Các mô hình bảo tồn hiện nay liệu đã đúng hướng?

ThienNhien.Net – Trên tạp chí Nature cuối năm 2007 có một báo cáo nghiên cứu đáng chú ý. Đó là nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Anh, cho kết quả trái ngược lại hoàn toàn các mô hình bảo tồn hiện tại với giả thiết rằng các loài động vật nguy cấp tập hợp trong các khu vực địa lý giống nhau.

Các chiến lược bảo tồn toàn cầu hiện nay thường giả thiết rằng các nhóm động vật khác nhau tuân theo các mô hình tương tự về tính đa dạng: kiểu phân bố của các loài bị đe doạ tuyệt chủng trong một nhóm có thể là kim chỉ nam để nghiên cứu những nhóm khác. Trên cơ sở đó, các chiến dịch mang tên “viên đạn bạc” thường triển khai bảo tồn các vùng có số lượng động vật nguy cấp cao nhất thông qua việc kiểm nghiệm mô hình trên một nhóm.

Tuy nhiên, theo Ian Owens, nhà nghiên cứu của trường Cao đẳng hoàng gia Luân Đôn và cũng là tác giả của công trình này, cách tiếp cận trên là sai lầm bởi các nhóm khác nhau phải chịu những áp lực khác nhau.

Ông lấy dẫn chứng minh họa: “Hổ đang bị đe doạ bởi nạn săn trộm còn các loài lưỡng cư thì suy giảm do nhiễm bệnh từ những loài cá ngoại lai phát triển trong khu vực chúng sinh sống”.

Các quan điểm bảo tồn mới này là kết quả của mô hình đa dạng sinh học chi tiết nhất từng được đưa ra. Một đội nghiên cứu quốc tế đã phân chia các vùng đất trên thế giới thành các ô vuông có diện tích khoảng 100 km2. Sau đó họ tạo ra 3 bản đồ có độ phân giải cao biểu hiện các loài đang cư trú tại mỗi ô – mỗi ô riêng cho các loài chim, thú và lưỡng cư.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng sự đa dạng sinh học của tất cả các nhóm đã được tập trung trong các khu vực giống nhau. Điều này một lần nữa xác thực khái niệm các điểm nóng đa dạng sinh học. Song nếu chỉ xét đến các loài nguy cấp thì xu thế này bị phá vỡ hoàn toàn. Theo các tác giả, khi xét mức độ động vật nguy cấp trùng lặp trong các phạm vi khác nhau thì sự trùng lặp này “thấp 1 cách đặc biệt ở các loại động vật cực kì quý hiếm”.

Owens nói: “Việc từ bỏ giả thuyết có một số điểm nóng trên toàn cầu nơi mà mọi sinh vật sống đều đang bị nguy hiểm là thực sự quan trọng…Vấn đề này phức tạp hơn nhiều bởi các loài thú, chim và lưỡng cư đang bị đe doạ bởi các vấn đề khác nhau, trên các khu vực khác nhau.”

Các tác giả khẳng định kết quả nghiên cứu sẽ giúp ích lớn cho công tác bảo tồn, tuy nhiên cũng cảnh báo rằng nên cẩn trọng khi áp dụng bởi nghiên cứu mới chỉ tiến hành đối với từng loài đơn lẻ mà không phải toàn bộ hệ sinh thái. Thêm vào đó, nghiên cứu chỉ tập trung vào các khu vực trên đất liền, chưa tính đến sinh vật biển.