Ô nhiễm không khí là dấu hiệu của tội phạm

Trong tương lai, cảnh sát chống tội phạm cần đặc biệt lưu tâm tới những ngày tối trời để có thể huy động lực lượng kịp thời.

Ô nhiễm không khí là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Hãng tin BBC cho biết, nghiên cứu của các nhà khoa học Anh phát hiện không khí ô nhiễm không chỉ liên quan tới khả năng phán đoán kém, các vấn đề về sức khỏe và hoạt động thể chất, mà còn làm tăng tỉ lệ tội phạm trong cộng đồng.

Đây là một tin đáng lo ngại bởi hơn một nửa dân số thế giới hiện sống trong môi trường đô thị và ngày càng có nhiều người thường xuyên di chuyển trong các khu vực đông đúc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê 9/10 dân đô thị thường xuyên hít không khí bẩn, tác nhân gây tử vong khoảng 7 triệu người mỗi năm.

Tác động của ô nhiễm đến sức khỏe tâm thần bắt đầu được đề cập từ năm 2011 bởi nhóm nghiên cứu Sefi Roth thuộc trường Kinh tế London. Những nhà khoa học lấy mẫu là hơn 1.000 sinh viên đang học tập tại trường, và phát hiện nhóm chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm có điểm thi giảm sút so với những ngày trời trong lành.

“Vài ngày trước và sau đó, chúng tôi không phát hiện ảnh hưởng nảo, nhưng đúng ngày không khí ô nhiễm, điểm các bài kiểm tra giảm rõ rệt “, ông Roth kết luận.

Để đưa ra những kết luận về tác động lâu dài của ô nhiễm không khí, nhóm của Roth tiếp tục khảo sát nhóm sinh viên hồi năm 2011 sau khi ra trường, về các mặt của đời sống trong khoảng 8 đên 10 năm kế tiếp. Kết quả cho thấy, những người có điểm thi kém vào ngày ô nhiễm thường xếp hạng thấp hơn khi ra trường. Họ cũng có thu nhập thấp hơn tương đối so với những người hít thở không khí trong lành.

Năm 2016, một nhóm nghiên cứu độc lập khác ủng hộ quan điểm này, và đưa ra quan điểm rằng ô nhiễm sẽ dẫn đến giảm năng suất lao động và các chế độ an sinh xã hội.

Một nghiên cứu khác năm 2018 của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, do Jackson Lu đứng đầu, khẳng định, không khí ô nhiễm là chỉ dấu của 9 loại tội phạm nguy hiểm, gồm giết người, cưỡng hiếp, cướp, ăn cắp xe và bạo hành. Kết quả này được sàng lọc từ dữ liệu của hơn 9.000 thành phố trên toàn bộ nước Mỹ. Các nhà khoa học còn nói thêm rằng, những thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất cũng là nơi có tỉ lệ tội phạm cao nhất nước.

Nhóm nghiên cứu đưa giả thuyết, ô nhiễm là yếu tố chính dự báo tỉ lệ tội phạm, sau khi loại bỏ các nhân tố như cấu trúc dân số, tình trạng thất nghiệp, tuổi tác, giới tính, và trình độ văn hóa.

Theo ông Lu, ô nhiễm không khí còn có thể tác động một cách gián tiếp, thông qua tranh ảnh, video hoặc các phương tiện truyền thông.

Nhóm của giáo sư này đã có công dân của cả Mỹ lẫn Ấn Độ xem ảnh về một thành phố cực kỳ ô nhiễm, rồi yêu cầu họ tưởng tượng đang sống tại đó. Sau đó, ông quan sát và nhận ra nhóm người này có biểu hiện lo lắng và tự kỷ, hai phản ứng dễ dẫn tới những hành vi hung hăng, vô trách nhiệm – biểu hiện ban đầu của việc gian lận khi được giao nhiệm vụ.

Trước đó, giáo sư Diana Younan thuộc Đại học Nam California cũng công bố những kết luận tương tự khi quan sát 682 thanh thiếu niên về hành vi phạm pháp trong vòng 12 năm. Nhóm này phỏng đoán, con người khi bị phơi nhiễm thường xuyên trong môi trường bụi mịn PM2.5 sẽ có hành vi xấu nhiều hơn.

Younan tỏ ý lo lắng khi thấy nhiều sự trùng hợp giữa cách hành xử cá nhân thời niên thiếu, vốn chịu tác động của ô nhiễm không khí, với khả năng trở thành một người như vậy lúc trưởng thành. Bà đúc rút rằng, nhóm thanh thiếu niên sống trong môi trường không tốt dễ dẫn tới thất nghiệp, nghiện ngập.

Ngoài xu hướng phạm tội, không khí ô nhiễm còn khiến tinh thần sa sút trong thời gian ngắn. Tháng 3/2019, Học viện Hoàng gia London cho biết thanh thiếu niên bị phơi nhiễm không khí độc hại có nguy cơ cao mắc các bệnh thần kinh, chẳng hạn như chứng hoang tưởng, mất trí nhớ. Nhà nghiên cứu Joanne Newbury tỏ ý thận trọng trước phát hiện này. Bà bỏ ngỏ khả năng chính phủ cần phải tầm soát ô nhiễm tại những khu vực đông dân cư, và khuyến cáo mọi người hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những vùng ô nhiễm.

Tại nhiều nước trên thế giới, các quy định chống ô nhiễm chưa đủ sức răn đe. Đầu tháng 4/2019, London mới bắt đầu ban hành tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt, với mức phạt lên tới 16 USD cho bất cứ phương tiện nào không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Thủ đô London của Anh cũng bắt đầu triển khai nhiều các tuyến buýt xanh để làm sạch thành phố. Trong khi đó ở California (Mỹ), tỷ lệ tội phạm có xu hướng thuyên giảm trong vài năm gần đây khi không khí sạch hơn.