Bảo tồn vùng ven biển phải gắn với cộng đồng

ThienNhien.Net – Nhằm tổng kết và chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực hiện các mô hình bảo tồn, cải thiện đời sống cho cộng đồng và phát triển bền vững vùng ven biển tại Việt Nam, trong 2 ngày 22 và 23/12, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu và thúc đẩy các mô hình kết hợp bảo tồn và phát triển vùng ven biển Việt Nam”. Đây cũng là dịp để MCS thu thập các ý kiến tham vấn về định hướng phát triển tổ chức và đánh giá vai trò tham gia của các đơn vị liên quan.


Bà Nguyễn Thu Huệ – Giám đốc MCD –  cho biết trong tầm nhìn 2015, MCD phấn đấu hoạt động tích cực tại vùng bờ của 10 tỉnh; tập trung vào công tác quản lý tài nguyên, duy trì sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển và đặc biệt nâng cao tính quản trị vùng ven bờ.

 

Hiện MCD đang triển khai các mô hình về quản lý tài nguyên ven biển dựa vào cộng đồng, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, mô hình thủy sản bền vững dựa vào cộng đồng và mô hình cộng đồng kinh doanh và đa dạng hóa sinh kế tại các địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế…

Bên cạnh đó, MCD cũng sẽ mở rộng các mô hình sinh kế bền vững (mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, mô hình nuôi ngao, nuôi vạng…), tập trung vào các vùng có đa dạng sinh học cao và có mâu thuẫn phát triển kinh tế, cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, đồng thời lồng ghép các mô hình với các chương trình của Nhà nước, của địa phương và tham gia vận động chính sách địa phương.

 

Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Trung Lương – Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch đã trình bày một số nội dung về hiện trạng, định hướng và quan điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng – một trong những mô hình chủ đạo của MCD và cũng là mô hình được khuyến khích hiện nay.

Theo ông Lương, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng vùng ven biển phải lồng ghép với định hướng phát triển du lịch biển và kinh tế – xã hội vùng ven biển, đồng thời phải gắn với mục tiêu bảo tồn tự nhiên và xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, cần phải ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù phù hợp với nhu cầu thị trường và gắn với chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái cộng đồng.

Hội thảo cũng lắng nghe báo cáo về định hướng và giải pháp thực hiện chính sách di dân ra đảo của TS Đoàn Quang Sinh (Cục Quản lý Khai thác Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt NamVASEP) về những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển ngành thủy sản… cùng nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về một số mô hình của MCD.

 

Trong phần phát biểu của mình, PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng luôn nhấn mạnh, du lịch biển, nhất là mô hình du lịch sinh thái cần phải đặc biệt gắn với yếu tố “cộng đồng” và “bền vững” vì nếu không, du lịch sẽ kéo theo rác, du lịch sẽ kéo theo hủy hoại môi trường… Và hai yếu tố này cũng được xem là một trong những tiêu chí quan trọng của MCD khi thực hiện các dự án và mô hình tại các địa phương.