Giảng dạy kiến thức về phòng chống thiên tai cho trẻ em

Chúng tôi đã có dịp tham gia một chương trình ngoại khóa của học sinh tiểu học nội thành Hà Nội khi đến Trạm Khí tượng Hà Đông, chứng kiến những đứa trẻ non nớt bậc tiểu học lạ lẫm chăm chú theo dõi những công việc trong vườn quan trắc khí tượng. Bọn trẻ được xem các thao tác nghiệp vụ của các bác, các cô là quan trắc viên đang ghi chép những thông số về thời tiết như: Nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, ngôi nhà quan trắc thì được gọi là lều khí tượng…

Ngành Khí tượng Thủy văn chủ động thí điểm đưa kiến thức vào học đường.

Các bạn nhỏ khá tò mò với thiết bị đo giờ nắng trong vườn quan trắc được gọi là “Nhật quang ký”, được xem clip kiến thức về sự thay đổi của thời tiết, khí hậu, thiên tai khí tượng thủy văn (KTTV); giới thiệu kỹ năng phòng, tránh qua tranh, ảnh poster, thực hành trên những thiết bị đo mưa, đo gió. Đến đây chúng mới hiểu bản tin thời tiết thật nhiều điều thú vị đối với trí tò mò thích tìm hiểu của những đứa trẻ.

Phùng Thị Nguyệt, Nhân viên Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc bộ cho biết: “Chúng em rất vui khi “Nghề lặng lẽ” được đón tiếp những chủ nhân tương lai của đất nước. Dù có phải vất vả để mắt tới các cháu bé thích khám phá thì em cũng thấy vui hơn rất nhiều vì được giao tiếp nhiều hơn, phổ biến những kiến thức sơ đẳng về KTTV phục vụ thiết thực cho việc tiếp cận, học tập của học sinh các lứa tuổi. Với lứa tuổi tiểu học chúng em chỉ giới thiệu những kiến thức đơn giản qua tranh ảnh, thiết bị đơn giản nhưng với lứa tuổi trung học cơ sở chúng em có các chương trình chuyên sâu hơn tương tác quan trắc viên, thực hành trực tiếp trên các thiết bị quan trắc mô hình là những thiết bị cũ được tái chế, cải tiến… ”.

1. Được biết đây là một trong những mô hình học tập ngoại khóa đã được nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội trong khoảng 3 năm học gần đây. Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc bộ cho biết hàng năm một số Trạm Khí tượng có đầy đủ cơ sở vật chất, có khuôn viên rộng ở các khu vực do Đài quản lý đã phối hợp với các nhà trường thực hiện các chương trình ngoại khóa thú vị. Việc tìm hiểu về kiến thức KTTV, biến đổi khí hậu gắn với thực hành đã thu hút được sự quan tâm của nhiều trường học tại khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội như: Trạm Khí tượng Hà Đông, Trạm Khí tượng Nông nghiệp Ba Vì, trung bình hàng tháng các trạm đã đón tiếp từ 50 đến 100 học sinh các bậc học. Đài cũng xem đây là một hình thức tuyên truyền phổ biến kiến thức về KTTV để học sinh có thể hiểu biết, tiếp nhận những kiến thức thiết thực về sự vận động của thời tiết để chủ động hiểu để góp phần phòng, tránh thiên tai có nguồn gốc KTTV. Thời gian tới đây Trạm sẽ tiếp tục đề xuất nhân rộng mô hình này ở các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Đối với Thành phố Hà Nội, ngay từ năm học 2017 – 2018 đã ban hành văn bản 5029/UBND-KT ngày 13.10.2017 về việc phối hợp trong công tác dự báo KTTV phục vụ chỉ đạo phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đưa nội dung phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình ngoại khóa của các trường học.

Hoạt động ngoại khóa của học sinh tại Trạm Khí tượng Hà Đông của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc bộ.

