Nguy cơ thiệt hại về mọi mặt từ những đồn điền cao su

ThienNhien.Net – Hàng năm, có hơn 1 tỉ lốp xe được sản xuất từ cao su tự nhiên, phần lớn được chiết suất từ nhựa cây cao su para. Các đồn điền cao su đã lan rộng khắp lãnh thổ Đông Nam Á, kể cả những khu vực có giá trị cao về đa dạng sinh học mặc dù theo một phân tích mới đây, sự phát triển nhanh chóng bất chấp những tác hại đối với môi trường này có thể không hề mang lại giá trị về mặt kinh tế. Năng suất cao su giảm sút không chỉ do đồn điền cao su được xây dựng ở những nơi không thích hợp mà còn cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu.

Cây cao su (Nguồn: conservationmagazine.org)
Cây cao su (Nguồn: conservationmagazine.org)

Các tác giả cuốn “Global Environmental Change” (Biến đổi môi trường toàn cầu) khẳng định việc thế chỗ những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao bằng các đồn điền thiếu bền vững và không thể thích ứng với điều kiện địa phương có thể mang đến nguy cơ thiệt hại cả về mặt kinh tế và lẫn môi trường.

Bên cạnh việc xác định điều kiện khí hậu và địa điểm trồng cao su phù hợp bằng cách nghiên cứu các tư liệu về cây cao su para trong tự nhiên, nhóm tác giả cũng tìm kiếm các báo cáo, tin tức, nghiên cứu khoa học nhằm chứng minh ảnh hưởng của biến động môi trường đối với sản lượng và khả năng tồn tại của cây cao su. Sau đó, họ tiến hành phân tích bản đồ phân bố cao su tại Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và một số khu vực tại Trung Quốc để xem xét mức độ phù hợp cho trồng cây cao su ở những khu vực này.

Cao su trong tự nhiên là loài nhạy cảm với sương giá, cần lượng mưa hơn 60mm/tháng trong vòng ít nhất nửa năm và không chịu được gió mạnh hơn 4-5m/s. Vì vậy, các khu vực có địa hình dốc, nhiều sương giá, mùa mưa ngắn là không phù hợp. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến 2010, các nhà nghiên cứu ước tính có tới 72% đồn điền cao su nằm ở các khu vực như vậy, và hơn một nửa số đồn điền nằm ở những nơi rủi ro cao, thiếu bền vững.

Mặc dù nhiều giống cao su mới lai tạo có khả năng thích nghi và sức chống chịu cao hơn giống tự nhiên, những cải tiến này vẫn chưa đủ giúp các đồn điền cao su phát triển bền vững. Hơn thế, các tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lũ còn làm tình trạng thêm tồi tệ.

Có khoảng 2500 km2 là rừng cao su tự nhiên, 610 km2 rừng cao su nằm trong các khu vực được bảo vệ và 1,624 km2 lấn chiếm hành lang bảo tồn hoang dã. Mặc dù vậy, nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn tiếp tục lên kế hoạch trồng lấn cao su vào diện tích rừng và các khu vực giàu đa dạng sinh học, gây ra tổn thất lớn cho hệ động thực vật và có lẽ đối với cả người dân.