Các thành phố đi đầu trong ngăn chặn thay đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Thông báo của một nhóm chuyên gia về môi trường vừa qua cho thấy: trong thế giới ngày càng nhiều đô thị như hiện nay, những ý tưởng tiến bộ nhất trong cuộc tranh đấu với sự thay đổi của khí hậu toàn cầu được khởi xướng từ những sáng kiến của các thành phố và các địa phương.

Bản báo cáo trên do Viện Quan sát thế giới (Worldwatch – trụ sở đặt tại Washington) đưa ra, trong đó nhấn mạnh đến xu hướng chung toàn thế giới hiện nay là tập trung vào các thành phố – nơi có 49% dân số thế giới sinh sống, tính đến năm 2005. Không lâu nữa, chuyện chưa từng có trong lịch sử loài người sẽ xảy ra: số người sống trong các thành phố nhiều hơn số người sống ở các vùng nông thôn.

Theo lời ông Molly O’Meara Sheehan, Giám đốc dự án của bản báo cáo “Hiện trạng thế giới năm 2007”, “khi phải đối mặt với vấn đề nóng lên toàn cầu, các thành phố và chính quyền các địa phương thường giữ vai trò tiên phong – mặc dù không phải lúc nào cũng vậy.”

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Sheehan nói: “Đó là điều chắc chắn ở những nơi bạn thấy được sự đổi mới, ở cấp độ địa phương, dù là thị trưởng, công việc của cộng đồng hay chính các công ty đang đấu tranh nhằm tìm cách để thực hiện nó như thế nào”.

Trong các dự án đổi mới được nhóm nêu làm minh chứng có trào lưu hướng đến các trang trại thành phố ở Freetown, Sierra Leone và một chương trình thúc đẩy khiến cho đa số các hộ gia đình ở thành phố Rizhao (Trung Quốc) đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời cũng như dùng pin năng lượng mặt trời cho đèn tín hiệu giao thông và đèn điện trên các đường phố. Cũng bằng cách đó, ở thành phố Bogota (Columbia) việc quá cảnh đã trở nên nhanh chóng hơn nhờ một hệ thống giống như một tàu điện ngầm chạy trên đường.

Những nỗ lực của các thành phố và chính quyền địa phương chỉ là một phần trong bức tranh toàn thể, phần còn lại phải kể đến việc chính phủ nhiều nước cùng hợp tác nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính gây ra sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước phát triển đều ủng hộ nỗ lực này, mà vẫn bỏ ngỏ – chờ đợi những hành động từ cấp địa phương. Và ở các nước đang phát triển, các nỗ lực từ địa phương có thể gây tác động nhanh chóng hơn kế hoạch của quốc gia.

Khi được hỏi rằng “chính phủ Mỹ có hạ quyết tâm trong nỗ lực chung này không”, ông Sheehan đã trả lời là “Có”, khi nó trở thành một chủ đề năng lượng.

Theo ông Sheehan, “một nguyên nhân có thể đang xảy ra ở Mỹ và ở một vài quốc gia phát triển khác như Nhật Bản – đó là ảnh hưởng của khu vực nông thôn mang tính quốc gia”.

Trong khi đó, ông Christopher Flavin, chủ tịch Worldwatch cho rằng ở Mỹ và nhiều nơi khác, các ngành công nghiệp lớn thường không sử dụng nhiều năng lượng ở các địa phương. “Rõ ràng là có nhiều ngành công nghiệp đang phải đấu tranh với sự thay đổi này như ngành than, ngành dầu khí và ngành điện. Và trong nhiều trường hợp, cả những ngành chiếm một lượng lớn cử tri. Nhưng nếu xét riêng tại một thành phố nào đó thì những ngành công nghiệp như vậy thường không có sức mạnh chính trị”.

Hơn một nửa dân số thế giới sống trong các thành phố

Một thế kỷ trước đây, hầu hết người dân sống ở các miền quê, nhưng đến sau năm 2008, sẽ có hơn nửa số người trên thế giới sinh sống trong các khu đô thị. Ở các nước đang phát triển, mỗi năm có hơn 60 triệu người – khoảng bằng dân số của Pháp hiện nay – đến sống ở các thành phố và các vùng ngoại ô, và hầu hết trong số họ sống trong các khu vực có thu nhập thấp.

Hiện nay, trong số 3 tỉ người sống ở các thành phố, có khoảng 1 tỉ người sống trong các khu nhà ổ chuột – nơi mà theo bản báo cáo là những khu vực thiếu những điều kiện sống cơ bản như nước sạch, nhà vệ sinh và vật dụng thiết yếu cho cuộc sống.