Đề xuất lập khu bảo tồn biển 10.000ha tại An Thới – Phú Quốc

Nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ đa dạng sinh học tại vịnh An Thới, thuộc Phú Quốc (Kiên Giang), nhiều nhà khoa học đã kiến nghị nhanh chóng thành lập khu bảo tồn biển rộng 10.000ha ở khu vực này.
An Thới là quần đảo nằm ở phía nam Phú Quốc, gồm 15 đảo còn hoang sơ, ít hộ dân sinh sống. Kết quả khảo sát thực địa của các nhà chuyên môn cho thấy vùng quần đảo An Thới có diện tích rạn san hô 124ha; thảm cỏ biển 250ha, rất đa dạng về thành phần loài. Hai hệ sinh thái biển này tạo nên sinh cảnh đặc thù cho vùng biển An Thới. Đây cũng là cái nôi của nhiều loài thủy sản sinh sôi và phát triển. Hơn nữa, những cánh đồng cỏ rộng lớn dưới đáy biển tại đây là nguồn thức ăn cho nhiều loài động vật không xương sống, bò sát, cá biển, thú biển, đặc biệt là loài bò biển (dugong), loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ, hiện chỉ còn số lượng rất nhỏ trên vùng biển phía tây nam Việt Nam.

Việc thành lập các khu bảo tồn biển được thế giới công nhận là một cách thức hiệu quả và ít tốt kém để duy trì và quản lý nguồn lợi hải sản cũng như bảo vệ đa dạng sinh học. Nhận thấy tiềm năng của quần đảo An Thới, nhiều nhà khoa học đã kiến nghị cần nhanh chóng thành lập khu bảo tồn biển ở khu vực này.

Theo đề xuất nói trên, khu bảo tồn biển được khoanh vùng trên diện tích 10.000ha, trong đó có 13 đảo vừa và nhỏ. Trong số này 8.000ha được đề xuất lập khu phát triển kinh tế có kiểm soát, chủ yếu là du lịch sinh thái chất lượng cao; 2.000ha làm vùng lõi, được bảo vệ nghiêm ngặt, gồm sáu hòn đảo chưa hoặc có rất ít dân sinh sống: hòn Vàng, hòn Xương (hòn Móng Tay), hòn Buồm, hòn Mây Rút, hòn Gầm Ghì và hòn Đụn.

Theo ông Donald Jonh Macintosh – Cố vấn Dự án bảo tồn Biển Việt Nam, khu vực đảo Phú Quốc và quần đảo An Thới có cấu trúc san hô lớn, khối bọt biển rộng và dày là bãi ươm lý tưởng cho các loài sinh vật biển, đặc biệt là loài có giá trị kinh tế và quí hiếm như: cá mú, đồn đột, cá cúi, rùa biển, điệp, trai ngọc… Nếu biết bảo vệ và phát triển, bãi ươm này sẽ mang lại lợi ích to lớn và lâu dài cho địa phương.

Bên cạnh nguồn lợi thu được từ hải sản là nguồn lợi lớn hơn thu được từ kinh doanh du lịch như: lặn, du thuyền, câu cá, câu mực và các dịch vụ khác. Với hệ sinh thái tương đối nguyên sơ, với những rạn san hô tuyệt đẹp, khu vực này rất có tiềm năng về du lịch sinh thái. Đây cũng là chiến lược lâu dài của chính quyền địa phương nhằm phát triển kinh tế một cách bền vững và giảm thiểu những tác động của du lịch với môi trường tự nhiên.