Máu thú rừng vẫn chảy – Những cuộc “truy sát” dưới tán rừng

Từng toán thợ săn mang theo bẫy, súng, chó săn lùng sục nhiều ngày trong các cánh rừng hoang rậm để bắt, giết, rồi mang đủ loại thú quý hiếm bán cho tư thương. Thú rừng bị “xẻ thịt”, “lên mâm”, tỏa đi khắp cả nước. Câu hỏi đặt ra là: Điều gì đã và đang diễn ra trong các cánh rừng bị “truy sát” tận diệt kia?

Xẻ thịt bò tót 200kg, tấn công kiểm lâm bằng bình xịt hơi cay

Một ngày trời u ám, tôi nhận được ảnh và tâm sự của người giữ rừng tâm huyết, anh Phạm Văn Thịnh – Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên (diện tích phủ lên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai). Ảnh về các kiểm lâm bị dao đâm, gậỵ đánh, bị xịt hơi cay gây trọng thương đang nhập viện. Máu các kiểm lâm đã đổ xuống.

Một vụ săn thú ở Tây Nguyên, sau khi gây án, lâm tặc bỏ lại tới 4 khẩu AK và nhiều súng tự chế khác. Chúng đã bắn những người thực thi pháp luật. Tang vật thu được là cả con bò tót nặng 200kg, nai rừng đã bị chặt khúc, cả một đàn cầy hương và cheo rừng vấy máu.

Máu thú rừng vẫn chảy – Tiếp lửa cho các “vệ sĩ” của rừng

Thu giữ nhiều “hàng rừng” quý hiếm tại nhà trùm buôn thú rừng sau loạt bài của Lao Động

Máu thú rừng vẫn chảy: Cục Kiểm lâm vào cuộc theo điều tra của Báo Lao Động

Máu thú rừng vẫn chảy – Những cuộc “truy sát” dưới tán rừng

Máu thú rừng vẫn chảy – Ngang nhiên xẻ thịt, thui vàng

Máu thú rừng vẫn chảy – Trang trại trá hình và những “lộ trình” của thú hoang về phố

Máu thú rừng vẫn chảy – Hốt bạc nghề “đóng mở tủ đông”

Một cá thể cheo cheo xinh đẹp được các chuyên gia bảo tồn ghi nhận trong rừng thuộc huyện Di Linh- tỉnh Lâm Đồng.
Còn đây là hình ảnh cheo cheo bị săn bắt, giết thịt thương tâm mà phóng viên Lao Động đã ghi nhận được tại nhà một “chủ vựa” thú rừng trên địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Bò tót là loài quý hiếm được bảo vệ đặc biệt, khu vùng lõi của VQG có bò tót, cách khu dân cư cả con sông Đồng Nai rộng lớn. Bất chấp, các đối tượng đã giết chết con vật tội nghiệp, chặt khúc, hòng vận chuyển đem đi bán. Cơ quan chức năng đem xác con bò tót đi chôn. Cả Việt Nam chỉ có dưới 300 con bò tót, chúng là một trong những loài bò tự nhiên lớn nhất thế giới, được xếp vào nhóm 1B, được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cũng tại đây, trong một buổi đi rừng của 9 đồng chí thuộc tổ tuần tra – Trạm kiểm lâm cơ động phối hợp Trạm kiểm lâm Núi Tượng và Trạm kiểm lâm Tà Lài, khi phát hiện lâm tặc, chiến sĩ tiến hành truy đuổi. Các đối tượng đã tấn công dữ dội khiến 3 kiểm lâm viên bị trọng thương. Anh Phạm Ngọc Tuấn – Phó trưởng Trạm kiểm lâm cơ động – bị chém trúng gò má phải. Anh Chìu Văn Hai bị chém xả thịt ở vùng tai và đầu. Còn anh Lương Văn thì bị chém dã man vào bàn tay phải và cả hông phải.

Tang vật là một dãy thú rừng bị tàn sát được “tãi” ra, tất cả còn nguyên con, gồm một con nai, 7 con cheo, một con cầy hương. 6 đối tượng bị bắt giữ gồm: Trần Văn Trường (36 tuổi), Trần Văn Tuấn (34 tuổi), Nguyễn Văn Lộc (45 tuổi), Trương Văn Danh (35 tuổi, cùng ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai); Đinh Văn Hùng (40 tuổi) và Lâm Anh Tuấn (sống ở tỉnh Lâm Đồng).

Đây là vụ việc xâm phạm rừng đặc dụng và săn bắt động vật rừng trái phép tương đối nghiêm trọng. Đến ngày 12.3.2024 vừa qua, 6 đối tượng trong vụ án “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích” trên đã bị xử với mức án nghiêm khắc: 20 năm tù, trong phiên xét xử lưu động tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Bản án và hình thức xử lưu động, báo chí vào cuộc, nhiều tài khoản mạng xã hội uy tín phát trực tiếp, đã có sức răn đe thức tỉnh lớn.

