Lính VAC ở Pù Nhi

Song song với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, Đồn biên phòng Pù Nhi, bộ đội biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thành công mô hình VAC, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Mô hình này còn được học tập, nhân rộng để góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Trung tá Nguyễn Văn Hiếu, Đồn trưởng Đồn BP Pù Nhi cho biết: Đồn đứng chân trên xã Pù Nhi, Mường Lát, được giao quản lí bảo vệ đoạn biên giới dài 25km, địa bàn gồm hai xã Pù Nhi và Mường Lý. Địa hình nơi đây chủ yếu núi cao, suối sâu, giao thông đi lại khó khăn, còn 10 bản chưa có đường giao thông phải đi bộ theo đường mòn. Dân số trên địa bàn có 1.760 hộ, 10.059 khẩu, gồm 6 dân tộc: Mông, Thái, Dao, Khơ Mú, Mường và Kinh, trong đó người Mông chiếm 80%.

Tập quán canh tác của bà con chủ yếu là phát nương làm rẫy và chăn thả gia súc, gia cầm tự do. Sản xuất còn mang nặng tính tự nhiên, gieo trồng chỉ có một vụ vào mùa mưa, phương thức chậm đổi mới; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mùa vụ chưa mạnh dạn, chưa khai thác hết tiềm năng của đất, lao động nông nhàn còn nhiều, đời sống nhân dân khó khăn, còn 75% số hộ đói nghèo.

Mặc dù trong những năm qua, đơn vị đã cùng với địa phương và các ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân từng bước chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng, đưa lúa lai, ngô lai vào sản xuất, trồng cỏ chăn nuôi trâu bò, nhưng việc chuyển đổi về nhận thức và việc làm cụ thể của nhân dân còn chậm, hiệu quả đem lại chưa cao. Tình hình đó sau nhiều lần bàn bạc, cấp ủy chỉ huy đơn vị xác định phải xây dựng cho được mô hình phát triển VAC trên đất Mường Lát để đồng bào các dân tộc học tập làm theo. Chủ trương của đơn vị đã được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và lãnh đạo địa phương đồng tình ủng hộ và khuyến khích. Hội nông dân huyện cũng đã trợ giúp kỹ thuật và một phần giống, vốn ban đầu để đơn vị thực hiện mô hình.

Căn cứ vào tình hình thực tế, bước đầu đơn vị đã quy hoạch khoanh vùng sản xuất khoảng 3ha, trong đó có 2ha trồng ngô; 1ha trồng cỏ voi, đào ao và quy hoạch chuồng trại. Đồng thời, tiến hành rào chắn xung quanh khu vực sản xuất để trâu bò không vào phá hại, kéo hệ thống nước tưới cho cả khu vườn và khu chuồng trại chăn nuôi.

Đối với cây ngô, tiến hành thâm canh 2 vụ trên cùng một đơn vị diện tích đất. Loại giống đưa vào sản xuất vụ hè là giống VN10, vụ đông là giống 888 của Công ty giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa. Thời vụ gieo trồng của vụ hè tiến hành gieo vào các ngày từ 23/03 đến 27/3/2007 dương lịch. Kết quả thu hoạch cho thấy năng suất bình quân 4,5tấn/ha; thời vụ gieo trồng vụ đông tiến hành từ ngày 15/08, kết thúc vào ngày 19/08/2007, so với vụ hè dự kiến năng suất đạt 4,0 tấn/ha. Tổng sản lượng cả 2 vụ dự kiến khoảng 15 đến 16 tấn, trị giá tiền khoảng trên 30 triệu đồng, trừ chi phí giống vốn, phân… còn lại khoảng 28 triệu đồng.

Đi giữa màu xanh ngút ngàn của vạt ngô sắp đến thời kỳ thu hoạch, bóc một lớp bắp ngô để lộ ra những hạt ngô căng tròn đều đặn, Đồn trưởng Hiếu hồ hởi nói: “Như vậy, trên cùng một đơn vị diện tích đất số lượng sử dụng và sản lượng sẽ được tăng gấp đôi, thời gian cho đất nghỉ vẫn còn từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau”.

 punhi
Bộ đội biên phòng giúp dân tăng gia sản xuất.

Cùng với việc đầu tư đổi mới sản xuất cây lương thực và rau màu, tranh thủ nguồn nước thiên nhiên sẵn có, đơn vị đã tiến hành cải tạo tu sửa các ao nuôi cá, nguồn nước được lấy từ dốc núi đưa vào hệ thống ống dẫn dùng tưới cho vườn, rửa chuồng trại và cấp cho ao cá. Vì vậy, mặc dù ở lưng triền dốc nhưng mức nước trong ao luôn ổn định và được lưu thông.

