Phiêng Luông đẩy lùi cái nghèo

ThienNhien.Net – Được thành lập năm 2008, bản tái định cư Phiêng Luông, xã Công Bằng, tỉnh Bắc Kạn là nơi tập trung 67 hộ nghèo gồm 347 nhân khẩu thuộc huyện Pác Nặm, về đây lập nghiệp. Qua gần hai năm an cư lạc nghiệp, nhiều hộ gia đình nơi đây đã vượt lên những khó khăn ban đầu và có cuộc sống mỗi ngày một thêm ấm no.

Chúng tôi đến Phiêng Luông vào một ngày đông giá lạnh, khi khắp nơi trên cả nước đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Cái lạnh của vùng cao Đông Bắc từ những đợt gió mùa nối đuôi nhau đổ về khiến chúng tôi và hàng trăm người dân nơi đây cảm thấy như bị cứa vào da thịt.

Dưới màn sương mù dày đặc, bản làng Phiêng Luông trông tựa một bức tranh phối đầy những gam màu: màu vàng của sơn nhà, màu trắng của mái tôn, xen với màu xanh của núi rừng…Một bản làng với những ngôi nhà chạy dài nằm ngang sườn dốc ở giữa lưng chừng núi dần hiện ra trước mắt chúng tôi.

Trời Phiêng Luông đang lất phất mưa phùn, con đường duy nhất vào bản là đường đất nên rất trơn trượt, thấy chúng tôi vất vả “cưỡi” chiếc xe máy vào bản các chàng trai thanh niên trong bản xúm lại, người đẩy, người hô hào cổ vũ. Phải mất gần 30 phút chúng tôi mới tìm được đến nhà trưởng bản Dương Thị Hồi – một người phụ nữ chừng 30 tuổi, dân tộc Tày, có dáng cao, da hơi sạm.

Gần một năm nay mới có khách lạ đến thăm nên chị Hồi mừng lắm, trong lúc chị vừa pha chè mời khách, chúng tôi vừa xuýt xoa về cái lạnh ở đây vừa trình bày ý định tìm hiểu về cuộc sống mới của người dân tái định cư trong chuyến thăm lạ lùng này. Nghe xong chị Hồi tươi cười kể, bản Phiêng Luông được thành lập từ năm 2008, lúc đầu có 55 hộ phần lớn là những hộ nghèo nhất huyện Pác Nặm, không có đất ở, đất canh tác nên mới chuyển về đây. Đến năm 2009 trong một đợt lũ quét xảy ra tại địa bàn huyện thì có thêm 12 hộ bị ảnh hưởng nặng chuyển đến đây nữa, hiện cả bản có 67 hộ. Mới đầu 100% các hộ chuyển đến đây là hộ nghèo.

Thấy chúng tôi có vẻ nghi ngờ về con số 100%, chị Hồi liền gọi hai người dân bản đang đi ngang qua trước cửa vào nhà uống nước, nói chuyện cùng khách lạ. Một người cho biết tên là Vinh, trước đây do gia đình nghèo đã đến đây làm thuê cho chủ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi tại bản này, sau đó cùng cả gia đình nghèo chuyển đến đây luôn. Anh Vinh nhớ lại: “Những ngày đầu đến đây xây dựng, nhìn cả một quả đồi được san phẳng đâu đâu cũng là đất đỏ, không có ruộng, không có rừng ai cũng lắc đầu ngao ngán. Không ai nghĩ rằng bản tôi lại được như ngày hôm nay”.

Xen vào câu chuyện của anh Vinh, trưởng bản Hồi cũng cho biết: “Ngày đầu tới đây tôi cũng đi xách vữa thuê xây dựng công trình bể nước 100 mét khối ở đầu bản để lấy nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu. Sau khi có nước dân bản bắt đầu khai hoang ruộng, lúc mới hình thành toàn bản có 12,55ha đất tự nhiên, thì 2,55ha là đất để xây dựng nhà ở, còn lại được khai hoang thành ruộng trồng lúa nước. Nhà nào ít người được 1.500 mét vuông, nhà nhiều người 1.800 mét vuông. Những năm đầu cả cánh đồng đều được trồng gấc nhưng không mang lại hiệu quả, nên năm sau cả bản chuyển sang trồng đỗ tương cũng chỉ vài hộ là thu hoạch được. Dù được chính quyền cung cấp giống và phân bón, cho cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hưỡng dẫn bà con để phát triển kinh tế nhưng đều thất bại vì đất quá cằn cỗi. Vậy là sau một năm chuyển đến nơi ở mới, 100% hộ dân nghèo vẫn hoàn nghèo.


 
 Trẻ em ở Phiêng Luông nô đùa khắp trên các con đường trong bản



Chị Hồi nhớ lại những ngày đầu tiên lên làm trưởng thôn gần một năm về trước: “Khi mình được dân bản bầu làm trưởng thôn mình cũng không muốn làm đâu, vì có một số bà con ở đây mình nói họ không chịu nghe, nói nhiều thì bảo mình nói nhiều. Nhưng được phần lớn bà con tin yêu nên mình cũng đã cố gắng, mỗi sáng thức dậy mình đi đến tận nhà gõ cửa bảo họ đi làm, nhiều người mới đầu còn không chịu đi, suốt ngày chỉ chờ tiền hỗ chợ cứu đói của Nhà nước để đi mua rượu uống. Ở đây là thế đấy chú à. Nhiều lần mình phát khóc vì bảo họ không nghe, nhưng vận động mãi họ cũng đi làm, mình phải làm trước. Thế rồi dần dần diện tích ruộng được mở rộng, năm đầu tiên cả bản được mùa nên ai cũng vui mừng và tin lời mình”.

“Một cái khó nữa đối với bà con nơi đây là họ đến từ nhiều xã khác nhau, không quen biết, bất đồng ngôn ngữ, chỉ một bản nhỏ mà có tới 6 dân tộc quây quần bên nhau cơ mà”, chị Hồi cho biết thêm.

Đến nay, nhờ sự lãnh đạo tận tình của nữ trưởng bản Dương Thị Hồi và sự quan tâm của Nhà nước, sau gần 2 năm thành lập tết này bà con nơi đây đã có gạo ăn, lợn to mổ cúng ông bà tổ tiên nên nhiều người vui lắm. Từ con số 100% hộ nghèo thì nay cả bản đã có hơn chục hộ thoát nghèo. Tuy con số ấy còn chẳng mấy to tát nhưng nó lại trở thành biểu tượng vượt khó, củng cố niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn của bà con, và chắc chắn con số này sẽ tăng lên trong những năm tới.

Chị Hồi khoe thêm: “Lúc mới đến gia đình nào cũng chỉ có hai bàn tay trắng nhưng nay cả bản đã có 34 con trâu, lợn vừa bị chết dịch nên còn đâu hơn 20 con, gà, vịt thì nhiều lắm. Chắc chắn trong những năm tới con số sẽ cao hơn nhiều lần bây giờ”.

Trong niềm vui bản mới đang dần ấm no của chị Hồi, chúng tôi rời Phiêng Luông khi người dân nơi đây đang tất bật chuẩn bị đón Tết, người lớn thì lên rừng lấy củi, tiện thể lấy lá rong về gói bánh. Trên những nẻo đường quanh bản, các em nhỏ đi học về lại tập trung thành từng nhóm chơi quay, chơi cù. Nhìn những hình ảnh nô nức vui chơi của các em, chúng tôi thầm mong những cái Tết ấm no, đủ đầy sẽ đến với mọi mái nhà nơi đây.