Bình Định đầu tư cho môi trường

Cùng với những nỗ lực phát triển kinh tế, tỉnh Bình Định đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường một cách tổng thể. Tỉnh đã chỉ đạo mở rộng diện tích trồng cây xanh ở các khu rừng bị khai thác trắng, đồi núi trọc, bình quân mỗi năm trồng mới từ 4.000 tới 5.000 ha rừng, trong đó chú trọng tới trồng rừng phòng hộ và rừng cảnh quan, đến cuối 2006, tỷ lệ che phủ trên địa bàn đạt 40%.

Các đề tài khoa học phục hồi hệ sinh thái Cồn Chim, đầm Thị Nại đã từng bước phục hồi rừng ngập mặn, tiến hành nuôi khảo nghiệm các loài thủy sản như hàu, cá măng, tôm. Đề tài xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề đúc đồng, nhôm, chế biến tinh bột sắn đang triển khai đạt hiệu quả tại huyện Hoài Nhơn.

Tỉnh đã phân bổ ngân sách cho các huyện chủ động triển khai các dự án xử lý chất thải rắn, cấp nước sinh hoạt kết hợp tưới tiêu trong nông nghiệp, giải quyết tình trạng thiếu nguồn nước cho hàng vạn hộ dân. Tỉnh còn có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường; chỉ cho phép xây dựng mới các dự án cam kết thực hiện đạt các tiêu chuẩn về môi trường.

Nhiều dự án về phát triển bền vững và môi trường quy mô lớn đã và sẽ tạo nên tiềm lực mới cho Bình Định. Đó là các dự án tăng cường năng lực quan trắc và phân tích môi trường trên địa bàn tỉnh; dự án tăng cường năng lực quản lý đất đai và môi trường do cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển tài trợ; dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn do WB tài trợ, xây dựng bãi rác thải thành phố Quy Nhơn đạt tiêu chuẩn bãi chôn lấp hợp vệ sinh; dự án Nhà máy chế phân từ rác do Chính phủ Bỉ tài trợ; dự án hỗ trợ và phát triển Biogas do Chính phủ Hà Lan tài trợ…

Chính phủ Bỉ còn tài trợ xây dựng các dự án xử lý chất thải rắn và cấp nước sinh hoạt tại 6 huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn và Tuy Phước. Bên cạnh đó là các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; lắp đặt lò đốt chất thải y tế; các kế hoạch hành động đa dạng sinh học, mô hình sản xuất sạch hơn…

Tỉnh Bình Định đã xác định rõ mục tiêu bảo vệ môi trường đến năm 2010 đạt tỷ lệ che phủ rừng trên 44%, 95% dân cư đô thị, 85% cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% rác thải sinh hoạt đô thị, chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

Để đạt được các tiêu chí không đơn giản này, tỉnh đặc biệt ưu tiên hỗ trợ triển khai và mời gọi đầu tư các dự án cấp nước, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, trang bị lò đốt chất thải rắn công nghiệp, xử lý rác thải sinh hoạt, dự án tái chế, tái sử dụng chất thải…