ợc học thực hành trên thiết bị kết nối mạng có thể theo dõi được trực tuyến nhiệt độ, tốc độ gió, hay lượng mưa ngay từ địa điểm Vườn Địa lý – Sinh học của Nhà trường và học sinh được chứng kiến sự hiển thị thông tin về điểm trường mình trên hệ thống quan trắc KTTV chuyên ngành của toàn quốc phục vụ cho công tác dự báo KTTV là một niềm vui khiến thầy cô và học trò hứng thú.

Cô giáo Bùi Phương Thảo, Giáo viên dạy địa lý Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn Hà Nội tâm huyết cho biết: “Trong quá khứ đã có sự việc đau lòng do thiên tai gây ra ngay đối với học trò của chúng tôi trước đây. Điều đó đã khiến Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với Đài Khí tượng quyết tâm triển khai mô hình này. Bản thân chúng tôi cũng nhận thấy việc tăng cường giáo dục kiến thức, truyền tải thông tin về KTTV, biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai rất cần thiết cho học trò của mình để các em có kiến thức chủ động trước mọi diễn biến của thời tiết khí hậu. Đó vừa là kiến thức, vừa là kỹ năng sống cho chính các em trong tương lai. Chúng tôi vô cùng cảm ơn sự hỗ trợ của Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc bộ để Nhà trường vừa có thêm những mô hình giáo cụ thực tế sinh động và rất khoa học để cô và trò trường chúng tôi được trải nghiệm thực tế. Từ mô hình này chúng tôi đã đổi mới phương thức học tập hướng dẫn và khuyến khích các em tự nghiên cứu khoa học nhiều hơn. Mới đây Trường chúng tôi đã hướng dẫn cho các em xây dựng đề tài khoa học báo cáo đề tài khoa học về KTTV và biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục phối hợp với Đài KTTV khu vực tìm hiểu nhiều hơn những kiến thức, thông tin về KTTV gắn với đời sống học đường để làm hành trang cho các em học sinh chủ động vào đời trong tương lai”.

2. Trong suốt một năm qua, thiên tai dị thường đã thể hiện rõ những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu đối với thời tiết và cuộc sống bình an của mỗi người mỗi nhà. Đã qua những giờ phút cả nước chống dịch bệnh Corona và mong chờ từng phút cho giá rét, không khí ẩm thấp nhanh đi qua nhường chỗ cho nắng lên để đẩy bớt lo toan về sự bùng phát của dịch bệnh những tháng đầu năm, thì tiếp đó là nắng nóng khô hạn. Rồi một mùa bão lũ muộn dồn dập, kết hợp với các hình thế đa thiên tai phức tạp đã gây nên đau thương cho cả một dải đất Miền Trung với mưa lũ lịch sử vượt tất cả mọi giá trị quan trắc của cơ quan KTTV có độ dài trên 40 năm. Một năm dịch bệnh, thiên tai đã đi qua nhưng những bài học cho mỗi người mỗi nhà về thiên tai KTTV đó là kiến thức nền tảng để hiểu về thiên tai để chủ động trong phòng, tránh vẫn không bao giờ thừa thãi. Đặc biệt đối với trẻ em, học sinh các bậc học là những chủ nhân tương lai các em rất cần được học tập những kiến thức thiết thực về khoa học trái đất, tìm hiểu những kiến thức thực tế về KTTV, đó là những thông số đầu vào vô cùng quan trọng để con người có chủ động hiểu để phòng tránh một cách hiệu quả.

Ngay những ngày đầu tiên của năm mới 2021, một tín hiệu vui khi Quyết định 3162/QĐ-BGDĐT ngày 22.10.2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 – 2025 chính thức có hiệu lực thực hiện từ 1.1.2021 thay thế cho Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT ngày 8.9.2011 đã không còn phù hợp trong bối cảnh thiên tai trong tình hình mới. Theo lộ trình của Kế hoạch này từ năm 2021 đến năm 2025 ngành giáo dục sẽ triển khai việc đưa kiến thức phòng, chống thiên tai trở thành một nội dung học tập trong các nhà trường.

