Nhận diện những khu rừng cần bảo tồn khẩn cấp để cứu loài chim

ThienNhien.Net – Trong bối cảnh mà việc thiết lập những ưu tiên bảo tồn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, sự ra đời của một công trình đánh giá toàn cầu giúp nhận diện những khu rừng quan trọng nhất đối với sự sống còn của các loài chim càng trở nên ý nghĩa hơn.

Công trình này do các nhà khoa học thuộc Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (BirdLife International) và Hiệp hội Bảo tồn Chim Hoàng gia Anh (RSPB) thực hiện và mới được công bố trên tạp chí khoa học uy tín PLoS ONE (Anh).

Theo kết quả đánh giá toàn cầu thì ba khu vực hàng đầu cần được gấp rút bảo tồn là những cánh rừng ở Hawaii; Palau ở Thái Bình Dương và rừng thuộc các hòn đảo nhiệt đới châu Phi São Tomé, Príncipe và Annobón.

“Việc bảo vệ những nơi cư trú ấy cũng chính là một trong 10 hành động chủ chốt mà BirdLife đã xác định nhằm ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng nhiều hơn nữa của các loài chim”, Tiến sĩ Stuart Butchart thuộc BirdLife, khẳng định.

Rừng ở Hawaii (Ảnh: Fs.fed.us)

Ngoài ba vùng rừng quan trọng nhất, các cánh rừng trên núi và ven biển thuộc khu vực Nam Mỹ cũng được đánh giá là có tầm quan trọng đặc biệt. Riêng các vùng rừng như rừng ở lưu vực Amazon – nơi sinh sống của một số lượng loài lớn, lại bị đánh giá thấp hơn bởi các loài có mặt tại đây còn phân bố ở rất nhiều nơi khác trên thế giới.

Để ước tính đóng góp của mỗi 25km2 rừng trong mục tiêu bảo tồn các loài chim, nhóm nghiên cứu đã sử dụng vùng phân bố của loài và độ che phủ rừng từ dữ liệu hình ảnh vệ tinh. Sau khi kết hợp các thông tin trên với tỷ lệ mất rừng (chủ yếu do khai thác gỗ), họ sẽ nhận diện được những khu rừng quan trọng nhất cần phải bảo tồn.

Hiện toàn thế giới có khoảng 6.000 loài chim (chiếm 60% tổng số loài chim toàn cầu) sống dựa rừng và một phần trong số này đã trở thành các loài bị đe dọa nhất trên Trái đất.

Bàn về giá trị của công trình nghiên cứu giữa lúc cuộc khủng hoảng tuyệt chủng đang lan rộng, ông Graeme Buchanan thuộc RSPB phát biểu: “Các loài chim sống phụ thuộc vào rừng nhiều hơn bất kỳ nơi cư trú nào khác. Do đó, phân tích của chúng tôi đã cho thấy một đánh giá khách quan về tầm quan trọng của mỗi mảnh rừng trên toàn cầu đối với sự sống của các loài chim”.

Ngoài ra, ông cũng cho đây là một phân tích hết sức kịp thời, đúng thời điểm các chính phủ trên thế giới nhất trí tăng số lượng các khu bảo tồn toàn cầu thông qua Công ước Đa dạng sinh học. Và nếu bảo tồn có thể giúp bảo vệ các khu vực này thì đánh giá toàn cầu của nhóm sẽ là một đóng góp ý nghĩa giúp đưa ra quyết định về những khu rừng cần ưu tiên bảo tồn.