Chiến dịch bão táp của Paul Watson nhằm cứu vãn đại dương (Phần I)

Vào một buổi chiều đông, hai chiếc tàu Farley Mowat và tàu Robert Hunter chạy song song bên nhau trong vùng biển băng ở cửa Biển Ross, ngoài khơi bờ biển Nam Cực. Chúng thuộc sở hữu của Hiệp hội bảo tồn chăm sóc biển, một tổ chức dân phòng do Paul Watson sáng lập 30 năm trước, để bảo vệ các sinh vật biển thoát khỏi những thói quen phá hoại và săn bắt vô tội vạ của con người.

Watson và đội thủy thủy gồm 52 tình nguyện viên đã đưa những chiếc tàu – tàu Farley Mowat đến từ Australia và tàu Robert Hunter đến từ Scotland – đến Biển Ross với ý định cứu loài cá voi tại một trong những vùng sinh sống chủ yếu của chúng.

Trước đây, khi Ernest Shackleton và đội thủy thủ đến vùng biển Ross, họ thấy có nhiều cá voi đến mức họ đã đặt tên một phần của vùng biển này là Vịnh Cá Voi. (“Một sân chơi thực sự cho những con quái vật to lớn này”, Shakleton viết). Tuy nhiên, sau này cá voi đã bị săn bắn vô tội vạ với quy mô lớn tại vùng biển này. Một đội tàu săn có voi của Nhật Bản hàng năm vẫn đến các vùng nước ở Bắc Cực vào mùa đông để săn cá voi min-cơ (một loại cá voi nhỏ màu xám sẫm) và gây nguy hiểm cho cá voi vây.

Paul Watson tin vào biện pháp bảo tồn cưỡng chế nên trong nhiều thập kỷ qua ông đã dùng hải đội riêng của mình ngăn chặn bằng cách đâm mũi dùi nhọn về phía những chiếc tàu săn cá voi, đặc biệt là tàu săn bắt cá voi của Nhật Bản.

Watson đã 60 tuổi, béo lùn và cơ bắp. Mái tóc trắng của ông thường xuyên rủ xuống mắt với những lọn rối bù. Trong các chuyến đi tới Nam Cực dài ngày, râu ria ông thường để xồm xoàm.

Vào ngày 19 tháng 1, Watson ra lệnh neo các tàu của mình lại với nhau ở Biển Ross, ông mặc một bộ áo màu đen dài tay kiểu quân phục được máy thêm những logo tượng trưng của đội Chăm sóc biển, và đeo một chiếc thắt lưng bảy sắc màu cầu vồng, bên hông giắt theo một con dao găm.

Watson chỉ huy tàu Farley, một chiếc tàu đánh cá han rỉ, nó được đóng tại Na Uy vào năm 1958. Chiếc tàu này có màu đen điểm vàng, với đầu lâu và xương chéo được sơn ở khắp nơi để có thể thấy rõ và trên boong trước có một dụng cụ được gọi là “cái mở hộp”: một dầm thép hình chữ I rất sắc được gắn ở mạn sườn phải của con tàu, chĩa ra ngoài và được sử dụng để cào rách vỏ tàu đối phương.

Khi Watson ở ngoài khơi, ông thường hành động giống như thuyền trưởng Nemo, nghĩa là ông làm những gì mình cho là đúng, ngay cả khi điều đó là vi phạm pháp luật hay phá hoại tài sản. Có một số luật thuộc về nền văn minh gây trở ngại cho những hành động làm theo đạo lý của ông, một trong số đó là Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982, công ước này khẳng định rằng chỉ các quốc gia có chủ quyền mới có quyền thi hành luật ở đại dương. Nếu như những quy định như vậy làm ảnh hưởng đến các chương trình làm việc của ông, thì ông sẽ bỏ qua chúng hoặc phớt lờ chúng, đặc biệt khi liên quan đến cá voi.

