Phát hiện Rùa Trung bộ ngoài tự nhiên sau 65 năm

Ngày 3/12/2006, tại Quảng Nam, các nhà nghiên cứu của Chương trình Rùa châu Á đã phát hiện một cá thể nặng hơn 400g của loài rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) – loài rùa đặc hữu của Việt Nam và được xếp vào mức cực kỳ nguy cấp (CR) trong sách đỏ của IUCN.
Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học về rùa cao nhất trong khu vực với 26 loài và phân loài rùa cạn và rùa nước ngọt (Theo phân loại của Chương trình Rùa châu Á – ATP). Trong đó, rùa Trung bộ là loài rùa đặc hữu của Việt Nam, chỉ được tìm thấy rất ít ở miền Trung. Đây là loài rùa nước ngọt, con trưởng thành nặng khoảng 1 – 2 kg, thường sống ở các đầm lầy và ao, hồ nhỏ.

Theo các tài liệu còn lưu lại, loài rùa Trung bộ lần đầu tiên được Siebenrock phát hiện ở Việt Nam vào năm 1903 tại Phúc Sơn (Đà Nẵng). Năm 1939, M.Merklin phát hiện thêm một cá thể loài này tại Quảng Nam và được R.Bourret ghi lại năm 1941. Kể từ đó đến nay, rùa Trung bộ rất hiếm gặp do bị thu hẹp môi trường sống tự nhiên. Ngoài ra, số lượng rùa Trung bộ trong các vụ buôn bán động vật trái phép cũng rất ít. Đây là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm nghiêm trọng số lượng loài này ngoài thiên nhiên.

Trong Sách đỏ 2006 của IUCN, rùa Trung bộ được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp (CR). Nghị định số 32/2006/NĐ – CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/3/2006 về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm cũng xếp rùa Trung bộ vào Nhóm IIB. Ngoài ra, rùa Trung bộ cũng có mặt trong Phụ lục II, Công ước buôn bán quốc tế các loài nguy cấp (CITES).

Nhằm xác định các khu vực ngoài tự nhiên mà rùa Trung bộ có thể còn tồn tại, tháng 4/2006, Chương trình Rùa châu Á (hoạt động từ năm 2004) đã tiến hành cuộc điều tra lần thứ 4 tại miền Trung Việt Nam. Trong chuyến điều tra này, các nhà nghiên cứu đã thu được 8 con rùa được người dân nuôi và 1 mai rùa Trung bộ. Kết quả phỏng vấn người dân địa phương cho thấy có khả năng tìm thấy loài rùa này theo mùa trong các dòng suối và hồ nhỏ.

Cuối tháng 11/2006, nhóm nghiên cứu – đứng đầu là Tim McCormack và Nguyễn Xuân Thuận – đã quay lại Quảng Nam để hoàn thành việc đánh giá tính khả thi của dự án và chuẩn bị cho một dự án tại hiện trường trong khuôn khổ của Chương trình Rùa châu Á. Trong đợt đánh giá, các nhà nghiên cứu đã đặt thử nghiệm một số bẫy tại các hồ trên địa bàn, và chỉ sau 3 ngày họ đã thu được một cá thể rùa Trung bộ nặng hơn 400g.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu nói trên là ghi chép đầu tiên của các nhà khoa học về loài rùa Mauremys annamensis trong nơi ở của chúng ngoài tự nhiên kể từ năm 1941 đến nay. Trong khi chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào về sinh thái của rùa Trung bộ, phát hiện này cho phép tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về vùng phân bố chính xác và các điều kiện sống của loài này. Về phương diện bảo tồn, phát hiện này góp phần cung cấp những địa điểm phù hợp để thả số rùa Trung bộ đang được nuôi trong Trung tâm Bảo tồn Rùa Cúc Phương và rùa bị tịch thu trong các vụ buôn bán trái phép về với môi trường tự nhiên.

Trước mắt, nhóm nghiên cứu của ATP sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương để khoanh vùng, bảo vệ khu vực tìm thấy rùa Trung bộ và giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về loài này. Bước tiếp theo của chương trình là thả số rùa trong Trung tâm Bảo tồn rùa Cúc Phương về với tự nhiên sau khi đã kiểm tra các điều kiện thích nghi của chúng.

Phụ lục: Danh sách các loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam

   Họ rùa cạn Tên thường gọi  Sách Đỏ IUCN (2005)  Sách Đỏ VN (2000)  Công ước CITES (2004)  NĐ 32 (2006) 
   Họ rùa đầu to          
 1. Platysternon megacephalum Rùa đầu to EN  II  II B 
   Họ rùa đầm          
 2. Cuora amboinensis Rùa hộp lưng đen  VU  II   
 3. Cuora galbinifrons galbinifrons  Rùa hộp trán vàng miền Bắc CR  II   
 4. Cuora galbinifrons bouretti Rùa hộp trán vàng miền Trung  CR     
 5. Cuora galbinifrons picturata Rùa hộp trán vàng miền Nam  CR     
 6. Cuora mouhotii mouhotii Phân loài Rùa sa nhân miền Bắc  EN       
 7. Cuora mouhotii obsti Phân loài Rùa sa nhân miền Nam  EN       
 8. Cuora trifasciata Rùa hộp ba vạch  CR  II  I B 
 9. Cyclemys tcheponensis Rùa đất Sêpôn  LR       
 10. Cyclemys pulchristriata Rùa đất Pulkin  LR       
 11. Geoemyda spengleri Rùa đất Spengle  EN    III  
 12. Heosemys grandis Rùa đất lớn  VU  II  II B 
 13. Hieremys annandalii Rùa răng  EN  II  II B 
 14. Malayemys subtrijuga Rùa ba gờ VU   II  
 15. Mauremys annamensis Rùa Trung bộ CR   II  II B 
 16. Mauremys mutica Rùa câm EN   II  
 17. Ocadia sinensis Rùa cổ sọc EN   III  
 18. Sacalia quadriocellata Rùa bốn mắt EN   III  
 19. Siebenrockiella crassicollis Rùa cổ bự VU   II  
   Họ rùa núi          
 20. Indotestudo elongata Rùa núi vàng EN II  II B 
 21. Manouria impressa Rùa núi viền VU V II II B
   Họ rùa mai mềm          
 22. Amyda cartilaginea Ba ba Nam bộ VU   II   
 23. Palea steindachneri Ba ba gai EN   III  
 24. Pelochelys cantorii Giải EN II   
 25. Pelodiscus sinensis Ba ba trơn VU   III  
 26. Rafetus swinhoei Rùa Hoàn Kiếm CR   III  

Nguồn: Chương trình Rùa Châu Á (ATP) *