Đại… sưa ở làng Chanh

Cây sưa hiện là mục tiêu săn lùng số một của lực lượng lâm tặc và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhưng ở cách Hà Nội khoảng 60km, từ cách đây 10 năm, có một người đã nghĩ đến việc ươm trồng và nghiên cứu rất thành công về loại cây tiền tỷ này, đó là anh Nguyễn Văn Đại, hơn 40 tuổi, ở làng Chanh, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Người say… sưa
Đi qua một đoạn đường dài vòng vèo dọc theo sườn đồi heo hút, chúng tôi mới tới được trang trại sưa rộng 4ha của Đại.
Đại nói, từ năm 1996, anh đã bắt tay ươm giống cây độc đáo này, khi mà nhiều nơi trong cả nước thậm chí còn chưa biết tên của nó là gì và có giá trị ra sao. Trong khi người ta đang chạy theo “mốt” trồng cau vua, vạn tuế, lộc vừng… thì anh lại đưa về trồng một loại cây cho quả có mùi rất… thối. Cho nên, ai cũng nghĩ rằng Đại bị hâm. Nhưng anh mặc kệ, vẫn dành tất cả tâm huyết, vốn liếng để theo đuổi mục tiêu gây dựng một trang trại sưa quý hiếm ở Tam Đảo.
Có lần, để tìm bài thuốc điều trị loại rệp trắng gây bệnh sưa, anh đã đạp xe từ nhà xuống tận Hà Nội để vùi đầu vào đống sách vở ở thư viện tìm tài liệu, say sưa tới mức nhân viên thư viện phải “nhắc khéo” để đóng cửa. Đại cười, bảo: “Không biết thì phải học hỏi. Bây giờ tài liệu đâu có thiếu. Chỉ thiếu những người chịu khó tìm tòi thôi”.
Sau nhiều năm mày mò trồng thử nghiệm, cuối cùng những cây sưa giống trong trang trại của Đại cũng đã cao lớn. Năm 1998, khi cả làng Chanh thấy có người từ tận làng Đồng Kỵ (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) tìm về mua những cây sưa với giá bao nhiêu cũng mua, thì người ta mới ngớ ra vì sao Đại hâm lại trồng loài cây từng bị coi thường này. Cái tên Đại hâm lập tức biến thành Đại sưa!
Tỷ phú giữa quê nghèo
Giờ đây, Đại sưa đang trở thành một nhân vật đặc biệt ở làng Chanh. Từ những cây sưa giống được trồng từ năm 1996, anh đã bắt đầu nhân giống thành hàng ngàn cây sưa con khác, đem bán cho cả dân làng, rồi bán cho người làm trang trại đến từ khắp mọi miền trong cả nước.
Đại nói: “Trồng sưa cũng không đơn giản. Khi ươm, cây phải đủ 4 tháng tuổi mới mang đi bán. Nếu chuyển đi xa thì phải đảo bầu trước 1 tháng. Khi cây mới trồng cần phải chú trọng đến độ ẩm, khi cây đã bén rễ rồi thì chu kỳ tưới cho cây có thể thưa đi. Có thể bón thúc cho cây bằng phân NPK”. Kỹ thuật trồng sưa còn nhiều. Hiện nay, trong cả nước đã có khá nhiều người nổi lên với tư cách là ông chủ trang trại sưa trắng, sưa đỏ. Tuy nhiên, nếu nói về người đầu tiên có công “khai sinh” ra mô hình trồng sưa trang trại – như một cách tiên phong về trồng sưa làm kinh tế – thì phải nhắc đến Đại sưa Tam Đảo.
Mở cuốn sổ dày cộp và lấm mồ hôi tay người, Đại khoe: “Khách của tôi giờ nhiều lắm. Họ đem cả ô tô đến mua cây sưa giống rồi đưa đi khắp từ Bắc vào Nam để trồng”.
Từ đầu năm 2007 đến nay, cơn sốt săn lùng gỗ sưa bùng lên trong khắp cả nước càng khiến những người trồng sưa gặt hái tiền bạc. Trong cả nước lại bắt đầu rộ lên “mốt” trồng gỗ sưa. Không chỉ gỗ sưa mà cây sưa giống cũng lên giá nhanh bất ngờ với 6.000-7.000đ/cây. Ở trang trại của Đại sưa, người ta sẵn sàng mua lại cả hạt sưa với giá 1 triệu/1kg (một cân khoảng 5.000 hạt).
Từ một gia đình nông dân khó khăn, chật vật vì dồn tất cả vốn liếng, tài sản vào trang trại sưa, Đại bỗng trở thành một tỷ phú giữa quê nghèo. Để tiếp tục mở rộng trang trại, anh còn thuê thêm hàng chục người làm công ở địa phương, sẵn sàng trả lương hơn 1 triệu đồng/tháng.
“Tại sao từ cách đây hơn 10 năm, anh lại dựng nên cái trang trại sưa đặc biệt này?”, chúng tôi ngỡ ngàng. Đại tự tin bảo: “Thực ra ban đầu tôi chỉ theo đuổi tham vọng là trồng sưa để giữ lại nguồn gien quý hiếm cho nhà nước. Bởi vì sưa là giống cây đặc biệt quý hiếm, được nhà nước xếp vào nhóm A1. Đồng thời, có thể dùng quả để nhân ra nhiều cây giống, bán cho bà con trong vùng cùng trồng, cùng lập trang trại, vừa để tạo rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống đồi trọc, lại có thể dùng khai thác gỗ, rất có giá trị. Tôi cũng không ngờ hiện nay sưa lại có giá trị cao như vậy”.

 Cây sưa hiện có rất nhiều tên gọi khác nhau: ở đồng bằng Bắc bộ gọi là trắc thối, ở miền Trung thì gọi huỳnh đàn (hoàng đàn); ở khu Việt Bắc thì gọi là cây ruốc cá, còn ở Tây Bắc thì gọi là cây thàn mát; ở Hà Nội có người gọi là cây cá kiếm (quả giống cái đao), cũng có nơi gọi là mộc huê vàng, cây thối… Đặc tính của sưa là quả đốt lên có mùi rất thối, nhưng gỗ thì lại có mùi thơm rất đặc biệt. Gỗ sưa rất chắc, dùng để đóng giường, tủ, làm nhà, làm thớt, chuôi dao… Nếu dùng đóng đồ gia dụng, khi hắt nước vào, gỗ sẽ có màu vàng ánh rất đẹp. Ở vùng Sơn Tây (Hà Tây), nhiều nghệ nhân còn dùng mùn sưa để đánh bóng tượng đồng cho đen bóng. Đặc biệt, ở vùng Bắc Giang, Yên Bái, người dân thường dùng quả sưa để thuốc cá ở ngọn suối (phơi khô, dùng tay xát ra, bọt nổi lên xà phòng) khiến cá nổi lên chết hàng loạt. Nếu là sưa trắng, về mùa xuân hoa nở sáng rực cả góc trời. Gần đây, giới buôn gỗ lậu còn đồn rằng gỗ sưa đưa sang Trung Quốc để các đại gia dùng làm chất liệu ướp xác, ép ra nước hoa cao cấp và phục vụ những mục đích tâm linh.