Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ ở Quảng Nam

Sau 5 năm thực hiện thành công cuộc "cách mạng" chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giờ đây đã có thể khẳng định rằng cuộc "cách mạng" này đã góp phần hình thành nên những bước ngoặt chuyển đổi khác thúc đẩy nông nghiệp Quảng Nam phát triển.

Cuộc “cách mạng” trên đã tốn không ít thời gian tuyên truyền, vận động, vì người dân Quảng Nam vốn quen với cách làm 3 vụ truyền thống, họ sợ làm 2 vụ sẽ thiếu lương thực, dẫn đến đói nghèo. Với cách vận động, tuyên truyền và thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, đến năm 2002, việc chuyển đổi mô hình sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ trên địa bàn tỉnh mới hoàn tất.

Giai đoạn đầu, không ít nơi bà con nông dân bằng mặt chứ chưa bằng lòng, có nghĩa tuy thống nhất với chủ trương nhưng không ít bà con “xé rào”. Nhiều người tự ý xuống giống đông xuân trước lịch, để tranh thủ “kiếm thêm” vụ lúa xuân hè và theo đó, làm chậm vụ hè thu. Sự việc trên gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề trong sản xuất vụ mùa của đại đa số bà con. 

Ông Trương Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 – địa phương được xem là vựa lúa của huyện Quế Sơn, cho biết, không ít lần ông đã từng bị một số người chửi bóng gió, rồi dọa nếu họ bị thiếu ăn thì sẽ lên xã bắt đền, chỉ vì khi đó ông ủng hộ mạnh mẽ chủ trương đó… Nhưng may là, cuộc chuyển đổi đã thành công, nhờ ngành nông nghiệp đã có những dự liệu chính xác. Nông dân phát triển sản xuất hiệu quả hơn, biết áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh.

Quảng Nam bớt mất một vụ lúa, mỗi năm diện tích trồng lúa lại giảm hàng ngàn héc ta. Nhưng bù lại, các loại cây trồng thay thế trên các chân đất lúa bấp bênh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần. Trong khi đó, bình quân lương thực đầu người không hề giảm mà vẫn tăng, từ 259 kg/người lên 293 kg/người trong vòng 5 năm qua. Đó là chưa kể do làm 2 vụ bà con còn có thời gian đi làm nhiều công việc khác kiếm thêm thu nhập.

Một cán bộ phòng Kinh tế huyện Đại Lộc khẳng định: “Cuộc cách mạng chuyển đổi trên đã góp phần hình thành nên những cơ cấu mùa vụ hiệu quả khác. Điển hình là việc nhân mô hình sản xuất xen canh ra đại trà. Tại các xã Đại Quang, Đại Lãnh, Đại Minh, Đại An, Đại Nghĩa…, nhiều cánh đồng “lúa đông xuân – dưa, đậu xuân hè và lúa hè thu” đã ra đời. Thậm chí, có nơi mỗi năm chỉ còn một vụ lúa, nhưng giá trị vẫn đạt 40-50 triệu đồng/ha…”.

Tại huyện Thăng Bình, mô hình chuyên canh rau đã xuất hiện tại một số xã vùng đông; dưa, thuốc lá ở vùng trung và tây của huyện. Ông Nguyễn Đông An, một trong những người dân vùng đông của huyện cho biết: “Trước đây chúng tôi làm lúa 3 vụ cứ thất bát là chuyện thường, mà quanh năm đầu tắt mặt tối, giờ chuyển làm chuyên canh rau, thảnh thơi hơn mà kết quả gấp mấy lần làm lúa chú ơi”.

 duahau
Bội thu dưa hấu.

Trên các cánh đồng của huyện Phú Ninh, việc chuyển đổi mô hình sản xuất tại các xã Tam An, Tam Phước, Tam Lộc… đã thật sự là hướng đi mới giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Tại các vùng quê này, dưa hấu, bắp, ớt, thuốc lá… đang là các loại cây trồng cho hiệu quả rất cao từ mấy năm nay… Ở Quế Sơn, đất sau khi bớt một vụ lúa, cây thuốc lá, bông vải và đậu, đu đủ lập tức thế chỗ.

Sự chuyển dịch đúng hướng và tất yếu nói trên đã góp phần hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh trên phạm vi rộng. Hiện tại, ngoài 11 nghìn ha rau đậu các loại, toàn tỉnh Quảng Nam đã có hơn 700 ha thuốc lá, 1.500 ha bông vải, 9.500 ha đậu phụng, góp phần đáng kể làm cho giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên trên dưới 3 tỷ đồng mỗi năm.

Rất nhiều cán bộ lãnh đạo tại các địa phương trong tỉnh đều có chung nhận định rằng, việc chuyển từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc còn gián tiếp thúc đẩy mô hình kinh tế vườn và trang trại phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, bên cạnh chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế vườn và trang trại, việc bà con quan tâm nhiều hơn đến mô hình kinh tế mới mẻ này còn vì họ “rảnh tay” hơn và ít tốn kém hơn do không phải đầu tư dàn trải như trước.

Một số chủ trang trại ở Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn thì lại bảo, họ đầu tư mạnh cho trang trại vì “nhìn” thấy ở đấy tiềm năng kinh tế to lớn, trong khi việc làm ra hạt gạo để đảm bảo cái ăn hằng ngày không còn là nỗi lo thường trực nữa… Có lẽ vì thế mà hằng năm, mỗi huyện lại có thêm không dưới 10 trang trại, hầu hết đều hội đủ các tiêu chuẩn cơ bản ngay từ khi vừa hình thành.

Riêng tại Tiên Phước và Hiệp Đức, trang trại phát triển hơi chậm nhưng bù lại, mô hình kinh tế vườn lại rộ lên khắp nơi, và hiện đã có hơn 60% diện tích vườn tạp được cải tạo, đưa vào trồng các giống cây mới… Tính chung trên phạm vi toàn tỉnh, đã có 933 trang trại được hình thành, chủ yếu là trang trại lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh tổng hợp. Không chỉ tạo ra thêm của cải vật chất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, trang trại mọc lên còn tạo việc làm cho hơn 4.300 lao động.

Quả thật, cuộc “cách mạng” chuyển đổi mô hình sản xuất lúa từ 3 vụ bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đem lại những kết quả trên mong muốn. Đặc biệt, Quảng Nam là nơi bão lũ hằng năm luôn đe doạ đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của bà con, việc chuyển sang làm 2 vụ ăn chắc đã giúp cho bà con chủ động trong công việc sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao là điều mà ai ai cũng thấy, hơn nữa, như đã biết nó còn là động lực để làm “cú hích” cho những cuộc “cách mạng” khác của nông nghiệp Quảng Nam phát triển.