Máu thú rừng vẫn chảy – Hốt bạc nghề “đóng mở tủ đông”

Như Lao Động đã thông tin ở các bài viết trước, tại Lâm Đồng đã hình thành những đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển thịt thú rừng một cách tinh vi. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục kể về một nghề được coi là hốt bạc ở vùng đất Tây Nguyên – nghề “đóng mở tủ đông”.

“Ngồi mát ăn bát vàng”

Chúng tôi giả làm du khách đi tham quan ở Lâm Đồng, muốn mua ít “của lạ” về “làm quà”. Mọi manh mối liên quan đều chỉ hướng về một “tay buôn” khét tiếng trong cả vùng rừng núi rộng lớn. Anh ta tên Hải.

2 cá thể khỉ bị làm thịt, cấp đông trong nhà của H ở Krông Bông. Ảnh: Nhóm phóng viên

Máu thú rừng vẫn chảy – Tiếp lửa cho các “vệ sĩ” của rừng

Thu giữ nhiều “hàng rừng” quý hiếm tại nhà trùm buôn thú rừng sau loạt bài của Lao Động

Máu thú rừng vẫn chảy: Cục Kiểm lâm vào cuộc theo điều tra của Báo Lao Động

Máu thú rừng vẫn chảy – Những cuộc “truy sát” dưới tán rừng

Máu thú rừng vẫn chảy – Ngang nhiên xẻ thịt, thui vàng

Máu thú rừng vẫn chảy – Trang trại trá hình và những “lộ trình” của thú hoang về phố

Máu thú rừng vẫn chảy – Hốt bạc nghề “đóng mở tủ đông”

Người dân nói, Hải là đầu mối vừa nhiều “hàng rừng” (các loài động vật hoang dã còn sống và đã chết), vừa bán “giá cả phải chăng”, vừa có năng lực gửi hàng đi khắp nơi một cách nhanh nhạy và chưa từng bị bắt. Anh ta thường xuyên “đóng hàng”, gửi xe khách tấp nập về Sài Gòn, thậm chí ra cả… Hà Nội.

Chúng tôi tìm đến, Hải không có nhà, trong phòng treo la liệt mấy cái đầu hươu nai, sơn dương, chúng cứ “trợn mắt” nhìn khách lạ. Cô vợ Hải niềm nở đón khách vào xem và mua hàng. “Nhà em toàn hàng rừng thôi, dân bẫy được mang về bán. Con này vẫn mềm, còn chưa đông”.

Đầu thú rừng được treo đầy rẫy trong nhà Hải. Ảnh: Phóng viên Lao Động

Cô vợ mở toang cả mấy chiếc tủ đông dung tích lớn, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Lông của thú rừng nguyên con, chật kín khiến nắp các tủ đông kênh lên. Đập vào mắt chúng tôi là những xác lợn rừng đen nháy “ba cọng lông chụm vào một gốc” trên lớp da dày. Cô vợ bảo: “Đang mùa khô, mùa săn lợn rừng mà, dân đi rừng, đi bẫy họ mang tới bán nhiều lắm”.

Lợn rừng còn nguyên lông lá chất đầy trong tủ đông nhà đầu mối thú rừng nổi tiếng ở Di Linh (Lâm Đồng).
Thú rừng được bắn, bẫy sẽ bị mổ bụng, cắt đầu ngay trong rừng, chỉ để nguyên lông lá “làm tin” rồi chuyển về cho các đầu mối thu gom.
Cheo cheo, cầy hương, cầy mướp, lợn rừng… bị thợ săn giết hại, đưa về từ các cánh rừng, xác chất đống trong tủ đông nhà Hải.
Một cá thể chồn bị giết hại, cấp đông trong tình trạng còn nguyên lông, nguyên đầu. Ảnh: Nhóm phóng viên

Cách nhà Hải không xa, từ nguồn tin “đại lý” ở xã Gong Ré (huyện Di Linh, Lâm Đồng), chúng tôi còn đến nhà một người đàn ông tên là Đại, vợ Đại là Thúy.

Lần đầu chúng tôi gặp Đại là tháng 12.2022. Anh ta thậm chí gọi điện, thợ săn chở đến một con lợn rừng đã cắt bỏ đầu.

Phường buôn cấp 1 lái xe bán tải chở hàng cho “cấp 2” là Đại. Mở thùng xe, lăn lóc con lợn đã mổ “móc hàm” (để nguyên lông), nặng hơn 30kg, giá phát ra cho khách là 250 nghìn đồng/kg.

