“Vua diệt virut” châu Á thành “vua trồng rừng” Việt Nam

Không đầu tư vào những thị trường được xem là "ngon ăn" như chứng khoán hay bất động sản, "vua diệt virus máy tính" Steve Chang, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn lnnovgreen, lại quyết định trồng rừng. Bởi theo ông, đây không đơn thuần là chuyện kinh doanh, mà sâu xa hơn việc đầu tư này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng, và sự phát triển bền vững.

Từ bảo vệ môi trường an ninh mạng

Steve Chang nói: “Tôi đã từng tham gia bảo vệ môi trường an ninh mạng, bây giờ tham gia bảo vệ môi trường tự nhiên cũng là một vấn đề thú vị”. Lý do ông chọn Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng cũng khá đơn giản.

Theo tính toán của ông, Việt Nam có lợi thế tự nhiên rất lớn trong lĩnh vực lâm nghiệp và nhiều triển vọng phát triển trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến gỗ. Hiện nay, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng trên toàn quốc là 12,61 triệu héc ta, tổng trữ lượng gỗ là 813,3 triệu mét khối và 8,5 tỉ cây tre nứa. Rừng tự nhiên chiếm tới 94% tổng diện tích rừng, còn lại rừng trồng chiếm 6%. Trữ lượng gỗ bình quân cũng khá lớn, tại rừng tự nhiên là 76,5 mét khối/héc ta.

Việt Nam lại nằm sát Trung Quốc đất nước hơn 1,3 tỉ dân này có sức tiêu thụ giấy lớn nhất thế giới. Hai mươi năm nữa thị trường này còn tăng trưởng mạnh, nhu cầu về giấy và bột giấy cùng tăng cao. Việt Nam cận kề Trung Quốc nên thuận tiện cho việc vận chuyển.

Mỗi doanh nhân có một hướng đi khác nhau, một tư duy kinh doanh độc lập nhưng với Steve Chang, kinh doanh đồng nghĩa với phát triển bền vững và thành công trên thương trường không thể nằm ngoài những gì công việc kinh doanh có thể mang lại cho cộng đồng.

Nhiều người có thể ngạc nhiên nếu biết rằng, ông vốn khởi nghiệp bằng nghề diệt virus máy tính chứ không dính dáng đến rừng. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi đọc lý lịch trích ngang của ông: đang ở đỉnh cao nghề nghiệp với đầy đủ danh vọng, tiền tài, địa vị và sự thừa nhận của cả thế giới như “một thế lực toàn cầu”, theo cách gọi của tạp chí Fortune, ông quyết định “nhường ngôi” cho Eva Chen, người đồng sáng lập tập đoàn Trend Micr vào tháng 01/2005. Lúc đó tỉ phú Steve Chang 54 tuổi.

Nhiều người nói Steve Chang dũng cảm khi quyết định từ bỏ mọi hào quang danh vọng đã đạt được sau 20 năm miệt mài lao động để chọn một con đường mới, cho dù ông chỉ là người chập chững tập đi và phải tự khai phá để mở hướng đi cho mình trong lĩnh vực mới. Ngày 21/03 vừa qua được coi là cột mốc mới trong cuộc đời kinh doanh của “vua diệt virus” khi UBND tỉnh Kontum trao giấy phép đầu tư cho Công ty TNHH một thành viên lnnovGreen KonTum.

Đến bảo vệ môi trường tự nhiên

Trước khi được cấp phép đầu tư tại Kontum, lnnovGreen đã được nhận giấy phép đầu tư trồng rừng và xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ tại Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Lạng Sơn và đang nghiên cứu khảo sát tại Quảng Nam. Tổng số vốn đầu tư các dự án đến nay của tập đoàn là hơn 255 triệu đô la Mỹ, và là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực lâm nghiệp tại Việt Nam.

Với số vốn đầu tư 67 triệu đô la Mỹ, lnnovGreen sẽ triển khai các dự án ươm giống cây lâm nghiệp, trồng rừng, khai thác gỗ, chế biến gỗ rừng trồng và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa, chế biến bột giấy, giấy và bìa kinh doanh xuất nhập khẩu trong thời hạn 50 năm. Quy mô dự kiến của dự án là 65.000 héc ta và địa điểm đầu tư tại 52 xã thuộc 7 huyện của tỉnh Kontum là Đăk Glei, Đăk Hà. Đăk Tô Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Tu Mơ Rông thị xã Kontum.

Mục tiêu chính mà Chang nhắc đến là xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn để phục vụ cho các nhà máy sản xuất ván MDF, ván lạng, ván ép, đồ gỗ gia dụng, nội thất và bột giấy của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Steve Chang cho biết ông mong muốn dự án sẽ góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho đồng bào người dân tộc, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ý tướng mới của ông là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào việc trồng rừng bằng cách gắn những mạch IC nhỏ vào cây để theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển. Đây là kỹ thuật chưa từng được triển khai tại châu Á. Ngoài ra, lnnovGreen sử dụng công nghệ mới nhất của hệ thống thông tin địa lý (GIS) và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để quản lý rừng trồng.

Chiến lược kinh doanh của Steve Chang tại Việt Nam là làm ăn lâu dài trong ngành lâm nghiệp. “Mục tiêu của chúng tôi là phát triển hàng ngàn hecta rừng trồng nguyên liệu bạch đàn và keo có chất lượng cao trên những vùng đất trống, đồi trọc. Các dự án này sẽ tạo ra hàng chục ngàn việc làm tại chỗ, góp phần cải thiện môi trường sinh thái và giảm nhẹ thiên tai”, Steven cho biết.

Con đường từ bảo vệ môi trường an ninh mạng đến bảo vệ môi trường thiên nhiên của Steve Chang đang rộng mở. Tới đây, những người nông dân có thể sẽ bắt gặp một “vua trồng rừng” mải mê với các dự án lâm nghiệp trên khắp các cánh rừng mênh mông của Việt Nam.