Australia trao quyền sở hữu công viên quốc gia cho người bản địa

Việc trao quyền kiểm soát này làm nổi bật văn hóa bản địa và là một phần nỗ lực xem xét lại di sản của đất nước.

Vịnh Talbot là nơi những người bản địa Australia đồng quản lý 3 công viên biển mới. Ảnh: t24hs.

Trong 60.000 năm, những người bản địa Australia đã chăm sóc và giữ gìn những khu vực phồn vinh trên đất nước này. Đó là những khu vực biển đầy rạn san hô, rừng nhiệt đới nguyên sơ và những hẻm núi khổng lồ. Sau hơn 220 năm bị thực dân Anh đô hộ, những người bản địa đang giành quyền kiểm soát hơn đối với vùng đất tổ tiên của họ.

Trả lại quyền sở hữu

Mới gần đây, hơn 9.583 km2 đất đã được trao lại cho người Australia bản địa. Ở phía tây Australia, chính phủ cùng người dân đã xây dựng 3 công viên biển với tổng diện tích là 6.001 km2. Còn ở phía đông bắc, tiểu bang Queensland đã trao trả lại 3.620 km2 đất, phần lớn trong đó là công viên quốc gia.

Nằm ở quần đảo Buccaneer hẻo lánh của miền Tây Australia, cách thành phố Perth 1.900 km về phía bắc, các công viên biển mới gồm Mayala, Maiyalam và Bardi Jawi Gaarra được thiết kế kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, phù hợp với môi trường. Các nhân viên kiểm lâm ở đây sẽ được đào tạo để phòng cháy chữa cháy, bảo tồn đa dạng sinh học và những di tích văn hóa.

công viên biển mới Maiyalam ở quần đảo Buccaneer. Ảnh: DBCA.

Theo Tyronne Gartsone, giám đốc điều hành của Hội đồng Đất đai Kimberley, những công viên biển này đóng vai trò quan trọng với Australia vì chúng cho thấy sự đồng bộ trong thiết kế hiện đại và truyền thống. Đây cũng là nơi sinh sống của cá heo mũi hếch, cá voi lưng gù, cá đuối và một số loài rùa đang bị đe dọa.

Những khu vực này có mối liên hệ sâu sắc với truyền thuyết của thổ dân Australia. Đến bây giờ, nhiều người bản địa còn tổ chức các lễ hội truyền thống đã có từ 20.000 năm trước. Những phong tục và truyền thống này là một trong những yếu tố mà Bộ Đa dạng sinh học, Bảo tồn và Danh lam thắng cảnh (DBCA) nâng cao để phát triển du lịch bền vững về văn hóa và môi trường.

Duy trì sự bền vững

Công viên hải dương Maiyalam được biết đến với thác Ngang. Khi thủy triều đẩy nước qua 2 khe hở vách đá hẹp ở dãy McLarty, chúng tạo ra một dòng thác nước cao gần 4 m. Theo ông Kevin George, người đứng đầu hai trong số các bộ tộc bản địa của khu vực, những công viên biển giúp duy trì phong tục truyền thống, chăm sóc nguồn tài nguyên và môi trường của bộ tộc.

Thác Ngang trong quần đảo Buccaneer tạo ra hiệu ứng thác nước giữa các khe hở vách đá. Ảnh: Broome Visitor Centre.

Là một vùng đất hoang vu, bán đảo Cape York được bao phủ bởi nhiều rừng nhiệt đới, núi, thung lũng và bãi biển tuyệt đẹp. Đây là nơi duy nhất ở Australia có cả thổ dân và người dân của quần đảo eo biển Torres sống cạnh nhau.

Gần 430 km2 ở Cape York đã được trả lại như một vùng đất tự do. Từ đây người dân bản địa trong khu vực có 100% quyền sở hữu. Ngoài ra, 3.188 km2 khác đã trở thành công viên quốc gia Apudthama và vườn quốc gia quần đảo Yamarrinh Wachangan. Cả hai đều do người bản địa và nhà nước đồng quản lý.

Reginald Williams, một trưởng lão thổ dân từ bộ tộc Yadhaigana của vùng, cho biết đây sẽ là một lợi ích to lớn cho 5 cộng đồng bản địa sinh sống tại bán đảo Cape York. Việc gia tăng quyền kiểm soát của người bản địa làm giảm nguy cơ hủy hoại môi trường do khai thác quá mức. Đồng thời điều này cho phép các cộng đồng bản địa thực hiện các nghi thức cổ xưa nhằm bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Người bản địa cũng được tự do thực hiện các truyền thống văn hóa, chẳng hạn như nghi lễ nhập môn, dạy thanh niên săn bắn, hái lượm và nấu ăn.

Bán đảo Cape York tại Australia. Ảnh: The Tour Specialists.

Ngoài việc làm nổi bật sự đa dạng sinh học và bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm của công viên gồm thú có túi cuscus, rùa Painted Jardine và đà điểu đầu mào phương nam, các bộ tộc đang lên kế hoạch cho những tour mới đến Cape York cho khách du lịch.