Để triển khai Kế hoạch này ngành Giáo dục Đào tạo cần có một lộ trình bài bản từ khâu tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên; Rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung các tài liệu hiện lưu hành liên quan đến phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong nhà trường ứng với từng cấp học phù hợp với định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Nghiên cứu biên soạn tài liệu phù hợp với đặc thù từng vùng miền, đặc điểm tâm sinh lý và lứa tuổi của từng cấp học được lồng ghép vào các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa, tổ chức in ấn và cung cấp cho các cơ sở giáo dục trong toàn ngành. Sau đó sẽ tổ chức rà soát kiến thức, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng giáo viên. Tổ chức dạy thí điểm, lồng ghép, tích hợp vào các môn học để cân nhắc việc tổ chức dạy đại trà ở các mức độ khác nhau…

Từ những hoạt động lộ trình của kế hoạch như này tin tưởng rằng Kiến thức nền tảng về Khoa học học trái đất với nòng cốt là kiến thức KTTV sẽ là những nội dung trọng tâm đầu tiên trong giáo dục kiến thức phòng tránh thiên tai. Kiến thức nền tảng này được ứng dụng bài bản và phổ cập đến các bậc học nhằm góp phần đào tạo học sinh những công dân tương lai có kiến thức và luôn chủ động ứng phó với những cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu.

Đây là một tín hiệu tốt đẹp để khởi đầu cho một kỷ nguyên mà con em chúng ta, những chủ nhân tương lai của Đất nước sau này sẽ được đào tạo bài bản kiến thức nền tảng về khoa học trái đất ngay từ bậc học phổ thông, chủ động áp dụng kiến thức này cho hoạt động phòng, chống thiên tai từ cộng đồng xã hội. Đây là những cách làm hiệu quả mà nhiều nước tiên tiến, hay những vùng lãnh thổ thường xuyên phải chịu sự khốc liệt về thiên tai trên thế giới đã vận dụng lâu nay như Nhật Bản, Philippines…

3. Giáo sư Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV chia sẻ: “Ngành KTTV chúng tôi đang quản lý, vận hành một hệ thống mạng lưới quan trắc KTTV trải dài khắp mọi vùng miền của Đất nước, từ các hải đảo tiền tiêu ở Trường Sa, Song Tử Tây đến các trạm ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng sa, vùng biên giới. Chúng tôi đã chỉ đạo và yêu cầu các Trạm Khí tượng, Thủy văn, Hải văn vừa làm nhiệm vụ quan trắc, truyền tin chuyên ngành vừa thực hiện thêm vai trò chuyển tải thông tin dự báo, cảnh báo KTTV nguy hiểm tại địa bàn. Bên cạnh đó chúng tôi khuyến khích xây dựng và khai thác cơ sở vật chất của tuyến trạm Khí tượng, Thủy văn, Hải văn… sẵn sàng là một Điểm Trạm khoa học phục cộng đồng và phòng chống thiên tai cho cư dân trong khu vực. Một số mô hình trạm có đầy đủ cơ sở vật chất đã và đang là những điểm hoạt động, học tập ngoại khóa cho học sinh các bậc học. Tại các điểm Trạm này, quan trắc viên của chúng tôi sẵn sàng là những tuyên truyền viên cho việc phổ biến kiến thức về KTTV, phòng chống thiên tai hữu ích nhất cho cộng đồng xã hội”.

Điều kiện và cơ sở ban đầu có thể vận dụng cho triển khai hoạt động giáo dục kiến thức Phòng chống thiên tai với sự chủ động của ngành KTTV ở khắp mọi miền có một ý nghĩa thiết thực đối với kế hoạch phòng chống thiên tai của Ngành Giáo dục đào tạo và tầm nhìn xa hơn nữa là việc đổi mới dạy và học gắn việc học với thực hành nhằm trang bị kiến thức nền tảng giúp cho các thế hệ học sinh có được sự hiểu biết và chủ động trong ứng phó với thiên tai ngay từ nhà trường đến gia đình và cộng đồng xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.