Bên ngoài vùng bảo vệ vẫn còn nhiều loài quí hiếm

“Không nên cho rằng các trung tâm đa dạng sinh học trên toàn cầu là những nơi mà ở đó mọi loài đang sống đều bị đe dọa – Bức tranh này phức tạp hơn thế nhiều” (Giáo sư Ian Owens, Đại học Hoàng gia London)

Một nguyên tắc định hướng trong công tác bảo tồn là khái niệm về “trung tâm đa dạng sinh học”. Ý tưởng này được nhà sinh thái học người Anh, Norman Myers đưa ra. Vào năm 1988, ông đã xác định được nhiều nơi trên hành tinh có số lượng lớn các loài đặc hữu và đang bị đe dọa bởi hoạt động của con người.

Các cách tiếp cận bảo tồn hiện nay có thể đã bỏ sót rất nhiều loài động vật nguy cấp

Năm 1990, Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) đã điều chỉnh lại khái niệm này để đưa ra 25 trung tâm đa dạng sinh học bao gồm lưu vực Công Gô của Trung Phi, Địa Trung Hải và Amazon. Ý tưởng là các nguồn quỹ có hạn cần tập trung cho những vùng có thể tạo được sự khác biệt nhất. Nhưng nó chỉ đúng nếu nhiều loài nguy cấp khác nhau có xu hướng tập trung vào cùng một khu vực – giả định trong phương pháp tiếp cận vùng trọng tâm.

Để kiểm nghiệm, nhóm nghiên cứu của giáo sư Ian Owens (Đại học Hoàng gia London) đã tập hợp thông tin từ rất nhiều loài lưỡng cư, chim, thú từ “Sách Đỏ”, các loài bị đe dọa do Tổ chức bảo tồn quốc tế (IUCN) cung cấp. Họ đã kết hợp với những quan sát tỉ mỉ ngoài tự nhiên cho tất cả 19.349 loài và đưa ra được một bản đồ phân hạng về ba nhóm các loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu.

Andrew Pullin, Giám đốc của Trung tâm Bảo tồn dựa vào bằng chứng tại Đại học Birmingham (Centre for Evidence Based Conservation at Birmingham University) cho biết, trước đây, chúng ta chỉ xác định một yếu tố cụ thể (nhóm sinh vật) trong một ô thực địa để quyết định chuyển một địa danh nào đó thành khu bảo tồn. Chúng ta có thể lập các khu bảo tồn tốt cho các loài chim hoặc thú nhưng có thể chúng ta đã không bao quát được các khu vực trọng yếu của các nhóm động vật nhỏ bé khác ít được biết đến.

Khi nghiên cứu những bản đồ tổng quan về các loài thú bị đe doạ nguy cấp và nơi sinh sống của chúng, người ta phát hiện thêm rằng: sự tồn vong của 11% các loài chim, 24% các loài thú và 33% các loài động vật lưỡng cư đang bị đe dọa.

Tạp chí Nature trong số xuất bản gần đây cho biết, các bản đồ phân hạng những loài đang bị đe dọa không khớp với nhau – chúng không tập trung ở một nơi – và điều này là rất đáng lo ngại. Như thế cũng có nghĩa là việc đưa ra những vùng có độ đa dạng loài cao nhất không có nghĩa là chúng ta đã bao quát được tất cả mọi thứ.

Điều đáng lo đối với các nhà bảo tồn là việc các loài bị đe dọa không tụ họp cùng nhau khiến cho việc tìm thấy chúng càng khó khăn hơn. Bởi vậy các cách tiếp cận bảo tồn hiện tại hay được gọi là “viên đạn bạc”- hoàn toàn dựa vào các khu bảo vệ như là các khu bảo tồn hay các vườn quốc gia, nơi tập hợp hầu hết các loài bị đe dọa – đã bỏ sót rất nhiều loài động vật nguy cấp.

Tiến sĩ David Orme đơn cử: Papua New Guinea không được liệt vào danh sách trung tâm đa dạng sinh học, nhưng kết quả phân tích lại cho thấy nơi đây đang chứa đựng một số loài nguy cấp như chim thiên đường Mc.Gregor, loài thú lông nhím mũi dài (một loài thú đơn huyệt) và loài chuột túi Goodfellow. Bên cạnh đó thì Địa Trung hải và vùng Capi của Nam Phi lại được chứng mình rằng đó không phải là những trung tâm đa dạng sinh học.

Giải thích về sự bất cập này, giáo sư Owens cho rằng, các nhóm động vật khác nhau dễ bị tổn thương từ các mối đe dọa khác nhau. “Các loài chim nguy cấp thường nằm trong nhóm nguy cơ vì sinh cảnh của chúng bị phá hủy. Tuy nhiên, các nhân tố khác hoàn toàn có thể đe dọa đến các loài thú như hổ bị đe dọa bởi nạn săn trộm, còn các loài lưỡng cư thì lại bị suy giảm do dịch bệnh từ các loài cá ngoại lai. “Quan trọng là không nên cho rằng các trung tâm đa dạng sinh học trên toàn cầu là những nơi mà ở đó mọi loài đang sống đều bị đe dọa – Bức tranh này phức tạp hơn thế nhiều”.

Còn tiến sĩ D. Orme thì thừa nhận rằng, việc chuyển từ lý thuyết sang thực tế bảo tồn sẽ rất khó. “Rất nhiều vấn đề bảo tồn còn đưa đến các vấn đề về chính trị và kinh tế”.