Kiểm lâm ngăn phá rừng bằng cách giải đoán ảnh vệ tinh

Chỉ cần ngồi một chỗ, cán bộ kiểm lâm biết được biến động rừng nhờ giải đoán ảnh vệ tinh, rồi yêu cầu các chủ rừng kiểm tra. Nắm được biến động rừng kịp thời với độ chính xác cao, nên Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đã ngăn được nhiều vụ phá rừng kịp thời.

Sau khi giải đoán ảnh vệ tinh, lực lượng kiểm lâm cung cấp cho chủ rừng. Trong ảnh, bảo vệ rừng dùng máy định vị để xác định vị trí, đường đi. Ảnh: Hưng Thơ.

Ngồi một nơi, biết địa điểm nào phá rừng

Ngày 9.4, ông Trần Hiệp – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, trước tình trạng phá rừng, xâm lấn đất rừng ngày càng phức tạp ở địa bàn, đơn vị này đã áp dụng việc giải đoán ảnh vệ tinh, nhằm phát hiện sớm sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên thực địa.

Trước đây, hầu hết các vụ phá rừng ở tỉnh Quảng Trị được phát hiện qua báo tin, tuần tra dài ngày. Nhưng phương pháp này có nhiều hạn chế như mất nhiều thời gian, nhân lực, tin báo đến muộn; có vụ phát hiện được vi phạm thì diện tích thiệt hại đã khá lớn, đối tượng đã biết trước và bỏ trốn nên không điều tra xác minh được.

Kiểm lâm Quảng Trị giải đoán ảnh vệ tinh, phát hiện 3 địa điểm có biến động về rừng ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ.

Từ năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị bắt đầu lấy ảnh vệ tinh cập nhật hằng ngày, rồi giải đoán ảnh để áp dụng vào quản lý rừng.

Theo anh Nguyễn Minh Diễn – Kiểm lâm viên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, thấy các đồng nghiệp vất vả tuần rừng nhưng vẫn không ngăn được tình trạng phá rừng, anh cũng trăn trở, áp lực.

Rồi anh Diễn và các đồng nghiệp lấy ảnh vệ tinh cập nhật hằng ngày, so sánh với ảnh trước đó và hiện trạng rừng. Khi thấy ảnh mới cập nhật có thay đổi về màu sắc thì sẽ khoanh vẽ lại. Khi xác định chính xác diện tích có biến động, vị trí và hiện trạng rừng, thì sẽ cung cấp cho chủ rừng, kiểm lâm địa phương đi xác minh.

“Thông thường, nếu có tình trạng xâm lấn rừng, phá rừng thì ảnh sẽ có màu đỏ, san ủi đất thì có màu đỏ tươi hoặc vàng, phá rừng làm rẫy thì có màu đỏ sẫm… Chúng tôi cứ so sánh ảnh mới và ảnh cũ, hiện trạng rừng rồi đi đến nhận định, cuối cùng là đi kiểm tra” – anh Nguyễn Minh Diễn cho hay.

Chính xác hơn 90%

Giữa năm 2023, qua so sánh ảnh vệ tinh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị phát hiện có 3 vị trí biến động. Quá trình giải đoán ảnh, xác định 3 vị trí có biến động ở xã Ba Lòng (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình bảo vệ với diện tích biến động lần lượt là 0,4ha, 1,9ha và 0,5ha.

Kiểm tra thực địa, phát hiện địa điểm phá rừng để làm nương rẫy ở xã Ba Lòng có diện tích, tọa độ trùng khớp với thông tin được giải đoán từ ảnh vệ tinh. Ảnh: Kiểm lâm cung cấp.

Sau đó, thông tin về địa điểm có biến động rừng được gửi đến Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông. Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông chỉ cần nhập địa điểm vào máy định vị, là được chỉ đường đến 3 địa điểm nghi vấn. Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy, người dân đang đốn hạ rừng tự nhiên để làm nương rẫy. Nhờ thông tin nói trên, vụ phá rừng được ngăn chặn kịp thời và lực lượng chức năng có đủ cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm.

Chỉ riêng trong năm 2023, nhờ so sánh ảnh vệ tinh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 62 điểm có biến động rừng tự nhiên với diện tích 70,2ha.

Qua kiểm tra trên thực địa, các thông tin về biến động rừng từ so sánh ảnh vệ sinh có độ chính xác trên 90%. Chỉ có một số vụ việc nhầm lẫn, do trên thực địa là rừng sản xuất nhưng trên bản đồ lâm nghiệp cập nhật sai thành rừng tự nhiên.

Ông Phan Văn Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, chỉ cần ngồi một chỗ, sử dụng các thao tác kỹ thuật để tải ảnh, phân tích ảnh miễn phí, lực lượng kiểm lâm nay có thể đưa ra các cảnh báo có độ chính xác cao về biến động rừng. Từ đó, giúp các chủ rừng và lực lượng chức năng phát hiện sớm, kịp thời các vị trí biến động rừng, giảm bớt áp lực cho lực lượng kiểm lâm, chuyên trách bảo vệ rừng.

“Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đang hướng dẫn, triển khai việc giải đoán ảnh vệ tinh đến Hạt kiểm lâm các huyện, thị để phục vụ tốt hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng” – ông Phan Văn Phước nói.