Rừng thông đỏ quí bị tàn sát

Chưa bao giờ giới nghiên cứu về thông đỏ chỉ cho người ngoài về quần thể những cây thông đỏ cuối cùng còn hiện hữu trên cao nguyên Lang Bian (Đà Lạt). Đó là một qui ước. Thế nhưng bí mật tuyệt đối suốt gần 100 năm qua ấy vừa bị dỡ bỏ…

Bị dỡ bỏ bởi vì các nhà khoa học phải lên tiếng: rừng thông đỏ hiếm hoi còn lại trên thế giới, được hình thành cách đây 2.000-5.000 năm, cho chiết xuất chất taxol có công dụng đặc trị ung thư, đang bị hạ sát một cách tàn nhẫn!

Nát tương rừng ngọc

Quần thể thông đỏ đó nằm ở sườn đông núi Voi. Đó là dãy núi đẹp với đỉnh núi cheo leo, sừng sững thuộc vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Lang Bian xuống vùng trũng rộng lớn Đức Trọng (Lâm Đồng).

Đến đây, cảnh tượng chỉ là một bãi “chiến trường” với cảnh tượng những gốc cây to cũ mới trơ ra, thân cây bị xẻ ra ván lớn nhỏ, mùn cưa… Nhiều bãi còn những đoạn gỗ tròn rõ to được cắt đoạn ra nằm lăn lóc hoặc xếp hàng để đấy chưa mang đi. Ở đâu cũng thấy vô số bãi gỗ cưa đổ nằm ngổn ngang.

Rẽ trái, rẽ phải, băng ngang, băng dọc hay leo lên lưng chừng vách núi, rồi cả khi lao xuống một lũng sâu, khe suối nào đấy… cũng có thể nhìn thấy dễ dàng những cảnh tượng rừng núi nát tương, nham nhở từ những bãi oanh tạc của lâm tặc.

Nhà lâm học Trần Văn Tiến ở Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp VN) nói khi nhìn thấy cảnh thông đỏ bị tàn sát ở núi Voi ông xót, nghẹn ngào, bởi chính ông và bao nhà khoa học khác đã bỏ hơn 15 năm nay để tìm cách nhân giống bằng được những cây non (cho mục tiêu bảo tồn nguồn gen, và hi vọng có thể tạo giống đưa ra trồng hàng loạt phục vụ sản xuất thuốc chữa bệnh ung thư).

Nguy cơ xóa sổ

Nhiều nhà lâm học ở Lâm Đồng xác nhận họ là người may mắn vì nhìn thấy được cây thông đỏ nguyên thủy, trong khi nhiều nhà khoa học khác của Việt Nam và trên thế giới cơ hội ấy đến nay vẫn chỉ là niềm ao ước.

Kỹ sư sinh học Đoàn Nam Sinh (người đeo đuổi những vấn đề về cây thông đỏ, và hiện đang triển khai dự án nhân trồng thông đỏ để sản xuất dược liệu ở vùng Xuân Trường, cách TP Đà Lạt 20km) cho rằng: “Khi sờ được một cây thông đỏ nguyên thủy là lúc bạn sờ được vào một chứng nhân của một phần lịch sử trái đất – lịch sử hình thành các loài, chạm được vào loài cổ thực vật đã tồn tại 2.000-5.000 năm tuổi, bởi thế giới không đâu còn những cây thông đỏ nguyên thủy như thế. Người ta tính mất 100 năm cây thông đỏ mới to bằng bắp chân người, vì đây là loài sinh trưởng cực chậm.

Vậy mà ở đây những cây thông đỏ có đường kính đến 1-2m cũng bị người ta hạ sát không thương tiếc. Không chỉ cây cổ thụ mà những cây có đường kính chừng 15cm cũng bị hạ đổ, nhựa đang ứa ra ràn rụa”.

Nhà lâm học Trần Văn Tiến nói rằng ông đã đếm rồi, hơn một nửa trong số rừng thông 130 cây thông đỏ hiếm hoi này đã bị sát hại.

Các nhà nghiên cứu lâm sinh khẳng định đó là cuộc “tấn công” qui mô nhất vào một quần thể thông đỏ ở Việt Nam. Và như vậy, “kho thuốc xanh” chữa trị bệnh ung thư tiềm ẩn trên núi Voi đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Kỹ sư sinh học Đoàn Nam Sinh chép miệng: “Quần thể thông đỏ cổ xưa này đã mất là không bao giờ trở lại, bởi Trái đất không thể quay lại buổi hình thành ban đầu (để phân bố các loài và tái diễn quá trình tiến hóa)!”.

Khó có thể tái sinh

Theo tài liệu của Phân viện Sinh học Đà Lạt (thuộc Viện Sinh học nhiệt đới quốc gia), thông đỏ núi Voi có tên khoa học là Taxus wallichiana Zucc., thuộc họ thanh tùng (Taxaceae). Trong lá và vỏ của thông đỏ chứa hoạt chất taxol với hàm lượng rất cao, đây là dược chất quí và hữu hiệu nhất cho đến hiện nay thế giới dùng để bào chế thuốc chữa trị các loại ung thư: đầu, cổ, buồng trứng, vú, tử cung…

Từ lâu thông đỏ đã được y học dân gian coi là dược liệu quí, lá của nó (ở dạng dùng thô thông thường) để trị hen, suyễn, viêm phế quản, nấc, tiêu hóa; cành và vỏ dùng trị bệnh thực tích, giun đũa; nước sắc từ thân non dùng trị bệnh đau đầu… Các nhà khoa học nhận định: quần thể thông đỏ nguyên thủy trên cao nguyên Lang Bian đang đứng trước nguy cơ diệt vong vì đặc tính tái sinh kém và không hề có thế hệ trung gian…