“Vua rác” cải tạo môi trường

Một người đàn ông gầy còm, từng một thời là quân nhân trở về quê hương, không bằng cấp, sống giữa làng quê có nghề làm miến, chỗ nào cũng tràn ngập rác thải và ô nhiễm. Thế rồi, bằng nỗi lòng đau đáu cống hiến cho quê hương, sau nhiều thất bại, người đàn ông đó đã thành công trong việc chế biến rác và bùn thải thành phân hữu cơ. Ông là Nguyễn Phi Sinh, người làng Dương Liễu, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

Con đường để cải tạo môi trường

Tại ngôi nhà riêng ngôi nhà đã khá khang trang so với trước đây, người đàn ông hom hem ấy thân thiện và có sức hút ghê gớm, bởi ông sẵn sàng cởi mở chuyện của mình và hỏi han chuyện của người khác. Kể từ khi ông quyết định sản xuất phân vi sinh, thì không còn là người của riêng vợ con ông nữa rồi. Là người của dân, và của phân nữa.

Ông Nguyễn Phi Sinh, sinh năm 1956, nguyên là chiến sĩ không quân Sư đoàn 376. Xuất ngũ về quê hương, nơi ông sinh ra hiện tại vẫn đang làm nghề gia truyền là nghề sản xuất miến và bánh đa. Đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, lòng ông không một chút yên ổn.

Ngôi làng bé nhỏ ấy đất chật, người đông, ruộng nương ít. Thu nhập chính vẫn là làm nghề và buôn bán. Xa xưa, làng chuyên sản xuất mạch nha để bán cho những nhà máy sản xuất bánh kẹo, làm kẹo kéo đi bán rong; sau chuyển sang làm miến, chế biến nông sản.

Ông tâm sự: “Mỗi năm, làng này thải ra khoảng sáu trăm ngàn tấn rác, thật khủng khiếp. Có những đống chất lên gần 20 tấn, vét đi, hai hôm sau lại thấy đầy ngập lên. Đường sá làng này lại nhỏ hẹp và kém quá, mùa mưa đến lầy lội khủng khiếp”.

Ông bắt tay vào việc từ năm 1996, ý tưởng bắt nguồn từ xa xưa, khi còn trong quân ngũ. Có những vũng nước thải trong doanh trại mà chính ông và đồng đội phải gánh đổ đi nơi khác. Đổ đến đâu thì cỏ chết đến đấy. Đổ xuống ao bèo, bèo cũng chết khô. Khi mưa xuống, nước loãng ra, nồng độ nước thải vừa phải thì cỏ lại tốt tươi không chỗ nào bằng.

Ngay ao bèo, những cái còn đang thoi thóp bỗng được hồi sinh, trở nên xanh tốt. Ông hiểu rằng, chính loại nước thải này, có nguồn phân hữu cơ dồi dào; nếu ở nồng độ vừa đủ thì nó sẽ có tác dụng tốt. Từ đó, ông muốn biến chất thải, rác thải thành… phân. Thứ nhất, là để cải tạo môi trường đang ô nhiễm ở quê, vừa biến cái chất độc hại kia thành tiền, cải thiện đời sống. Mãi đến năm 1996, ông mới có cơ hội để thực hiện.

Chẳng hiểu gì về môi trường và khoa học, thế mà mày mò đi làm, đó là một chuyện mà những người dân Dương Liễu không thể tưởng tượng được. Nhưng ông vẫn dấn thân vào. Ông tâm sự: “Tôi là người ngoại đạo với khoa học, nhưng đi đâu thì chớ, về đến làng lại thấy những rác là rác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Trời mưa thì tất cả các cống rãnh đều ứ đọng. Các ao hồ dềnh lên màu nước đen kịt. Nỗi ám ảnh trong tôi đã bắt tôi phải dấn than”.

Ông đi khảo sát đồng ruộng, các cống rãnh trong làng. Và quả quyết rằng, làng nghề quê mình đã thải ra thứ rác và bùn nhiều hữu cơ, tốt cho cây trồng. Con đường của ông đi mờ mịt và nhiều nỗi gian nan. Không một đồng vốn, con cái thì bé bỏng. Hành trang lập nghiệp của ông chỉ có sự cần cù của một người lính Cụ Hồ và nỗi lòng vì dân. Ông đi nạo vét bùn thải từ các cống rãnh, chở về chế thử. Nhưng chẳng kết quả gì. Ông không khử được mùi hôi thối; phân dễ hút ẩm và đông, vón cục lại, biến thành… rác, gây ô nhiễm nặng hơn.

