Khúc mắc đầu ra cho rau sạch

Trong thời điểm các cơ quan chức năng liên tục đưa ra những khuyến cáo về tình trạng nhiễm khuẩn của các loại rau xanh đang được bày bán đại trà tại chợ thì lẽ ra rau an toàn (RAT) sẽ có cơ hội ăn nên làm ra. Thế nhưng…

Nỗi buồn người trồng rau

Giữa cái nắng oi ả của những ngày đầu hè, tôi có mặt tại ruộng RAT của phường Tân Phong (Biên Hoà – Đồng Nai) – một trong những đơn vị cung cấp nguồn rau sạch cho hệ thống siêu thị Metro. Đứng giữa ruộng rau xanh mát trải dài, anh Hùng – tổ trưởng của tổ – cho biết: Nơi đây quy tụ khoảng 40 hộ canh tác, sản lượng mỗi ngày đạt khoảng hơn 30 tấn.

Sản xuất đã khó vì phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc nhưng tiêu thụ còn khó hơn gấp bội. Chỗ tiêu thụ nhiều nhất hiện nay là siêu thị Metro thì cũng chỉ “hút” được số lượng 1-2 tấn/ngày, so với sản lượng thì chẳng thấm tháp gì. Không chỉ có xã Tân Phong mà nhiều nơi khác đang tham gia sản xuất RAT cũng đã lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Anh Triệu Văn Minh – tổ trưởng tổ rau sạch xã Tân Hạnh – nói: “Trong tình cảnh quá hẹp đầu ra như hiện nay, chúng tôi đang phải bán RAT cho thương lái ngoài chợ với giá ngang bằng rau thường, nhiều khi bị thương lái ép giá cũng phải bán, chứ không lẽ đem bỏ. Có lúc nản chí, tôi cũng muốn trồng rau thường như người ta cho rồi”.

Ông Nguyễn Hữu Đức – Chủ nhiệm HTX sản xuất và chế biến RAT Trảng Dài, một thương hiệu uy tín hiện nay – băn khoăn: “Việc được hỗ trợ về mọi mặt như hiện nay của các cơ quan, ban ngành là lợi thế cho người trồng rau. Tuy nhiên, việc tìm ra một thị trường ổn định là điều rất khó”.

Nỗi lo người bán

Ông Huỳnh Thành Vinh – GĐ Trung tâm Khuyến nông TP Biên Hoà – cho biết: “Một trong những hạn chế trong việc tìm đầu ra cho RAT là hiện nay, nông dân mình chưa đáp ứng được một số điều kiện các nhà phân phối đặt ra, như thời gian giao hàng, thực hiện điều khoản hợp đồng chặt chẽ. Đó là chưa nói đến tình trạng sản xuất của ta hiện còn manh mún, rải rác. Chúng tôi có kêu gọi họ bắt tay nhau kết hợp thành hợp tác xã cho địa phương dễ hỗ trợ và quản lý, nhưng nhiều hộ còn lại chưa đồng ý…”.

Theo phòng nghiệp vụ mua của hệ thống Saigon Coop, hiện mỗi ngày hệ thống Coopmart tiêu thụ khoảng hơn 5 tấn rau xanh, trong đó 90% là rau RAT. Lượng tiêu thụ này, các HTX sản xuất RAT của Đồng Nai với sản lượng thực tế hiện nay lẽ ra đã có thể cung cấp đủ. Song, trên thực tế lại chưa có nơi nào đáp ứng được trọn vẹn, nên siêu thị buộc phải lấy hàng nhiều nơi, vừa mất công vừa tốn chi phí nhiều hơn.

Lý giải về vấn đề này, một nhân viên của tổ thu mua thuộc hệ thống Saigon Coop cho biết: “Các nhà phân phối đều muốn lấy một nguồn và giúp bao tiêu cho nhà nông với điều kiện người sản xuất phải trình đầy đủ giấy tờ chứng nhận bảo đảm quy trình sản xuất RAT do chính quyền cấp, nhưng trong thực tế thì chính quyền địa phương cũng chưa xúc tiến thương mại đến nơi đến chốn.

Vì vậy mới nên chuyện: Nhà nông thì than phiền do không có đầu ra, còn thị trường tiêu thụ lại kêu thiếu. Và điều quan trọng nữa là qua các lần kiểm tra của các cơ quan chức năng thì vẫn còn đó những mẫu rau chưa đạt chuẩn lẫn trong hàng được gọi là RAT”.