Watson cho rằng cá voi còn thông minh hơn người và rằng việc tàn sát chúng chẳng khác nào tội giết người (có lần ông đã so sánh việc tàn sát chúng như Thảm họa tàn sát người Do Thái của Đức Quốc Xã). Người Nhật lại có quan điểm khác. Họ đã và đang săn bắt cá voi bằng một đội tàu công nghiệp hiện đại từ thập niên 30 của thế kỷ trước, và nếu một bộ phận nào đó của thế giới càng lên án việc đi săn của họ thì chính phủ của họ càng hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc này.

Việc săn bắt cá voi không bị cấm, nhưng cũng không hẳn là được phép, ở đây xuất hiện một sự nhập nhằng xuất phát từ sự thỏa hiệp và thiển cận về chính trị. Năm 1946, các quốc gia săn bắt cá voi lớn trên thế giới đã thành lập Ủy ban săn bắt cá voi quốc tế (IWC) để quản lý việc đánh bắt cá voi của thế giới. Tính đến thập niên 70 của thế kỷ XX, một số loài cá voi đã hầu như bị tuyệt chủng, và tính đến đầu thập niên 80, IWC đã quyết định rằng việc săn bắt cá voi vì mục đích thương mại cần phải ngưng lại. Tuy nhiên, một số nước đánh bắt cá voi hàng đầu vẫn từ chối tuân thủ lệnh này.

Lách luật

Săn bắt cá voi phục vụ cho mục đích khoa học luôn được phép ở mọi nơi và không hạn chế về số lượng. Người Nhật nói rằng họ săn cá voi ở Bắc Cực để nghiên cứu về số lượng cá voi theo từng mùa. Vào mùa đông năm 2005, Nhật Bản đã giết hơn 1.000 con cá voi, gần gấp đôi khối lượng đánh bắt thương mại của Na Uy – cũng là một nước phản đối lệnh ngừng săn bắn cá voi. Đội tàu của Nhật được quản lý bởi Viện nghiên cứu động vật biển có vú, một cơ quan do chính phủ trợ cấp có trụ sở ở Tokyo, nhưng viện này hầu như không tiến hành một cuộc nghiên cứu thuộc bất kỳ lĩnh vực nào, và tất cả những con cá voi được đưa vào cảng đều bị xẻ thịt.

Watson có xu hướng nhìn mọi thứ theo đúng bản chất của chúng. Một nhà ngoại giao có thể nói rằng đội tàu săn bắt cá voi của Nhật về mặt kỹ thuật đang tuân thủ những quy định của IWC, và rằng để ngăn chặn nó thì ta trước hết phải thay đổi điều luật đã cho phép đội tàu này săn bắt cá voi. Không hề nao núng trước các quy định quốc tế, Watson khăng khăng cho rằng đội tàu của Nhật đang vi phạm luật, và rằng, do IWC không ra tay thì ông và hải đội của mình phải ra tay.

Ông gọi đội tàu của mình là Hải đội của Thần Biển, và coi nó là một cơ quan thi hành luật pháp. Nhiều lúc, trước khi đâm vào một chiếc tàu đánh bắt, Watson sẽ gửi tín hiệu radio cho thuyền trưởng tàu đó và trịnh trọng nói “Làm ơn di chuyển khỏi những vùng biển này. Các vị đang vi phạm những quy định về bảo tồn quốc tế”. Nhưng cũng có khi ông không giữ được sự bình tĩnh.

Có lần ông đã nói với một vị thuyền trưởng không chịu rút đi: “Chúng tôi là con tàu chưa từng gặp phải sự phản kháng đâu. Bây giờ, các anh hãy biến khỏi đây”. Tất cả mọi cá tính của ông: việc thích tranh cãi, tình yêu nghệ thuật, việc sẵn lòng liều mạng cho niềm tin của mình (hay cho công chúng) và lòng quả cảm (không khoan nhượng) của ông nữa, tất cả đã biến ông trở thành một con người vừa đáng ghét, vừa đáng kính đối với những ai đã quen với cách thức làm việc của ông.