Thất bại này cho ông hiểu rằng, không có khoa học, kinh nghiệm và sự giúp đỡ của một số nhà khoa học khác, thì công việc của ông mãi mãi chỉ là đi chế rác thành rác thôi. Việc ông tính đến là đi tìm sự giúp đỡ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp. Tại đây, ông được kỹ sư Vi Văn Tuấn – chuyên nghiên cứu về vi sinh vật – lắng nghe và giúp đỡ, anh cổ vũ ông tiếp tục bài toán khó giải này.

“Cứ thế tiến thôi…”

Thực sự thì xưởng của ông còn hẹp và khá sơ sài. Được đặt vài cỗ máy giản đơn, một đống mùn rác lớn đã qua xử lý chất ở ngoài chờ được chế biến, rồi những sản phẩm đã được hoàn thành. Anh Quân – người em họ của ông nói rằng – chất lượng bao bì cũng phải thật tốt thì mới cạnh tranh được với thị trường.

Tác giả của phân vi sinh SC999 hăng hái nói về quy trình chế biến và những cỗ máy mình đã mua như thế nào, tính năng hoạt động của chúng ra sao; và vào mùa nào thì có nhiều rác và bùn thải, giai đoạn nào ông và những công nhân của ông phải lội xuống lòng sông nhỏ chảy qua làng để dọn bùn…

“Sau khi ở Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp về, tôi lại về moi móc bùn từ cống rãnh lên phơi, sấy khô, khử chất độc hại, nghiền nhỏ rồi cho thêm một số phụ gia khác để thành phân. Nghe tôi nói , anh Vi Văn Tuấn khoái lắm. Anh rất thích đề tài này, bởi vì nó không chỉ giúp ích cho bản thân người sáng tạo, mà nó giúp cho cả cộng đồng. Tính cộng đồng cao. Thành công thì còn khối người tham gia, vì ngày càng có nhiều khu công nghiệp làng mọc lên, lượng rác thải lớn. Tôi có niềm động viên khích lệ rồi, cứ thế tiến thôi.” – Ông Sinh cởi mở nói.

Chất lượng phân từ lần hai trở đi rất tốt. Mùi hôi thối đã khử được triệt để, giữ được độ ẩm, công dụng không kém gì những loại phân hiện có trên thị trường. Sản phẩm của ông được Chi cục Đo lường Chất lượng Hà Tây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thử nghiệm, công nhận. Cấp giấy phép cho được lưu hành trên thị trường vì chất lượng tốt.

Đầu năm 1997, ông vay 60 triệu đồng bằng việc thế chấp ngôi nhà để nhập thiết bị máy móc sản xuất và làm vốn lưu động. Việc làm mạo hiểm này đã cho ông một thất bại ê chề. Sản phẩm không có thương hiệu trên thị trường nên không tiêu thụ được. Phân sản xuất ra ứ đọng, vốn không lưu thông, ông trở thành con nợ khó lòng chi trả.

Đến tháng 10/1999, ngôi nhà bị niêm phong. Đó là thời kỳ khó khăn nhất của gia đình. Các con thì nhỏ, nheo nhóc. Cả gia đình sống chui lủi trong căn bếp nhỏ chật hẹp. Thất bại đó khiến cho cả làng, họ hàng chẳng còn ai tin tưởng vào ông nữa. Cuộc sống như khép lại với gia đình này, chẳng còn ai muốn giúp đỡ ông.

Không chịu bó tay trước khó khăn. Khẳng định rằng chất lượng phân SC999 do mình sản xuất ra có chất lượng. Ông lại đi khắp nơi tiếp thị sản phẩm của mình, có người vợ tảo tần chịu thương chịu khó giúp sức. Ông ký gửi hàng hoá vào một số đại lý, đồng thời đạp xe, mang phân của mình đến những vùng quê của Hà Tây để quảng cáo. Ông tận tình tư vấn về cách thức sử dụng phân và việc cải tạo đất và môi trường đất. Bảo bà con sử dụng trước, nếu không hiệu quả thì không lấy tiền.

