từ Việt Nam mới sang cùng làm nghề gom rác rồi thu mua lại của họ.

Lúc đầu, chỉ có khoảng 7 gia đình Việt Nam đi thu gom, nhưng tới năm 87 thì có 70-80 gia đình tham gia vào việc này. Dần dần người Việt Nam thu gom gần hết giấy loại và phế liệu của các thành phố San Francisco, Oakland… và lan rộng ra khắp vùng Cali. Tới năm 1987, gia đình David mở nhà máy thứ 2 ở San Jose, công việc làm ăn ngày càng phát triển..

Lên ngôi “vua rác” ở Cali

Năm 1989, công ty rác lớn thứ 4 ở Mỹ mua lại công ty của gia đình David. Ông chú và David được mời ở lại làm việc, quản lý 3 nhà máy tái chế và 1 nhà máy sản xuất phân từ rác và 1 khu xử lý rác. Đây là thời gian mà David được học hỏi rất nhiều những kinh nghiệm về việc xây dựng và vận hành khu liên hợp xử lý rác hiện đại.

Năm 1991, David rời khỏi cương vị quản lý của công ty nói trên, năm 1992, anh thành lập công ty mới lấy tên California Waste Solution (CWS). Do có kinh nghiệm công tác 2 năm tại công ty lớn, David đã thắng trong cuộc đấu thầu đầu tiên giành quyền thu gom và xử lý rác ở thành phố Oakland. Về sau CWS mở rộng quy mô hoạt động khắp Bắc Cali. CWS có 4 nhà máy chế biến rác ở Mỹ và 1 nhà máy ở Philippines.

Đến nay, CWS có chi nhánh ở Oakland, San Jose, Sacramento, Conta Costa và Solano. Công ty ngày càng ăn nên làm ra và David Dương được mệnh danh là “ông vua” chế biến rác và phế liệu trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Đội ngũ chuyên viên của CWS ngày nay có những người từng làm việc trong Ủy ban bảo vệ môi trường của Cali, có người đang là giáo sư, trưởng phòng giám sát các khu chôn lấp. Hiện tại có khoảng 17 chuyên gia môi trường, nhân viên gần 400, trong đó có nhiều người Việt Nam, làm ở các nhà máy phân loại, tài xế xe tải…

Nhưng con đường phát triển đi lên của CWS không hề suôn sẻ mà đã gặp không ít thử thách cam go mà mới đây nhất là vụ thắng kiện gây xôn xao dư luận người Việt ở Cali giữa năm 2006.

Thắng thầu trong một “cuộc chiến” không cân sức

Thông tin từ báo chí tiếng Việt ở Hoa Kỳ cho biết, tháng 08/2006, thay vì phải đóng cửa nhà máy, David Dương đã lật ngược ván cờ khi đưa công ty mình thoát khỏi tình thế hiểm nghèo.

David Dương đã trúng thầu hợp đồng chế biến rác lớn ở San Jose sau khi vượt qua một công ty của Mỹ đã làm ăn lâu đời tại đây, trong cuộc bầu chọn có các nghị viên thành phố tham gia với số phiếu tuyệt đối 10/10.

Sự kiện trên được báo chí tiếng Việt ở Mỹ đánh giá không chỉ là chiến thắng của riêng triệu phú David Dương. Sâu xa hơn, đây chính là sự biểu lộ sức mạnh của cộng đồng Việt Nam ở thành phố 1 triệu dân này.

Thắng lợi của David Dương được xem là chiến thắng lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt tinh thần đối với nhiều thương gia Việt hiện đang sinh sống và làm ăn ở San Jose. Hơn nữa, công ăn việc làm của con em người Việt ở CWS được đảm bảo.

Nói như David Dương: “Chúng tôi không thể thua vì như thế sẽ làm mất “chân đứng” của cộng đồng hơn 100.000 người Việt ở San Jose”.

 
Khởi công những hạng mục đầu tiên xây dựng Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước.