Thấy có khách du lịch (phóng viên nhập vai) đến hỏi hàng rừng, vợ chồng Đại Thúy gọi điện thoại, thợ săn liền mang lợn rừng đến ngay. Cá thể lợn rừng này bị giết thịt, cắt bỏ đầu ngay trong rừng. Khi đưa đến nhà đầu mối thu gom Đại Thúy, thịt vẫn còn tươi. Ảnh: Nhóm phóng viên

Đại lý hàng rừng cấp 1 im lặng không nói gì. Đó là luật buôn bán, mối của ai người đó hưởng lợi. Đại đòi khách cược tiền trước rồi gửi thẳng con lợn rừng ấy ra Hà Nội, qua đường xe khách đường dài.

Khách chưa kịp phản ứng, anh đem ra chào hàng cao sơn dương vừa nấu, ngót triệu đồng một lạng.

Đại khoe đầu sơn dương vừa giết thịt, minh chứng cho các túi thịt sơn dương còn nguyên lông lá trong tủ đông là hàng xịn. Xương sọ, sừng của sơn dương cũng được treo trang trí trong nhà Đại. Ảnh: Nhóm phóng viên

Đại bảo, mình có nhiều hàng lắm. “Mỗi con sơn dương họ bắn được, nặng khoảng 60kg. Họ chặt đầu, xẻ thịt ra rồi khiêng dần về, chứ đường núi ai mà cõng được con vật to thế. Theo “quy định”, cầy hương, lợn rừng, sơn dương, sau khi mổ rồi, đều phải để nguyên lông thì đi làm quà biếu họ mới tin.

Nằm tại khu vực giáp ranh giữa xã Đạ Long (huyện Đam Rông- tỉnh Lâm Đồng) và xã Đừng K’Nớ (huyện Lạc Dương), chúng tôi tìm được các đầu mối thu gom hàng rừng nức tiếng.

Bên ngoài treo biển hiệu Quán Café Bida Thanh Bình nhưng bên trong gian nhà kho tối tăm của quán có một tủ đông dung tích cực lớn, được bao bọc bởi thùng các tông để che mắt, bên trong chứa nhiều động vật hoạt dã như heo rừng, nai rừng đã chia nhỏ, còn nguyên lông. Đầu mối này chuyên cung cấp hàng cả con cho các nhà hàng tại Đà Lạt.

“Từ xưa nay chưa bao giờ bán hàng nuôi, chị không tin thì khỏi mua. Nai cấp đông sẵn rồi, 250 nghìn đồng 1 kg. Có cả cái đùi trước, xương sườn… Ở đây làm lông thì còn biết là con gì, không ai mua nữa. Phải để lông lá, người ta mới mua. Chị mua hết cái đùi thì em khò sạch cho. Cứ đặt cọc, em giao ra Đà Lạt cho chị thì mới nhận tiền.

Nai, chồn hương, chồn chó… nhà em đều có. Dân họ đi bẫy về, nhà em mua lại. Hàng tươi ngon mới lấy, có mùi là không lấy. Nhà em bỏ mối nhà hàng là bỏ nguyên con, chứ không xẻ ra như thế này. Em làm chục năm rồi, gửi hàng ra cả Sài Gòn, Hà Nội”- bà chủ quán Cafe Bida Thanh Bình khẳng định.

Đến thời điểm tháng 3.2024, khi phóng viên quay trở lại, hoạt động mua bán thịt thú rừng vẫn diễn ra tấp nập như thế.

Và ở Lâm Đồng có rất nhiều người làm nghề “đóng mở tủ đông”. Họ chuyên buôn hàng rừng, mua lại thú rừng từ các thợ săn rồi bán cho người dân có nhu cầu.

Bà chủ quán Cafe Bida Thanh Bình dẫn khách (phóng viên nhập vai) vào nhà kho tối om, mở chiếc tủ đông dung tích lớn, cho khách xem hàng rừng. Ảnh: PV Lao Động
Nai rừng, heo rừng bị xẻ thịt, cấp đông tại quán Cafe Bida Thanh Bình. Ảnh: PV Lao Động
Có thể ước tính được trọng lượng của chú nai rừng này, khi chỉ riêng chiếc đùi được lấy ra từ tủ đông đã nặng hơn 12 kg. Hình ảnh ghi nhận tháng 4.2023. Ảnh: PV Lao Động

Cuộc “biểu dương lực lượng” đau xót của nhiều loại thú hoang

Cũng trong khu vực Tây Nguyên hùng vĩ, chúng tôi đến gặp “chủ vựa thú rừng” tên là Nguyên, ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, ngỏ ý “muốn mua ít đồ rừng về làm quà”. Vừa thấy khách đến, vợ chồng Nguyên đon đả ra chào.

