Nước mặn xâm nhập sâu vào vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Nước mặn đang tiếp tục xâm nhập sâu vào đất liền ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gây khó khăn cho sản xuất và ảnh hưởng tới đời sống của người dân trong vùng.

Nam Bộ có nguy cơ xâm nhập mặn và cháy rừng

Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn Đồng bằng sông Cửu Long, từ nay đến cuối tháng 4, tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn biến phức tạp và nước mặn có khả năng xâm nhập sâu vào đất liền từ 50 đến 60km.

Tại Cà Mau, nước mặn đã xâm nhập sâu vào vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời. Độ mặn tại các tuyến kênh chính như Cơi 5, Minh Hà, 88 đo được từ 8 đến 14‰. Đây là khu vực trồng rau màu và nuôi cá đồng, nên nên nước mặn xâm nhập đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Tại khu vực U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), nước mặn đã xâm nhập vào ruộng lúa, ao nuôi trồng thủy sản ở các gồm các xã An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận, thiệt hại ban đầu ước tính hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, nước mặn đang tiếp tục xâm nhập thêm vào địa bàn các huyện Hòn Đất, Kiên Lương và thành phố Rạch Giá.

Trong khi đó tại Bến Tre, nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào đất liền, đe dọa khoảng 12.300 ha vườn cây ăn trái tại huyện Chợ Lách. Tại Tiền Giang, nước mặn đã vào đến khu vực Hòa Định (huyện Chợ Gạo), cách biển khoảng 40km.

Ngành nông nghiệp các địa phương đang khẩn trương triển khai đồng loạt nhiều biện pháp chống mặn, đồng thời yêu cầu người dân theo dõi chặt diễn biến, tăng cường trữ nước ngọt và không tưới nước mặn vào vườn cây tránh thiệt hại./.