Rừng trên giấy – nguy cơ lao lý cho nhân viên bảo vệ rừng

Nhiều diện tích rừng ở Gia Lai trên thực tế không còn rừng, mà chỉ là đất trống, đồi núi trọc, vườn điều, rẫy khoai sắn… do người dân lấn chiếm trồng trọt. Tình trạng rừng còn ở… trên giấy đang gây hệ luỵ cho các nhân viên bảo vệ rừng ở tỉnh Gia Lai. Bởi khi kiểm kê, xác định hiện trạng rừng bị mất khác với thông tin trên giấy tờ, họ sẽ phải chịu trách nhiệm và nguy cơ cao lâm vào vòng lao lý.

Bảo vệ rừng ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) lo ngại với thực trạng rừng trên giấy. Ảnh T.T

Mất hay giảm hơn 9.000ha rừng?

Thanh tra tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ vụ mất hơn 9.000ha rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đức Cơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra. Mới đây, Công an tỉnh Gia Lai vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện này.

Việc để mất đến hơn 9.000ha rừng là diện tích rất lớn, Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định việc mất rừng này diễn ra từ năm 2011-2019, có liên quan đến trách nhiệm quản lý, bảo vệ của nhiều đời lãnh đạo, Trưởng ban, Phó ban quản lý và nhân viên bảo vệ rừng.

Trước khi có quyết định khởi tố vụ án, Công an, Viện kiểm sát cùng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đức Cơ nhiều lần lập đoàn đi thực địa kiểm tra, đánh giá diện tích rừng bị mất. Việc xác định diện tích rừng bị mất của từng giai đoạn là khó khăn nhưng cũng là yếu tố rất quan trọng để phân hoá trách nhiệm hình sự, lượng hình, định tội khi có bản kết luận điều tra.

Ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đức Cơ – cho biết: “Khi có kết luận thanh tra, mình đã không đồng ý với quy kết ban để mất hơn 9.000ha rừng. Đây là con số quá lớn, không ai chịu trách nhiệm nổi. Thay vì cho là mất rừng thì phải nói diện tích rừng bị giảm dần qua các năm là chính xác hơn”.

Theo ông Đồng, trong số 9.000ha rừng này có khoảng 3.000ha đã bóc tách ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Hàng trăm hécta rừng ghi trên giấy tờ là đất có rừng nhưng thực tế là đất trống, đồi núi trọc, đất trồng điều lâu năm do người dân lấn chiếm trái phép.

Ngọn nguồn của việc mất hơn 9.000ha rừng

Sau vụ để mất hơn 9.000ha rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Gia Lai tiến hành kỷ luật, thuyên chuyển, hạ cấp bậc các nhân viên, Trưởng, Phó ban bảo vệ rừng phòng hộ huyện Đức Cơ. Khi có quyết định khởi tố vụ án thì ngày chờ quyết định khởi tố bị can không còn xa. Các nhân viên bảo vệ rừng không khỏi hoang mang, lo lắng cho số phận của bản thân.

Nhiều năm trước, khi được UBND tỉnh giao hồ sơ, giấy tờ về diện tích quản lý đất rừng, hầu hết các Ban quản lý rừng phòng hộ đều ký nhận. Với hàng nghìn hécta rừng, không Ban quản lý rừng nào đủ nguồn kinh phí để thuê đơn vị có chuyên môn, thiết bị đi khảo sát, đánh giá chính xác thực trạng rừng. Rừng nào là còn cây tự nhiên, khu rừng nào đã bị lấn chiếm, đốt phá trồng cây, rừng nào là hỗn giao, chỉ còn cây cỏ, thực bì…

Ngọn nguồn của việc để mất hơn 9.000ha rừng có phần xuất phát từ việc Gia Lai chưa bóc tách, phân loại rà soát hiện trạng 3 loại rừng một cách cụ thể. Phải qua năm 2020, UBND tỉnh Gia Lai mới yêu cầu thuê đơn vị có chuyên môn đi khảo sát, đánh giá lại thực trạng đất rừng kỹ hơn, chính xác hơn, với sự ra đời của bản đồ mới theo quyết định số 527/UBND tỉnh.

Ông Lý Việt Nam – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đức Cơ – cho biết: “Kết luận thanh tra nói ban làm mất hơn 9.000ha rừng nhưng chưa nói cụ thể mất loại rừng gì, rừng trồng, rừng tự nhiên hay rừng sản xuất. Hiện nay, rừng hỗn giao chỉ còn cây cỏ, tranh nứa, nếu sau mỗi mùa nắng bị cháy thì cũng làm thay đổi hiện trạng đất rừng, có nguy cơ bị quy kết làm mất rừng khi kiểm tra. Trung bình một nhân viên bảo vệ có trách nhiệm coi giữ 1.000-3.000ha rừng. Nếu rừng (thực tế không có rừng) bị mất thì sẽ đối diện với lao lý, dưới áp lực và rủi ro, ai cũng lo ngại”.

* Tình trạng “rừng trên giấy” gây khó khăn cho việc triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Việc “rừng trên giấy” diễn ra nhiều nơi như huyện Chư Pưh, Chư Sê, Ia Pa, Đức Cơ… Nhiều đại dự án nghìn tỉ như dự án điện gió, chăn nuôi bò, dự án thủy lợi dính vào quy hoạch đất lâm nghiệp dẫn đến sai phạm, chậm trễ trong quá trình đầu tư thi công. Theo UBND tỉnh Gia Lai, nguyên nhân là do một số chủ rừng và chính quyền địa phương khi thực hiện kiểm kê rừng và rà soát 3 loại rừng chưa bóc tách hết diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, sợ liên đới trách nhiệm khi để mất rừng.

* Sở NNPTNT đã nhận khuyết điểm và nghiêm khắc rút kinh nghiệm không để xảy ra những vụ việc tương tự. UBND tỉnh Gia Lai cũng có thiếu sót khi chưa kịp thời chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng, rà soát điều chỉnh 3 loại rừng ở địa phương. UBND tỉnh Gia Lai trích tiền ngân sách hơn 6 tỉ đồng để phục vụ cho việc rà soát lại hiện trạng, quy hoạch 3 loại rừng