Vụ việc săn cheo cheo bằng súng săn, với rất nhiều đạn được phát hiện, thu giữ tại VQG Cát Tiên. Đối tượng săn trộm thú rừng đã bị bắt nhưng khi gửi cho chúng tôi bức ảnh này, Giám đốc VQG Cát Tiên không khỏi trăn trở, đặt câu hỏi vì sao họ có thể mua súng đạn dễ dàng để tàn sát thú hoang đến như thế này?

Họ đã đổ máu và nằm lại vĩnh viễn với rừng

Với diện tích gần 59.000ha, VQG Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những khu rừng lớn nhất của hệ sinh thái rừng Trường Sơn, là mái nhà của nhiều loài quý hiếm, đặc hữu, được bảo vệ đặc biệt ở Việt Nam và trên thế giới, như mang lớn, voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, cầy vằn, trĩ sao… Tuy nhiên, chính sự đa dạng và sum vầy muông thú này lại là nguyên nhân “hút” các thợ săn trái phép đột nhập ăn trộm.

Đến nay, dù mấy năm trôi qua, anh Tạ Ngọc Trọng (SN 1993, nguyên cán bộ VQG Chư Yang Sin) vẫn không tài nào nguôi ngoai về một cơn ác mộng “đối mặt” với lâm tặc săn bắt thú rừng. Một ngày giáp Tết, anh cùng 11 đồng chí đi truy quét lâm tặc ở một tiểu khu xa, họ đi bộ nhiều ngày trong rừng. Sau khi vượt sông, đi bộ nửa ngày thì thấy dấu vết lán trại của lâm tặc.

Họ tỏa đi, tiến hành truy đuổi. Khi các đối tượng có dấu hiệu manh động, đoàn công tác buộc phải nổ súng chỉ thiên để trấn áp. Khi thấy chó săn của mình bị trúng đạn, các đối tượng lập tức chống trả. Họ xả súng về phía đoàn công tác, anh Trọng bị trúng đạn. 8 tiếng sau, anh Trọng mới được khiêng ra khỏi rừng, sau thời gian dài điều trị, anh bị thương tật vĩnh viễn, mất 25% sức khoẻ.

Thợ săn bị lực lượng chức năng phát hiện khi đang săn bắt động vật hoang dã trong Vườn quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk). Chúng mang theo nhiều súng và các loại bẫy, sống trong rừng nhiều ngày để bắt bẫy, xẻ thịt, lột da, sấy khô thú rừng ngay trong rừng già. Ảnh: Cán bộ kiểm lâm cung cấp

Tương tự, cũng tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin, tổ tuần tra gồm 22 người đi bảo vệ rừng do anh Nguyễn Đức Liên làm tổ trưởng, được đích thân Giám đốc Vườn giao nhiệm vụ. Vào rừng, họ phát hiện 3 người cùng 3 con chó săn đang truy đuổi thú hoang để bắt và bắn. Khi các cán bộ tiến hành ngăn chặn, lập tức, các đối tượng liên tiếp xả súng về phía đoàn công tác.

Anh Liên bị bắn trúng 17 viên đạn súng tự chế, đồng đội phải dùng cáng, võng, khiêng anh Liên ra khỏi rừng, nhập viện khẩn cấp. Cơ quan chức năng sững sờ khi thu được lượng vũ khí của lâm tặc bỏ lại: 4 khẩu súng AK và nhiều “công cụ” gây án nguy hiểm khác.

Đau thương hơn là cái chết của anh Nguyễn Kim Anh, quyền Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 2, thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, cũng trong tỉnh Đắk Lắk. 14 vết đạn súng hoa cải vào vùng bụng đã khiến anh Kim Anh ra đi vĩnh viễn vào ngày 2.12.2023. Khi tìm thấy thi thể anh trong vũng máu giữa rừng, đồng đội của anh càng thêm xót xa hiểu rằng: Để bảo vệ bình yên cho những cánh rừng và động vật hoang dã, họ phải đối mặt với những kẻ ngày càng tinh vi và cực kỳ tàn độc.

Liên tiếp các vụ đau lòng tương tự: Ngày 28.12.2023, một kiểm lâm VQG Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk bị lâm tặc bắn trọng thương bằng súng thể thao. Trước đó, ngày 1.11.2021, hai cán bộ đi truy quét lâm tặc là ông Lưu Ánh Hồng và ông Y Khôi Kbin đã bị lâm tặc ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Kar dùng súng cao su, gậy, dao, rựa tấn công đến mức phải đi cấp cứu.

Súng săn được thu giữ khi lực lượng chức năng tiến hành truy quét các đối tượng xâm phạm rừng.
Bẫy dây- một trong những loại bẫy phổ biến nhất hiện nay, được thợ săn giăng rất nhiều trong các cánh rừng, giết hại nhiều loài thú lớn nhỏ. Đây là số bẫy được lực lượng kiểm lâm gỡ trong một chuyến tuần tra tại Vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk).
Số lượng bẫy dây, bẫy sập cùng dụng cụ đi rừng săn thú được thu giữ nhiều đến mức đã sắp chật kín kho của không ít vườn quốc gia ở Việt Nam. Ảnh: Phóng viên Lao Động

Nhóm phóng viên điều tra

Nguồn: