WB gặp trở ngại trong công tác bảo tồn hổ ở Myanmar

ThienNhien.Net – Nỗ lực của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm bảo vệ con vật biểu tượng của Châu Á – loài hổ – đang gặp phải khó khăn ở Myanmar, một đất nước bị áp dụng lệnh trừng phạt của Mỹ.


Thách thức đối với WB

Thách thức đối với WB là việc cân bằng giữa mối quan tâm mới của Ngân hàng trong vai trò một nhà bảo tồn – thông qua Sáng kiến Toàn cầu về Hổ (GTI) – và chính sách trừng phạt, không cho phép một cơ quan tài chính quốc tế có trụ sở tại thủ đô Washington trực tiếp tham gia viện trợ tài chính cho đất nước Đông Nam Á này.

GTI, sáng kiến được Ngân hàng đưa ra tháng 6 năm 2008, đã đề xuất một loạt giải pháp giúp 13 quốc gia châu Á, nơi mà những con hổ cuối cùng đang sinh sống. Sáng kiến bao gồm đầu tư trực tiếp để bảo tồn và mở rộng môi trường sống hiện tại của loài động vật ăn thịt đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này.

Myanmar có số lượng hổ được bảo tồn lớn nhất thế giới trong số 13 quốc gia tham gia chương trình bảo tồn hổ hoang dã bao gồm Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Nepal, Nga, Thái Lan và Việt Nam.

Ông Keshav Varma, người đứng đầu GTI khẳng định WB không được ủy thác tài trợ cho các dự án ở Myanmar, nhưng họ có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thông qua các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác. Ngoài ra, GTI cũng cân nhắc các phương án khác để giúp bảo tồn loài hổ của Myanmar thông qua các kế hoạch hợp tác song phương với Ấn Độ hay các chính phủ lân cận khác.

Yuki Akimoto, đồng giám đốc của Mạng thông tin Myanmar-Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo cũng đồng tình với nhận định của Varma về những hạn chế của WB ở Myanmar. Ông Akimoto cho biết các cổ đông của WB không ủng hộ việc Ngân hàng hỗ trợ cho Myanmar và Hoa Kỳ là cổ đông lớn nhất trong khi chính phủ của họ không cho phép bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Ngân hàng cho Myanmar.

Nhưng dưới hình thức cung cấp viện trợ nhân đạo, trong những năm gần đây WB đã cố gắng giúp đỡ đất nước này thông qua các dự án hay các chương trình mang tính “nhân đạo” hoặc tương đối phi chính trị.

WCS và công tác bảo tồn hổ ở Myanmar

Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) có trụ sở tại New York đã làm việc với chính quyền Myanmar kể từ đầu những năm 1990 nhằm gia tăng số lượng hổ hoang dã và các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng khác ở nước này.

Lợi thế của WCS là khả năng giành được hỗ trợ chính thức để thành lập Khu Bảo tồn Hổ Thung lũng Hugawng – Hugawng Valley Tiger Reserve (HVTR), môi trường sống lớn nhất thế giới của loài hổ có diện tích 21.802 km2 ở vùng núi phía tây bắc của Myanmar, gần biên giới Ấn Độ.

Ông Colin Poole, giám đốc Chương trình châu Á tại WCS cho biết khó khăn lớn nhất khi làm việc trong một nước bị áp dụng biện pháp trừng phạt như Myanmar là việc huy động vốn cho các chương trình: “Chúng tôi biết WB không thể tham gia, nhưng có thể có các phương án khác cần được xem xét.”

Tuy nhiên, trong khi WCS không thể đưa ra một ước tính chính xác số hổ hoang dã ở Khu Bảo tồn Hổ Hugawng kể từ khi đi vào hoạt động, thì tổ chức này vẫn nhận những hỗ trợ chính thức dành cho công việc của mình ở Myanmar.

Điều này khiến các nhà bảo vệ môi trường khác cảm thấy chưa thuyết phục. Kevin Woods, người đã tham gia vào các chương trình môi trường ở Myanmar gần một thập kỷ nhận định: “Mặc dù chính phủ Myanmar đã lập ra khu bảo tồn hổ lớn nhất thế giới khiến cộng đồng bảo tồn quốc tế trước hết là bất ngờ và sau đó hưởng ứng, song trên thực tế HVTR vẫn chỉ là một “khu bảo tồn trên giấy”. Nó chỉ được đánh dấu trên bản đồ, nhưng công tác bảo tồn thực tế còn chưa hiệu quả.”

Không những thế, dự án này còn ảnh hưởng tới một số cộng đồng thiểu số bản địa, trong đó có người Kachin. Chưa hết, khu vực dự án còn được cho là có hoạt động khai thác vàng lan rộng, nhiều đất đai bị thu hồi, khai thác gỗ diễn ra trên quy mô lớn, vì vậy loài hổ có thể tuyệt chủng trong tương lai.

Trong một cuộc phỏng vấn, biên tập viên của Tổ chức truyền thông Kachin News Group đã phát biểu: “Các tổ chức phi chính phủ quốc tế tham gia dự án HVTR làm việc với quân đội chứ không phải với dân tộc Kachin địa phương. Không thể bảo vệ loài hổ dựa vào mối quan hệ như vậy!”