Hoang vắng đại ngàn (Kỳ 1)

Bắc Tây Nguyên – đã bao lần đến rồi đi, nhưng mỗi chuyến trở lại luôn mang đến những khám phá bất tận. Đi giữa hai mùa mưa-nắng đại ngàn Trường Sơn từ phía cực bắc Kontum tìm ra hai chi lưu thượng nguồn của sông Se San huyền thoại, tôi đã gặp những gương mặt người…

Kỳ 1. Báu vật cuối cùng của người Brâu

Làng Dak Mế – của người Brâu không hoang dã, đầy màu sắc núi rừng như tôi tưởng tượng khi đặt chân đến trong buổi chiều mưa tầm tã. Những dãy nhà vách ván, tôn, đất chạy dọc theo con đường dẫn lên cửa khẩu quốc tế Bờ Y – ngã ba Đông Dương “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe…”

Hầu hết đàn ông trai tráng làng Brâu đều lên rừng làm rẫy. Hỏi thăm già làng Thao Khơi, một phụ nữ địu con trước ngực cho biết: “Thao Khơi “hết nhiệm kỳ” rồi, giờ chỉ còn có “phó già làng” đang uống rượu đâu đó trong thôn. Nhưng hỏi ra mới biết “ông già làng” mới này của người Brâu lại là người dân tộc… Tày! Là do người Brâu quá ít dân số, không lập nổi một làng nên người ta đan xen các dân tộc Kinh, Tày, Mường… vào chung sống trong làng”.

Tuy được xem là dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, nhưng người Brâu cũng đã tăng dân số đáng kể trong thời gian qua. Nếu như năm 1989 chỉ có 200 người, đến năm 1994 lại tăng lên được 231 người. Theo số liệu từ cuộc tổng điều tra dân số năm 1999 thì người Brâu đã có 313 người và đến nay đã “lên đến” 322 người.

Thao La, một người Brâu còn giữ tập tục xăm mình kỳ dị, nhưng nói năng thật thà, “người Brâu đã không còn phá rẫy làm nương, không còn thiếu ăn sáu tháng, mà chỉ còn thiếu ba tháng thôi…”. Đưa chúng tôi đi về phía bìa rừng gặp cha anh, ông Thao Chơ Riêng, một trong số ít những người đang giữ báu vật quý giá nhất của người Brâu – bộ chiêng Tha.

Thao Chơ Riêng rất vui vì có người từ xa đến thăm ông, rượu được rót ra mời khách và những câu chuyện về người Brâu nhỏ bé cứ tuôn ra như giọt rượu nồng cay. Tuy nhỏ bé giữa đại ngàn, nhưng người Brâu vẫn giữ được văn hoá, tiếng nói của dân tộc mình. Những người lớn tuổi vẫn còn giữ phong tục “cà răng, căng tai” và tục xăm mình. Theo già Thao Chơ Riêng, xăm mình là cách để người Brâu ít ỏi chống chọi lại với bất trắc của hoang dã và căng tai là một cách trang điểm đẹp nhất của người Brâu.

Như Nàng Pế, vợ Thao Chơ Riêng năm nay đã 70 tuổi, nhưng bà đã căng tai hơn 60 năm. Đôi hoa tai nặng trĩu bà đeo được làm từ ngà con voi rừng mà ba mẹ bà săn được, họ cưa ra mài cho bà đôi hoa tai đẹp nhất để làm của hồi môn, số ngà còn lại đều nộp cho già làng ngày xưa. Cả làng Brâu giờ chỉ còn ba người già còn giữ bộ căng tai bằng ngà voi to lớn như vậy, bởi theo phong tục của người Brâu, họ sẽ mang theo tất cả khi đi về thế giới bên kia, và một lý do khác hơn nữa: bây giờ làm gì còn voi mà lấy ngà căng tai…

Chúng tôi gặng hỏi mãi, ông Thao Chơ Riêng vẫn chưa cho xem bộ chiêng Tha quý hiếm, ông bảo: “Hồi trước có đoàn cán bộ văn hoá trên tỉnh về nói chiêng Tha quý lắm, bảo phải mang ra Hà Nội đánh cho cả nước cùng nghe, hai cha con đi cả tháng mới về làng, lúa rẫy lợn rừng phá sạch, vậy mà họ chỉ trả công cho chúng tôi có một trăm nghìn…”. Nhưng đó là cách nói hờn của ông già 72 tuổi. Ông bảo Thao La mang báu vật của người Brâu ra cho chúng tôi xem với một điều kiện duy nhất: phải thực hiện đúng nghi thức hiến tế, xin phép Giàng được đánh chiêng Tha.

