Cần xem xét lại việc mở đường qua Khu BTTN Tà Xùa

ThienNhien.Net – Dự án mở tuyến đường Trung tâm xã Háng Ðồng – Làng Sáng – Háng Ðồng C tại Quyết định số 2596 và 2597/QÐ-UBND ngày 4/12/2009 của UBND huyện Bắc Yên (Sơn La) đã không lường hết những khó khăn, vướng mắc khi con đường phải đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa. Tiếp tục thực hiện dự án này đồng nghĩa với việc sẽ tàn phá Khu Bảo tồn thiên nhiên quý hiếm Tà Xùa…

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa được thành lập theo Quyết định số 3440/QÐ-UBND ngày 11/11/2002 của UBND tỉnh Sơn La, có diện tích 17.650 ha, nằm trên địa phận hai huyện Bắc Yên và Phù Yên. Ðây là Khu bảo tồn thiên nhiên nằm ở độ cao 1.500 – 2.000 m so mực nước biển, thuộc phía tây nam của dãy Hoàng Liên Sơn, rất đa dạng sinh học, với 348 loài động vật, 613 loài thực vật, trong đó có 118 loài động, thực vật quý hiếm.

 

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Do địa hình địa chất phức tạp, núi cao, độ dốc lớn nên việc đi lại của bà con nhân dân khu vực này gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ điều kiện thực tế, năm 2008, UBND tỉnh Sơn La đã trình Chính phủ thành lập mới xã Háng Ðồng. Ðây là một xã gồm bốn bản, 100% đồng bào là dân tộc Mông, sinh sống trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa.

Cho đến nay, Háng Ðồng là xã cuối cùng của tỉnh Sơn La chưa có điện lưới quốc gia, hạ tầng kỹ thuật hầu như chưa có gì, đường giao thông mới thông xe kỹ thuật đến trung tâm xã, nhưng đi lại hết sức khó khăn. Vì vậy, trong quy hoạch giao thông nông thôn miền núi, UBND huyện Bắc Yên đã cho phép tiến hành khảo sát thiết kế và thi công hai tuyến đường từ trung tâm xã Háng Ðồng – Làng Sáng – Háng Ðồng C dài 21,093 km, trong đó khoảng 13 km phải đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa.

Do địa hình phức tạp, dự án mở đường không có hướng tuyến nào khác mà phải bám theo đường mòn dân sinh đã có từ trước. Theo tính toán, nếu thi công con đường sẽ chiếm dụng 21,9 ha diện tích đất rừng, phải chặt hạ khoảng 1.148 m3 gỗ tròn, trong đó có nhiều cây gỗ quý, như: pơ-mu, sến, táu, v.v. Khi đã có đường đi qua, chắc chắn diện tích rừng và gỗ quý của khu bảo tồn thiên nhiên bị thiệt hại sẽ không dừng lại ở những con số nêu trên.

Giải quyết bài toán giữa nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ rừng, trong nhiều phiên họp của UBND huyện Bắc Yên với các ngành chức năng đã có hai luồng ý kiến: Thứ nhất, tiếp tục triển khai dự án thì phải lập tờ trình báo cáo tác động môi trường, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thiết kế khai thác lâm sản, xây dựng phương án trồng mới lại rừng,… Thứ hai là, dừng dự án, chuyển từ mở đường ô-tô giao thông nông thôn cấp B sang hỗ trợ kinh phí để bà con nhân dân địa phương nâng cấp tuyến đường dân sinh đã có để xe máy có thể đi lại được.

Ðến nay, các ý kiến về dự án mở đường Háng Ðồng – Làng Sáng – Háng Ðồng C ở huyện Bắc Yên vẫn chưa ngã ngũ. Ngày 22/3/2013, UBND huyện Bắc Yên đã có Báo cáo số 52/BC-UBND đề cập đến những khó khăn, vướng mắc gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Tham khảo ý kiến của chính quyền và bà con nhân dân xã Háng Ðồng, chúng tôi được biết, mọi người đều không muốn rừng bị phá. Người dân mong muốn UBND huyện Bắc Yên điều chỉnh lại quy mô dự án, không mở đường ô-tô mà hỗ trợ kinh phí cho chính quyền địa phương quản lý để bà con tự mở đường.

Rõ ràng, nếu dừng dự án mở đường Háng Ðồng – Làng Sáng – Háng Ðồng C sẽ tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng đầu tư, đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất xâm hại vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, rừng không bị chặt phá.

Theo Ban quản lý dự án giảm nghèo huyện Bắc Yên, chỉ riêng kinh phí chi cho công tác khảo sát, thiết kế, thuê tư vấn đánh giá tác động môi trường và các thủ tục cần thiết khác (chưa phải kinh phí thi công) đã lên tới nhiều tỷ đồng. Chỉ cần một phần trong số tiền đó trực tiếp hỗ trợ cho người dân là có thể mở được đường dân sinh phù hợp với điều kiện miền núi, đáp ứng được nguyện vọng của bà con.

Vì vậy, cần dừng ngay dự án mở đường giao thông nông thôn Háng Ðồng – Làng Sáng – Háng Ðồng C.