Một xã “gánh” 11 dự án khoáng sản

ThienNhien.Net – Một xã với hơn 4.000 dân nhưng có tới 11 dự án khai khoáng được cấp phép. Hàng trăm hecta đất nông nghiệp có nguy cơ bị mất, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Đó là tình trạng khốn khổ của các hộ dân nghèo ở xã Hưng Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái).

Ruộng đồng kêu cứu

Từ ngày Công ty CP Khai thác khoáng sản Hoà Yên vào khai thác, xe cộ chạy ầm ầm, đất đá bay mù mịt, làm bầu không khí Hưng Thịnh trở nên ngột ngạt. Hàng ngày, trên các con đường của xã có từ 3-4 chuyến xe chở quặng sắt nối đuôi nhau chạy ầm ầm, cày nát mặt đường. Mỗi đoàn chừng 50 xe, mỗi xe có trọng tải 17-20 tấn, trung bình hơn 400 lượt xe/ngày ra vào.

Đường đất bị xe tải của các công ty khai khoáng cày xới tại thôn Yên Thành
Đường đất bị xe tải của các công ty khai khoáng cày xới tại thôn Yên Thành

Bà Hà Thị Tâm (thôn Yên Thành, Hưng Thịnh) than thở: “Chuyện đường sá bụi bặm, nhà cửa bị rung lắc, thậm chí nửa đêm đang ngủ còn bị dựng dậy bởi tiếng xe tải là bình thường. Ngày nắng thì bụi mù trời, hôm mưa thì ngập ngụa bùn đất khiến trẻ không thể tới trường được. Nhiều hôm, đoàn xe chở quặng sắt quá tải, gặp ổ gà thì văng cả cục quặng to đến 1-2 kg, chỉ sợ rơi vào đầu lũ trẻ khi đi học về”.

Chị Đinh Thị Luyến (49 tuổi, Kim Bình, Hưng Thịnh) buồn bã nói, mùa lũ về mang theo hàng tấn đất đất đỏ, đất mùn và rác thải đổ xuống ruộng. Lúa đơm bông bị chết nghẹn. Vì thế, năng suất lúa kém hơn hẳn so với những năm trước. Nhà có 5 sào ruộng, thì có tới 2 sào phải bỏ hoang vì năm nào bùn đỏ cũng ngập ruộng. Ông Đinh Văn Trường – Trưởng công an viên thôn Kim Bình cũng rầu không kém: “Trước đây bà con thôn bản mất bao công sức mới vét được con kênh dài hàng chục cây số dẫn nước, nay nước thải, đất đá của khu khai khoáng tràn qua, khiến cả trăm hecta đất lúa bị hoang hoá”.

Không chỉ nguồn nước mà ngay cả 2 bể nước sinh hoạt cho bà con cũng bị bùn đất chất đầy, không còn khả năng lọc rửa. Hơn 30 năm qua, bao nhiêu công sức của bà con Hưng Thịnh khai phá mới được hơn 200ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 140 ha đất trồng lúa, nay đứng trước nguy cơ mất trắng.

Chính quyền bất lực

Hàng trăm lá đơn được gửi, hàng chục buổi họp nhưng hơn 4 năm qua, nhà vẫn nứt, ruộng vẫn bị lấp, đường vẫn bị cày xới tung toé, nguy cơ tai nạn thương tích, tính mạng của trẻ em vẫn hiện hữu. Lòng dân bức xúc, tháng 2.2012 hàng trăm hộ dân tại thôn Yên Thành chặn đoàn xe chở quặng giữa đêm biểu tình, yêu cầu phía công ty phải cải thiện môi trường, tu sửa đường sá, bồi thường thiệt hại cho dân… Thế nhưng, sau đó tất cả lại trở về nguyên trạng.

Trao đối với PV NTNN, ông Nguyễn Đình Văn – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh thừa nhận: “Chúng tôi đã bất lực”. Ông Văn cho biết thêm: UBND xã đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Công ty Hoà Yên giải quyết, thế nhưng họ đều từ chối phối hợp.

Hiện nay, ngoài Công ty CP Khoáng sản Hoà Yên còn có 10 công ty khác đã được cấp phép, trong đó có 8 công ty đang chuẩn bị thăm dò để khai thác. Thông thường, mỗi công ty được cấp phép khai thác trong vòng 5 năm với diện tích từ 60-100ha.

Riêng Công ty Khai khoáng Minh Đức được cấp phép tới 500ha. Người dân mất đất được đền bù giá thấp, chỉ 5.500 đồng/m2. Mất đất ruộng, hàng trăm người dân phải đi làm thuê để kiếm miếng cơm manh áo.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Tỉnh – Chánh thanh tra Sở TNMT tỉnh Yên Bái cho biết: Thanh tra Sở TNMT tỉnh và Phòng TNMT huyện Trấn Yên cùng UBND xã Hưng Thịnh đã có buổi làm việc với người dân vào ngày 31/7/2012.

Biên bản làm việc đã yêu cầu Công ty CP Khoáng sản Hoà Yên phải khắc phục mọi hậu quả trong quá trình khai thác để ảnh hưởng xấu tới đời sống sản xuất, sinh hoạt của bà con, hỗ trợ người dân có nhà bị hư hỏng, rạn nứt (mức hỗ trợ tuỳ thoả thuận đôi bên) đồng thời khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, đường sá, không gian, nguồn nước…

Tuy nhiên, thực tế việc khắc phục thế nào, công việc thực hiệp khắc phục đến đâu thì thanh tra sở cũng chưa nắm được để báo cáo. Lý do, theo như ông Tỉnh, là vì Yên Bái có hơn 100 doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản, với hơn 200 điểm mỏ nhưng chỉ có 6 thanh tra. Vì vậy, chỉ có thể đi giải quyết đơn thư tố cáo khiếu nại chứ hoạt động thanh tra, giám sát thì thật sự khó khăn.

Sau khi làm việc với người dân và chính quyền xã, PV đã có cuộc điện thoại hẹn gặp với ông Hà Duy Quân – Phó Giám đốc Công ty CP khoáng sản Hoà Yên để làm việc. Tuy nhiên, ông Quân đã khất lần với lý do đang đi công tác. Tuy vậy, ông Quân vẫn không quên… thách thức: “Khai khoáng thì ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề này báo chí cũng đã nói nhiều rồi, nhưng nói mãi cũng vậy thôi. Cô muốn thì cứ làm, chúng tôi không can dự”. Ngày 18.1, sau khi PV NTNN trao đổi với Chánh thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái, một người tự xưng là Trịnh Xuân Đức – Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Hòa Yên liên lạc với PV. Ngoài những khẳng định về việc công ty đã có những hỗ trợ tích cực về kinh tế và khắp phục hậu quả cho bà con, ông Đức cũng “cảnh báo” PV trong việc đưa thông tin về công ty của ông lên báo.