Thao Chơ Riêng cho biết lễ hiến tế ngày xưa phải mổ mười trâu, mười bò mới được đánh chiêng Tha. Nhưng bây giờ nghèo quá, chỉ làm một con gà. Ché rượu cần được sắp đặt đúng theo nghi thức ngày xưa, con gà sau khi cắt tiết được đốt đi để dâng lên Giàng và cả nhà Thao Chơ Riêng lục tục lôi bộ chiêng Tha được giấu kín dưới gầm giường ra.

 
Nàng Pế với tục căng tai bằng ngà voi trong 60 năm và bà sẽ mang theo xuống mồ khi mất đi.

Vừa bôi máu gà vào chiêng, Thao Chơ Riêng khấn vái xin phép Giàng: “Giàng là Giàng của chiêng Tha – vua của núi rừng sâu, xin chứng kiến tấm lòng thành kính dâng lên Giàng con gà của nương, ché rượu của rẫy, xin Giàng hãy mang đi những xui xẻo, đau ốm, và đói kém, xin Giàng hãy mang đến hạt lúa đầy, con heo to và sức khoẻ tốt cho người Brâu…”. Trong lúc Thao Chơ Riêng thành kính với Giàng, những người phụ nữ, trẻ con cũng ngồi quây quần quanh ché rượu cần lâm râm khấn, những bàn tay được đặt lên nhau như biểu lộ sự đồng tâm hướng về trời đất, mong cho sự chứng giám, và đó cũng để bày tỏ sự đoàn kết của cộng đồng nhỏ bé này với núi rừng…

Khác với các loại cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên, chiêng Tha của người Brâu chỉ có hai chiếc và khi đánh chiêng, họ treo xà nhà chứ không cầm trên tay và được đánh từ hai mặt với hai người cầm hai dụng cụ gõ khác nhau. Chiêng Tha lớn được gọi là chiêng chồng, và chiêng nhỏ là chiêng vợ. Cặp chiêng Tha là biểu tượng sức mạnh tinh thần, quyền uy tối thượng trong đời sống cộng đồng của người Brâu, là cầu nối thông linh giữa thế giới trần tục và thế giới các vị thần trên cao và được cộng đồng người Brâu cho rằng có chức năng phán truyền của Giàng – vị vua trên trời.

Mỗi cặp chiêng Tha có giá trị bằng 30 con trâu. Cặp chiêng Tha quý nhất ở làng Brâu có giá trị tương đương 100 con trâu đã được một tù trưởng bên Lào mua về và nhiều người tin rằng đó chính là linh hồn của các loài chiêng. Thao Chơ Riêng cho biết ngày xưa gần như nhà nào cũng có chiêng Tha, dần dà do đói kém, do bị bọn buôn đồ cổ dụ dỗ, người Brâu đã bán dần chiêng Tha, nên hiện nay cả cộng đồng chỉ còn không quá ba bộ chiêng… Bộ chiêng của ông đã nhiều lần được những người buôn đồ cổ từ xuôi lên gạ mua với giá 40 con trâu, có lúc ông tính bán đi, số tiền đủ để làm lại cái nhà rách nát, chuộc lại ruộng rẫy cho con cháu đông đến hơn hai chục đứa, vẫn còn lại ít tiền để sống với bà Nàng Pế đến khi về với Giàng. Nhưng cuối cùng ông không bán, vì theo ông: “chiêng Tha nó có linh hồn, bán đi xem như mất linh hồn…”