Cần đột phá tư duy mới trong quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn

ThienNhien.Net – Ngày 25/2 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã có buổi làm việc với Cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) và Biến đổi khí hậu. Cùng dự có Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức và lãnh đạo một số Vụ chức năng thuộc Bộ. Tại buổi làm việc bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên kỳ vọng: Sẽ có một bước cải cách đột phá trong quản lý Nhà nước về KTTV và biến đổi khí hậu. Cục phải thiết lập cho được hệ thống quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành liên quan.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng đối tượng quản lý của ngành là các yếu tố khí tượng đã khác xa mươi, mười lăm năm trước. Bằng chứng là thiên tai ngày một nhiều hơn, khắc nghiệt và trái quy luật hơn.

Nhu cầu sử dụng các thông tin dự báo cũng đổi khác, với đòi hỏi cấp bách dự báo sát thực tế, phục vụ từng đối tượng cụ thể. “Tình hình thực tế đã rất thay đổi, mà ta vẫn duy trì tư duy cũ, chính sách cũ, cách làm cũ, quy trình quy phạm cũ là không ổn. Một cuộc “cách mạng” trong ngành là đòi hỏi bức thiết”, Bộ trưởng nói.

Để nâng tầm công tác quản lý Nhà nước của Cục KTTV và Biến đổi khí hậu, Bộ trưởng lưu ý lãnh đạo Cục cần nhìn nhận một cách toàn diện về đối tượng sử dụng sản phẩm, đối tượng nghiên cứu để đề ra định hướng đúng đắn và có tầm nhìn rộng. Trước hết, Chiến lược Phát triển ngành KTTV cần nhanh chóng bổ sung, hoàn chỉnh để trình Chính phủ vào tháng 11 năm nay. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, định hướng cho ngành thực hiện các mục tiêu ngắn hạn và lâu dài.

Bộ trưởng khẳng định chủ trương kinh tế hóa ngành TN&MT trong đó có thương mại hóa số liệu KTTV cần xuyên suốt trong các hoạt động quản lý Nhà nước. Sản phẩm của ngành KTTV chính là nguồn số liệu mà nhiều quan trắc viên đã dành cả đời bám trụ đo đạc có được. Nguồn số liệu này phải được “chế biến” thành nhiều loại sản phẩm có giá trị gia tăng, phục vụ nhu cầu của nhiều ngành kinh tế, nhiều đối tượng. Nguồn thu từ đó sẽ dùng tái đầu tư cho ngành.

Hiện có một vấn đề ở các địa phương là quan hệ giữa các Trung tâm Dự báo KTTV tỉnh và các Sở TN&MT lỏng lẻo khiến cho việc quản lý Nhà nước còn hạn chế. Bộ trưởng cho rằng để thiết lập một “sân chơi” mới về KTTV, cần kéo tất cả các lực lượng vào cuộc. Trước hết là các Bộ, ngành liên quan như hàng không, hàng hải, nông lâm nghiệp, giao thông vận tải. Tiếp đó là các tỉnh thành. Bộ trưởng cho rằng, một trong những mũi nhọn của công tác quản lý Nhà nước về KTTV là truyền thông, nâng cao nhận thức và tiếp xúc với báo chí. Cần hợp tác chặt chẽ hơn với đội ngũ này để họ trở thành “cánh tay nối dài” của ngành tới xã hội, tới từng người dân”. “Công tác quản lý Nhà nước về KTTV chỉ được coi là mạnh khi công việc ở 63 tỉnh thành và các Bộ, ngành liên quan… đều thông suốt, hiệu quả”, Bộ trưởng nói.

Về nguồn lực, Cục cần chỉ đạo đánh giá, rà soát toàn bộ về đội ngũ cán bộ, mạng lưới trang thiết bị, các dự án hợp tác quốc tế, việc quản lý hệ thống số liệu KTTV. Từ đó có những đổi mới, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn chỉnh.