Thành phố Hồ Chí Minh chống chọi với triều cường lịch sử

Hàng nghìn hộ dân hoảng loạn khi triều cường chạm ngấn lịch sử 1,49m lúc 19h tối 26/11. Gần 40 đoạn đê bao của thành phố bị vỡ, hàng trăm học sinh nghỉ vô thời hạn. Dự báo đỉnh triều vẫn tiếp tục cao vào ngày mai.

“Hứng chịu nhiều cơn lũ ở quê nhà miền Trung, gia đình tôi quá sợ nên di tản vào đây. Nhưng hôm nay, hình ảnh ấy lại tái diễn khi toàn bộ ngôi nhà tôi đã chìm trong biển nước”, anh Nguyễn Văn Quý, nhà khu phố 4, Hiệp Bình Phước ngẹn ngào cho biết.

Cùng với gia đình anh Quý, hàng trăm hộ dân tại các khu phố 3, 4, 5, 6 đã phải trải qua hai đêm (26 và 27/11) chống chọi với thủy triều. Đây là khu vực bị nước ngập cao nhất, có nơi lên đến 3m, vì bị vỡ hơn 10m đê bao ngăn cách với sông Sài Gòn.

Ông Nguyễn Văn Minh – trưởng ban điều hành khu phố 4 có nhà cũng đang bị ngập gần 1m cho biết, đây là lần ngập lớn nhất trong 3 lần tràn bờ “lịch sử” xảy ra tại địa phương này trong năm 2007. Đến hơn 2/3 khu phố có diện tích 109 ha này ngập sâu trong biển nước.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch phường Hiệp Bình Phước cho biết, đến thời điểm này nước đang lên cao và chỉ còn cách bờ bao 40cm. Khả năng tiếp tục tràn bờ và vỡ đê là rất lớn. Đã sơ tán bớt phụ nữ, người già và trẻ em trong ngày 26/11, phường vẫn chuẩn bị sẵn phương án di chuyển tiếp dân vẫn còn tại nhà lên UBND phường để tránh lũ. Trường hợp vỡ đê tiếp, số dân còn lại sẽ được cấp tốc đưa lên nơi cao ráo hơn.

Báo cáo cuối ngày 26/11 của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão TP.HCM, phường An Phú Đông quận 12, có 15 điểm bể và tràn bờ nhiều nơi, gây ngập trên diện rộng khoảng 40% diện tích đất (350 ha), có nơi ngập trên 1 m. Khu phố 3, khu vực biệt thự xã An Phú Đông, nước tràn gây ngập khoảng 70 cm. Thống kê sơ bộ cho biết quận 12 có 22 điểm bị vỡ đê bao khiến nhiều nhà chìm trong nước.

Phường Hiệp Bình Phước thuộc quận Thủ Đức bị nước ngập sâu nhất. Bờ bao rạch Đĩa – khu phố 4 bị bể một đoạn dài 10 m, sâu 3 m. Ngoài ra, triều cường cũng làm ảnh hưởng 10 ha vườn mai, trạm Y tế phường và điều kiện sinh hoạt của 700 hộ dân thuộc khu phố 4 và khu phố 6.

Phường 28 quận Bình Thạnh cũng có 4 điểm đê bao bị bể bờ, làm cho trường cấp 1 Bình Qưới bị ngập sâu. Cả UBND phường 28 cũng bị nước dâng đến 30 cm.

Gần 50% bờ bao, công trình thuỷ lợi huyện Bình Chánh, bị ngập tràn ở độ sâu khoảng 10 đến 15 cm. Thiệt hại triều cường đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của trên 272 hộ dân. Khu B xã Bình Lợi: ruộng mía và lúa vụ mùa bị ngập sâu đến 50 cm, với diện tích trên 120 ha.

Rạng sáng 26/11, phường Hiệp Bình Phước bị triều đục thủng 4 đoạn đê bao. Nước sông Sài Gòn ào ạt chảy vào khu dân cư, nhanh chóng dâng lên ngập đến cửa nhiều nhà. Lực lượng cảnh sát giao thông, công an… đã huy động áo phao và 2 xuồng đến để di dời người già, trẻ em và vật dụng gia đình đi khỏi vùng ngập.

Vào buổi sáng, khi triều cường tiếp tục tấn công mạnh, các khu phố đều ngập từ 1m đến 1,8m. Tuyến đường quốc lộ 13 với một đoạn gần 1km cũng bị nước tràn lên gây ách tắc giao thông hàng giờ, kéo đến tận ngã tư Kha Vạn Cân.

Trong khi đó, nhiều người dân phải leo lên nóc nhà hoặc ra lộ đứng. Nhiều hẻm có đoạn ngập đến 1,8 m, người dân đã di tản đồ đạc trong điều kiện hết sức khó khăn. Một số phương tiện ghe, xuồng được người dân tự chế để đưa vật dụng ra ngoài. Một số công ty, cửa hàng ăn uống đã phải đóng cửa.

Với mực nước sâu hơn 1 m, ngập toàn bộ 12 phòng dưới tầng trệt, trường tiểu học Hiệp Bình Phước đã cho học sinh nghỉ vô thời hạn. Bà Đỗ Thị Kim Hoa, phó hiệu trưởng trường Tiểu học Hiệp Bình Phước, cho biết lâu nay nước dâng lên nhưng không vào trường nhưng lần này thủy triều quá mạnh đã tràn vào. Nhiều tài liệu, máy tính bị nước dìm ướt, không biết bao giờ nước mới rút hết để học sinh có thể đi học trở lại.

Có mặt tại phường Hiệp Bình Phước trực tiếp chỉ đạo công tác chống ngập cũng như việc gia cố đê bao, chiều nay ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố cho biết, đã cho tăng cường 6 máy bơm từ Công ty quản lý khai thác dịch vụ thuỷ lợi để tháo nước ở khu vực ngập ra ngoài. Máy cưa cũng được huy động để cây , tránh nguy cơ bị nước ngấm lỏng gốc ngã đổ vào nhà dân. 20 cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn 1, trung đoàn cảnh sát cơ động đã được huy động để giúp học sinh sơ tán và vận chuyển đồ đạc giúp dân.

Dự báo của Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão TP HCM, dự kiến đêm ngày 27/11 và tối 28/11 đỉnh triều cường vẫn giữ mức 1,49 m hoặc có thể hơn. Đây cũng là lần đầu tiên đỉnh triều đạt liên tiếp hai ngày liền, trong khi trước giờ mức triều cường chạm ngấn cao nhất trong một ngày rồi hạ dần vào những hôm sau.

Trước tình hình cực kỳ cấp bách, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão đã có công văn đề nghị UBND các quận huyện khẩn trương tổ chức khắc phục ngay những điểm bể bờ, sạt lở và rò rỉ, hạn chế tình trạng ngập úng cho các hộ dân và giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương cũng phải tổ chức trực ban, rà soát tại các vị trí xung yếu ngay trong chiều và tối ngày 26-27/11 khi mực nước triều dâng cao, nhất là thời điểm từ 17h đến 21h. Tập trung huy động lực lượng, vật tư (cừ tràm, phên tre, bao tải cát…), kinh phí và các nguồn lực khác để xử lý ngay giờ đầu thủy triều dâng, khi phát hiện có sự cố hoặc nguy cơ sự cố.