Có tới đây mới biết thế nào là đẳng cấp đại lý “hàng rừng”. Nguyên ở trần trùng trục, đưa ra đủ loại hàng cho chúng tôi chọn. Trong tủ có hai con khỉ to, nặng 9kg. Nguyên bế từng con khỉ ra khỏi tủ đá rồi ném giữa sàn nhà. Hai con khỉ bị mổ phanh bụng, đã thui vàng.

“Khỉ này rẻ, có 150 nghìn đồng/kg, họ săn trên núi kia, thuộc đất rừng quốc gia đó. Ở đây có đủ khỉ, vượn, có voọc, cần mua cứ đặt trước”, Nguyên nói.

Hai con khỉ trong tủ đông của nhà tay buôn thú rừng tên Nguyên ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk mà phóng viên Lao Động ghi nhận được.

Vợ Nguyên mở tủ đông, cơ man nào là sóc. Dăm bảy chục con xếp hàng nằm co quắp. Có con còn nguyên lông, còn lại làm sạch, cấp đông đại trà.

Nhưng, vợ Nguyên bảo: Bẫy về, họ vặt lông nhưng không bao giờ làm sạch lông của cái đuôi sóc, bởi là thứ đặc trưng phân biệt sóc và chuột. Nếu vặt sạch cả lông đuôi, người mua sẽ chê, bảo chuột mà lừa là sóc rừng.

Nếu nhìn vào các mặt hàng mà vợ chồng Nguyên buôn, thấy đủ sơn dương, mang (hoẵng), loài mang trắng thì to hơn so với mang thường. Bà con ở đây gọi chúng là con đỏ, và luôn kiêng không ăn vì sợ nó đen, nên hầu như nhà Nguyên toàn bán cho người phía Bắc.

Vợ chồng Nguyên mở tủ đông, lấy hàng rừng giới thiệu cho khách.
Nguyên giới thiệu cho khách các mặt hàng thú rừng mà mình thường bán. Ảnh trong điện thoại là một cá thể chồn vừa được Nguyên bán khi vẫn còn sống. Ảnh: Nhóm phóng viên

“Sơn dương bán cả con tới 60kg. Lâu lâu họ vẫn lên núi bắn được. Những con voọc rất đẹp, họ bắt được không nhiều, nhưng tôi hay bán mới rút ra kết luận: Con này, càng nhỏ càng được giá, vì họ mua về nuôi làm cảnh, con non mới dễ thuần hoá. Gà rừng, sóc, cầy hương và cầy các loại. Đấy là chưa kể rất nhiều khỉ. Khách hay mua gom cả mấy chục bộ xương khỉ về nấu thành một nồi cao.

Tê tê là con đắt nhất, chúng cứ cuộn tròn rất hiền, mỗi lúc họ bắt được vài con. Mỗi con nặng vài kilogram. Tôi mua được con còn sống, bán cho người ta luôn” – Nguyên kể.

Nguyên mở điện thoại, cho khách xem hình con tê tê và mời chào “hàng này anh chị đặt trước, khi nào có tôi sẽ giao”.
Gà rừng còn sống được Nguyên thu mua từ những người đi bắt bẫy, gom nhốt rồi bán cho các nhà hàng, thực khách. Nguyên cũng thu mua những con thú bị chết do dính bẫy, làm thịt rồi cấp đông, bán dần. Ảnh: Nhóm phóng viên
Liên quan đến vấn đề này, nhóm phóng viên đã cung cấp thông tin tới Cục Kiểm Lâm – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện Cục Kiểm Lâm cho biết đơn vị này đã nhận được thông tin. Qua những những hình ảnh mà phóng viên cung cấp có sơn dương, cheo cheo, tê tê… là động vật quý hiếm, nghiêm cấm săn bắt và buôn bán, là các loài chưa được cấp phép nuôi nhốt.

“Đây là những thông tin rất quý giá, giúp cho lực lượng kiểm lâm nắm được thêm tình hình tại những địa bàn đang nóng”- đại diện này nói và cho biết Cục Kiểm Lâm sẽ vào cuộc, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, đề nghị phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương khẩn trương xác minh, làm rõ và xử lý các vấn đề nhóm phóng viên điều tra Báo Lao Động đã cung cấp.