Đơn vị đã mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi cá truyền thống như rô phi, trắm, chép sang nuôi cá trê phi và chim trắng, với diện tích 600m2 tiến hành thả 3.000 con giống cá chim trắng, trê phi. Chi phí giống vốn khoảng 200.000 đồng, sau 7 tháng nuôi thả, kết quả cho thấy hai giống cá trên có sức sống khỏe, tạp ăn, ít dịch bệnh, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ nhờ quy trình khép kín vườn – ao – chuồng, nguồn thức ăn chính là phân trâu, bò, lợn.

Sau 7 tháng nuôi, bình quân đạt 0,9 – 1,2kg/con, chất lượng thịt và giá trị hàng hóa của cá tương đương với các loại cá nuôi khác tại địa phương, mật độ nuôi gấp 1,3 đến 1,5 lần so với cá nuôi truyền thống, ước tính mỗi vụ thu hoạch từ 1 đến 1,5 tấn cá, trị giá khoảng 15 đến 20 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư giống vốn, thức ăn v.v… còn lãi 10 đến 15 triệu đồng.

Đi thăm khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, được Chính trị viên đơn vị, Trung tá Cao Tuấn Vinh cho biết: Ngoài việc chăn nuôi lợn, ngan, vịt, thì nuôi bò là thế mạnh của đơn vị. Hiện tại đồn đang nuôi 50 con bò chủ yếu là bò lai sin, với hình thức nuôi bán chăn thả. Để đàn bò phát triển nhanh, hàng năm đều có chuyển đổi bán bò đực, bò mẹ già không còn khả năng sinh sản. Đơn vị phấn đấu trong một vài năm tới tăng số bò mẹ lên 2/3 trong tổng số đàn. Hiện tại số bò con sinh sản hàng năm được khoảng 15 con, đơn vị đang muốn tăng số lượng đàn bò, nên chưa bán thu hoạch.

Khắc phục tình trạng thiếu thức ăn về mùa đông cho đàn bò, đồn đã quy hoạch và phát triển trồng giống cỏ voi cạnh khu vực chăn nuôi. Qua thâm canh cây cỏ voi cho thấy: Đây là loại cây trồng rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Mường Lát, dễ trồng, phát triển nhanh, thân mềm, bò có thể ăn cả thân cây, đồng thời là nguồn thức ăn dự trữ cho đàn bò vào mùa khô.

Trong năm 2007, đơn vị đã trồng được 500m2, chỉ sau 2 tháng là có thể thu hoạch được. Sau mỗi lần thu hoạch tiếp tục xới bón phân đạm, cỏ sinh trưởng và phát triển rất nhanh, chỉ một tháng sau cắt lần đầu là có thể thu hoạch được.

Ngoài cỏ voi, khi ngô chắc hạt, đồn đã tận dụng lá ngô để làm thức ăn cho đàn bò. Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh và quản lý dịch bệnh cũng luôn được đặc biệt quan tâm, vì vậy đàn bò sinh trưởng và phát triển rất tốt. Nhìn những chú bò lai sin béo tròn đang nằm khoan khoái nhai cỏ, ai cũng trầm trồ khen ngợi.

Đồn trưởng Hiếu nhớ lại: Cách đây vài năm về trước, vùng đồi này còn là vùng đất hoang, chỉ có gốc cây khô, cây xấu hổ và cỏ dại. Nhìn đất nông nghiệp hoang hóa, lãng phí mà băn khoăn, trăn trở. Và dường như suy nghĩ của anh cũng là suy nghĩ của đồng đội, nên khi nêu ý tưởng cải tạo vùng đồi, anh nhận được sự đồng tình của toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Sau hơn một tháng vật lộn với cỏ cây, đất đá, cuối cùng công sức của gần bốn mươi con người đã cải tạo được gần 3 héc ta đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Hà Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung phấn khởi tâm sự: “Đây là mô hình mới ở địa phương chúng tôi. Đối với đồng bào dân tộc, việc vận động bà con thay đổi tập quán canh tác không phải là dễ. Nhưng tôi tin rằng: thành công từ mô hình VAC của Đồn BP Pù Nhi sẽ làm chuyển đổi nhận thức cho bà con trong việc tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo”.

Với thành công từ cách làm của các chiến sĩ Biên phòng, hi vọng rằng mô hình này sớm được nhân rộng, để góp phần vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc vùng cao. Rồi đây, những mảnh đồi trọc sẽ được phủ màu xanh của cây, những dòng nước không còn chảy lãng phí, hoang hoải… tất cả sẽ được tái tạo, hồi sinh. Một sức sống, một niềm tin đang bắt đầu hình thành từ vùng đất phía Tây xứ Thanh này.