Á thần hay kẻ khủng bố

Những người nổi tiếng ủng hộ Watson, gồm có Mick Jagger, Pierce Brosna, Sean Penn, Aidan Quinn, William Shatner, Edward Norton, Orlando Bloom và Uma Thurman. Năm 1995, Martin Sheen đi cùng với Watson và các nhà hoạt động bảo tồn khác đến Quần đảo Magdalen ở Quebec để phản đối việc vây bắt hải cẩu con. Họ đã bị những người săn hải cẩu đe dọa, và Watson bị đánh trọng thương.

Sheen nói với tôi: “Ông ấy là một gã lì lợm nhất trên trái đất này. Tôi thấy thật biết ơn ông ấy vì sự tận tụy và lòng quả cảm, sự dám nghĩ dám làm và lòng nhân đạo của ông ấy”.

Steve Wynn, một trùm sòng bạc ở Las Vegas, đã giúp Watson mua một chiếc tàu ngầm (mặc dù tàu đó đã mất những bộ phận thiết yếu và vì vậy không thể sử dụng). John Paul DeJoria, chủ tịch hội đồng quản trị của Hệ thống John Paul Mitchell, một tập toàn cung cấp các sản phẩm chăm sóc tóc, đã quyên góp được hàng chục ngàn đôla cho các chiến dịch của Watson. Ban cố vấn của Hiệp hội bảo tồn Sea Shepherd gồm có Elizabeth May, lãnh đạo Đảng Xanh của Canađa, và Roger Payne, một trong số những chuyên gia hàng đầu thế giới về cá voi. Watson được phác họa như là đấng cứu thế trong truyện viễn tưởng của Edward Abbey, tác giả của cuốn “Băng đảng trò khỉ” (The Monkey Wrench Gang) (1975), một cuốn sách nhằm ảnh hưởng đến nhận thức của những kẻ phá hoại sinh thái. Trong nội bộ cộng đồng đấu tranh cho quyền của động vật, Watson được đối xử như một vị á thần. Peter Singer, nhà đạo đức học tại Đại học Princeton và là tác giả của cuốn “Giải phóng động vật”, nói với tôi: “Tôi nghĩ ông ấy là một vị anh hùng. Ông ấy sẵn sàng đứng lên trong mặt trận ngăn chặn tình trạng lạm dụng động vật, nơi mà không một người nào khác muốn đụng tới”.

Những người phỉ báng Watson cũng mạnh mồm không kém. Các quan chức ở Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Canada và Costa Rica đã lên án ông; nhiều người thậm chí còn gọi ông là kẻ khủng bố. Vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Na Uy đã buộc ông tội cố đánh chìm một chiếc tàu săn cá voi có tên là Nybrena, và ông phải ngồi tù tám mươi ngày. “Ông ấy là một kẻ không được thừa nhận ở Iceland”, Kristján Loftsson, giám đốc điều hành của Hvalur, một công ty săn bắt cá voi lớn nhất Iceland, nói như vậy. Watson cũng có kẻ thù là những người chủ trương bảo tồn khác. Trong nhiều thập kỷ, tổ chức Hoà bình xanh hầu như không muốn dinh líu gì với ông – một sự thực thật trớ trêu bởi vì ông là một trong những người sáng lập của tổ chức này.

Năm ngoái, Watson rút khỏi ban quốc gia của Câu lạc bộ Sierra, sau khi bất đồng với các thành viên khác về chính sách của nhóm. Ông từng bị cấm lai vãng tới những cuộc họp của IWC kể từ năm 1986, khi Hiệp hội bảo tồn Sea Shepherd của ông đâm chìm hai chiếc tàu của Hvalur trong cảng Reykjavik – một hành động mà nhiều nhà hoạt động bảo tồn cho là đã khiến công luận Iceland chống lại sự nghiệp cứu cá voi.

Sidney Holt, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của lệnh tạm ngừng săn bắt cá voi, nói với tôi rằng: “Tôi nghĩ việc ông ấy hành động một mình như thế là một tai họa. Hầu như mọi việc mà ông ấy đang tiến hành đều giống như hành động tự sát đối với những ai muốn bảo vệ cá voi. Trong rất nhiều trường hợp, chơi trò cướp biển ngoài đại dương, và tạo ra nguy hiểm cho những tàu bè khác, đơn giản là việc làm chẳng ai ưa”.