Voi Việt Nam có thể tuyệt chủng trong một thập kỷ tới

ThienNhien.Net – Đây là nhận định được đưa ra trong một bài báo đăng trên tờ Guardian khi nhìn vào thực trạng buôn bán ngà voi tại Việt Nam. Cùng với những nhận xét, bình luận của các nhà bảo tồn và những phân tích về tình hình buôn bán ngà voi tại Việt Nam, cảnh báo từ “bên ngoài” này đáng để chúng ta cùng nhìn nhận lại tình hình buôn bán buôn bán ngà voi cũng như việc kiểm soát hoạt động này tại Việt Nam.

Bài báo mở đầu bằng nhận định “Quần thể voi châu Á sinh sống ngoài tự nhiên ở Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng khi những người giàu có chuộng loại ngà voi có xuất xứ từ chính đất nước mình”.

Bình luận về một “xu hướng thời trang” đang khiến loài động vật có vú sinh sản chậm này lâm nguy, bài báo dẫn lời chủ của một Công ty Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chuyên về các sản phẩm thủ công từ ngà voi, được cho là “nơi an nghỉ cuối cùng cho loài voi hoang dã của Việt Nam”: “Mấy năm trước, khách hàng của chúng tôi đều là người ngoại quốc từ Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng nay người dân chúng tôi đã giàu lên nhanh chóng và những người giàu luôn muốn phô trương sự giàu có của họ.”

Theo thống kê, số lượng voi trong tự nhiên của Việt nam đã giảm mạnh từ 2000 cá thể giữa những năm 90 đến nay chỉ còn 72-80 con. Sự suy giảm này chủ yếu là do nạn khai thác gỗ trái phép, sự chuyển đổi rừng thành đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là trong thập kỷ qua, hầu hết các đàn voi hoang dã của Việt Nam đã trở thành nạn nhân của súng săn. Nạn săn trộm gia tăng ở một trong các nền kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng nhanh nhất này đã dấy lên mối quan ngại rằng loài động vật này sẽ biến mất khỏi rừng già trong vòng một thập kỷ, nếu nỗ lực bảo tồn không tiến triển sớm, bài báo nhận định.

Việt Nam đang chuyển nhanh từ một điểm trung chuyển trở thành thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm từ động vật hoang dã, cạnh tranh với các thị trường Châu Á khác là Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản – bài báo đánh giá – như một khoảng tối trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo ước tính của Mạng lưới Kiểm soát Buôn bán Động Thực vật Hoang dã (TRAFFIC), có khoảng 4000 tấn sản phẩm động vật hoang dã được trung chuyển qua Việt Nam mỗi năm. Và một khi nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam tăng cũng có nghĩa là nạn săn bắn sẽ lan sang các cánh rừng của nước láng giềng Lào, Campuchia, Thái Lan và Miến Điện.

Hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam còn được chuyên gia bảo tồn Duac Fegot bình luận là đã áp dụng những công nghệ mới, thể hiện bằng sự hình thành những đường dây buôn bán thông qua internet.

Trích ý kiến của ông Huỳnh Tiến Dũng, điều phối viên chính sách của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Việt Nam cho biết: “Tình hình hiện nay vô cùng cấp bách và nghiêm trọng. Chỉ các nỗ lực thực sự mới có thể cứu loài voi khỏi bờ vực tuyệt chủng. Chúng tôi tin rằng nếu các nhà tài trợ quốc tế dành ưu tiên hơn cho việc bảo vệ loài voi, công tác bảo tồn sẽ mang lại kết quả.”; bài báo bình luận, việc đổ lỗi cho sự thiếu kinh phí tài trợ có vẻ là không thẳng thắn khi nhìn vào số tiền dành cho các chương trình và chiến lược môi trường ở Việt Nam. Trong khi, vấn đề thực sự có thể là do luật bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam chưa đủ nghiêm minh.

Việt Nam chính thức cấm buôn bán ngà voi từ năm 1992 khi phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về buôn bán các loài nguy cấp. Tuy nhiên, luật này vẫn để lại một lỗ hổng khi cho phép bán ra các loại ngà voi có trước khi Công ước được phê chuẩn. Các nhà phân tích cho rằng kẽ hở này chẳng khác nào “một cái gật đầu được ngụy trang” cho việc tiếp diễn săn bắn và buôn bán trái phép.

Theo ông Huỳnh Tiến Dũng, hai nguyên nhân gây ra thực trạng săn bắn và buôn bán ngà voi ở Việt Nam hiện nay là thực thi pháp luật còn yếu và nhận thức của cộng đồng nghèo về bảo tồn loài voi còn thấp.

Song các nhà bảo tồn TRAFFIC lại có quan điểm khác khi cho rằng chính giá trị được tính bằng tiền mặt, với 1.500 USL/1kg ngà và 1.863 USD/1kg ngà cắt miếng, đã khuyến khích các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ lô hàng hơn là cố gắng ngăn chặn nạn săn bắn trộm.

Có thể là những quan điểm trái chiều, nhưng những nhận định trên đây rất đáng để chúng ta suy ngẫm về hoạt động kiểm soát buôn bán ngà voi và động vật hoang dã nói chung, cũng như tương lai bảo tồn của Việt Nam.

Bạch Dương