Bao nhiêu công sức bỏ ra đã có hiệu quả. Từ việc biếu không, đến bán cho trả tiền sau. Và bằng chất lượng đích thực, phân Trường Sinh SC999 đã được bà con tin dùng. Rồi từ thị trường trong tỉnh, ông đã quảng bá ra các tỉnh bên ngoài như Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc…

Ông ngậm ngùi nhớ lại: “ Đó là những ngày khó khăn và gian khổ nhất đối với gia đình tôi. Hầu như cả ngày tôi đi quảng cáo thương hiệu, xuống địa bàn, lội đồng với bà con nông dân, tìm hiểu cả đất đai của từng vùng nữa mà chế biến phân cho hợp lý. Ngôi nhà tôi bị người ta rao bán, tôi phải xin mãi, rồi sẽ chuộc lại bằng mọi giá. Người ta thương tình, mới không bán mất, không thì tôi chẳng biết xoay xoả ra sao.”

Giờ thì khác rồi. Ông Nguyễn Phi Sinh và xưởng sản xuất của ông ăn nên làm ra, lại cải tạo được hai lần môi trường, là môi trường đồng ruộng của bà con, và môi trường sống của con người ở làng Dương Liễu. Tiền nợ ngân hàng đã trả được. Ngôi nhà đã được nâng cấp, đẹp đẽ hơn. Các con đã dần dần lớn khôn. Khách hàng tìm đến ngày một đông. Lượng phân sản xuất được đã tăng lên đạt 5.000 tấn/năm. Như vậy, ông cũng tạo công ăn việc làm cho một số bà con trong làng. Ông đang đầu tư thêm tiền nhập thiết bị hiện đại để có thể sản xuất được nhiều phân hơn. Ước mơ mở rộng xưởng sản xuất ông ấp ủ từ lâu nhưng chưa thực hiện được.

Môi trường – vấn đề không chỉ của riêng… “Vua”

Ai cũng biết là môi trường sống cực kỳ quan trọng đối với con người. Nếu nó bị ô nhiễm, thì hậu quả để lại đối với con người là rất khó lường. Vậy là, ngần ấy năm chế biến rác thải, biết bao nhiêu “núi rác” đã bị vơi. Thử hỏi, nếu làng Dương Liễu không có ông Nguyễn Phi Sinh, thì hiện nay, những núi rác kia sẽ cao như thế nào? Dòng sông nhỏ không được nạo vét, có phải đã tắc ngẽn từ lâu?

Việc cải tạo môi trường là của toàn dân, không riêng gì là việc của ông Sinh. Nhưng thực tế, nhiều người chẳng quan tâm đến môi trường ở làng quê Dương Liễu. Họ vẫn thải rác bừa bãi, ngoài đường làng, ngoài chợ, rác vẫn ùn lên. Ông Sinh đã chủ động thu mua trực tiếp những phế phẩm là sơ dong, riềng, vỏ sắn của làng nghề để chế thành phân, trước khi chúng bị tống ra đường.

“Tôi làm không phải vì tiền, tôi vì môi trường mà phải trực tiếp lội xuống những bãi bùn đó. Tôi cũng đang có ý định chế biến nước thải thành nước tưới cho cây trồng. Chắc chắn sẽ thành công, và khi thành công rồi, thì việc cải tạo môi trường bằng việc dốc hết nguồn nước thải vào một cái ao chứa là việc làm hữu hiệu”- Ông Sinh nói.

Cũng theo lời ông, thì việc làm của ông không được chính quyền cổ vũ cho lắm. Họ cũng chẳng ưu tiên cho việc làm đặc biệt hữu ích của ông. Nếu ở mọi nơi , việc làm này được khích lệ, thì việc giải quyết môi trường ở các làng nghề có thể giải quyết được. Những người khác sẽ theo gương đó mà làm việc, vì môi trường, vì lợi ích của cộng đồng.

Tạm biệt ông Nguyễn Phi Sinh, có lẽ nên tặng cho ông là “Vua rác” thật không quá đáng. Bởi vì ông là người dám dấn thân vì một việc làm trọng đại, là thân thiện với thiên nhiên, trả cho cảnh quan môi trường sống xung quanh những điều tốt đẹp nhất.
Và thời gian qua, ông cũng nhận được nhiều thưởng lớn : Giải Nhì – giải thưởng KAWAI Nhật Bản năm 2005, giải Nhất “Ngày Sáng tạo Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới kết hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường (06/2005), giải Ba Giải thưởng của Hội Nông dân Việt Nam. Gần đây nhất, ông đạt cúp Vàng danh hiệu “Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam”. Đó là một con người phi thường.