Mơ về một sân golf hiện đại trên bãi rác Đa Phước

Năm 1989, David trở về Việt Nam lần đầu. Năm 1993, anh đưa cha mẹ về thăm quê hương, cả hai người đều khuyến khích David về Việt Nam làm ăn vì thấy môi trường Việt Nam ô nhiễm nhiều quá.

Năm 1994, David mang 3 chuyên viên Mỹ về Việt Nam, cùng anh đi dọc đất nước, từ Hải Phòng theo các thành phố lớn về tới TP.HCM để theo dõi tình hình rác thải, nghiên cứu tìm ra cách thức thu gom và xử lý tốt hơn. Nhưng lúc đó chưa phải là thời điểm thích hợp đế có thể đầu tư, anh quay về Mỹ, tiếp tục mở mang công ty của mình bên đó, lời hẹn với cha mẹ đành gác lại.

Năm 2003, một đoàn công tác của lãnh đạo TP.HCM tới Mỹ kêu gọi đầu tư. Trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm, phía Mỹ giới thiệu một đối tác đáng tin cậy.

David được ông Mai Quốc Bình (khi đó là Phó Chủ tịch TP.HCM) trực tiếp mời về Việt Nam và thông báo, thành phố đang chủ trương xã hội hóa lĩnh vực này.

Anh trở về, được lãnh đạo thành phố ủng hộ, chỉ yêu cầu anh “làm cho đàng hoàng, mọi khó khăn sẽ được can thiệp giải quyết hết”. Nói vậy, nhưng thủ tục vẫn rườm rà, mãi đến tháng 12 năm 2005, David mới cầm trên tay giấy phép đầu tư và chính thức bắt tay vào việc xây dựng khu liên hiệp xử lý rác trên khu đất sình lầy rộng 128 ha thuộc xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Tiếp nhận khu đất được giao, tiếng là 128 ha nhưng mỗi khi thủy triều lên, chỉ còn 40 ha là đất, còn thì ngập nước mênh mông. Việc đầu tiên phải làm là xây dựng hệ thống đê bao vững chắc để chống triều, rồi gia cố thật kỹ phần nền móng và các lớp lót ngăn chặn tuyệt đối nước rỉ rác không cho thấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, lắp đặt hệ thống thu nước ngầm bên dưới để nền móng được vững, thu và xử lý toàn bộ nước rỉ rác…

Công việc nhiều, tất cả đều đòi hỏi kỹ thuật cao và kỹ lưỡng nhưng lại phải thi công và hoàn thành thật nhanh vì thành phố đang khủng hoảng nơi chứa rác. David và đội ngũ chuyên gia nước ngoài, kỹ sư và công nhân làm việc hối hả, hầu như không có ngày nghỉ để chỉ sau chưa gần 2 năm hoàn thành việc thi công giai đoạn 1.

Từ tháng 11/2007, bãi rác Đa Phước đã chia sẻ 1/3 khối lượng xử lý rác thải cho thành phố khi bắt đầu tiếp nhận xử lý mỗi ngày 3.000 tấn rác. David đang quyết tâm sẽ hoàn thành những hạng mục còn lại của khu liên hợp gồm một nhà máy phân loại rác tái chế công suất 500 tấn/ngày, 1 nhà máy sản xuất phân hữu cơ công suất 100 tấn/ngày và 3 bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh cùng với hệ thống thu và xử lý nước thải hoàn chỉnh.

Trước thềm năm mới, đứng giữa bãi rác hiện đại nhất Việt Nam đang hình thành, David nói về một giấc mơ có thực. Sau 20 năm nữa, nơi anh đang đứng sẽ trở thành một sân golf hiện đại có hạng ở châu Á, anh tự hứa với mình sẽ làm hết sức để trả lại cho Đa Phước một không gian trong lành và xanh ngát.

Đem về quê hương tất cả những kinh nghiệm mà mình học hỏi được ở xứ người, góp phần xây dựng quê hương Việt là tâm huyết của thế hệ cha anh, của anh. David Dương bảo, mình trở về lúc này thật đúng lúc, khi “con tàu Việt Nam” đang tiến ra biển lớn, đang cần rất nhiều “thủy thủ” và “tài công” giỏi giang, dày dạn kinh nghiệm.