COP26: Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050

Ngày 1/11/2021, tại Glasgow, Thủ tướng Phạm Minh Chính có tuyên bố làm nên lịch sử: Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Ta hãy bàn luận về những hệ quả ẩn sau tuyên bố này, đi cùng cam kết dừng xây dựng nhà máy nhiệt điện mới và giảm phát thải khí metan. Đầu tiên, ta cần xem xét tác động của Hiệp định Khí hậu Liên Chính phủ đến Việt Nam trước khi thảo luận về hệ quả của những tuyên bố, phát biểu và những cam kết được đưa ra tại hội nghị COP26.

Người dân biểu tình ủng hộ mục tiêu 1,50C tại COP26, Glasgow, Anh, tháng 11/2021. (Ảnh: Internet)

Năm 2014, trước khi có Thỏa thuận Paris, các quốc gia đã đặt mục tiêu nóng lên toàn cầu cho thế giới là +3,70C  trong thế kỷ này. Việc đánh giá cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Commitments – NDC) trong năm 2021 cho thấy chúng ta sẽ rơi vào tình thế nóng lên +2,40C  trên toàn cầu. Chúng ta đã đi được nửa chặng đường, vẫn còn một nửa chặng nữa còn dang dở.

COP26 tại Glasgow đã thừa nhận mục tiêu 1,50C nóng lên toàn cầu là thích đáng. Mục tiêu 1,50C có vẻ gây nản lòng khi Trái Đất vốn đã nóng lên 1,10C, tăng đến 0,20C mỗi thập kỷ. Dù sao, mục tiêu 1,50C này nên được hiểu như một khái niệm nằm ở giao điểm giữa khoa học và chính sách. Giới báo chí gọi 1,5 là một biểu tượng totem – bởi nhân loại tụ lại quanh mốc này để tổ chức các nghi lễ chung. Giới chính trị gia coi 1,5 như một mỏ neo vì nó bảo vệ nhân loại trước những mối nguy chưa biết và không thể bị tuột mất.

Các nhà khoa học xã hội dùng cụm từ chuyên ngành đối tượng ranh giới (boundary object): thông tin được các cộng đồng khác nhau sử dụng theo những cách khác nhau khi cùng tham gia một hợp tác ở nhiều quy mô (Star & Griesemer, 1989). [Theo đó] ý nghĩa của sự “nóng lên toàn cầu” chỉ dựa trên những thay đổi vật lý chỉ mức tăng trung bình của nhiệt độ bề mặt kể từ thời kỳ tiền công nghiệp nhưng cụm từ này cũng đề cập đến một biến số chính trị, phản ánh nỗ lực mà các nhà hoạch định chính sách cùng đồng thuận. Việc giữ lựa chọn duy trì ở mức dưới 1,50C cho thấy các quốc gia tham gia Hiệp định đều đồng ý rằng vấn đề hiện tại không chỉ quan trọng mà còn khẩn cấp.

Nhận thấy tình trạng cấp thiết đó, các quốc gia đã nhất trí trong Điều 28 của Hiệp ước Khí hậu Glasgow, văn bản chính trị chính do Hội nghị đề ra, để đưa ra các tham vọng lớn hơn vào thời điểm diễn ra hội nghị lần tiếp theo năm 2022, thay vì chờ đến năm 2025. Đây là một động thái chính trị nhằm vào 40 quốc gia đã không nộp đúng hạn bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Commitments – NDC), và những quốc gia dù nộp nhưng không tăng cường mức độ các tham vọng.

Yêu cầu phát thải khí nhà kính phải được triển khai một cách công bằng. Mọi vùng miền đều nên được hưởng lợi từ việc mở rộng công nghiệp xanh, kèm theo sự quan tâm đặc biệt đến việc tái chuyển đổi những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự sụp đổ của “đế chế” nhiên liệu hóa thạch.

Việt Nam đã đệ trình bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định vào tháng 7/2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) sẽ gặp nhiều khó khăn để thực hiện toàn bộ các mục tiêu NDC trong năm tới khi đồng thời phải tập trung cải thiện các hệ thống báo cáo và quan trắc khí nhà kính trên cả nước. Tuy nhiên, thỏa thuận Paris được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau rằng các quốc gia sẽ trình bày những gì họ đang làm – một cơ sở thực tế và dễ tiếp cận hơn so với việc mong chờ các quốc gia thực hiện những điều họ đang trình bày. Việt Nam đã có những bước tiến ngoạn mục trong hạng mục năng lượng tái tạo, rất xứng đáng được vinh danh. Các cam kết của Việt Nam tại COP26 cũng là cơ sở quan trọng để rà soát lại NDC.

Việt Nam đã đặt mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Đây là một bước ngoặt, một sự tái định hướng có ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội phù hợp với tinh thần của thời đại. Nhiều quốc gia – vốn chịu trách nhiệm cho hơn phân nửa lượng CO2 phát thải ra toàn thế giới – đã hoặc đang vạch ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến giai đoạn giữa thế kỉ. Một tuần trước khi diễn ra COP26, UAE đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Arabia Saudi vào năm 2060. Tại COP26, Ấn Độ tuyên bố sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

Nhiều quốc gia và công ty đang thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải, điều họ cần làm là liên kết các kế hoạch ngắn hạn với các kế hoạch dài hạn đã nêu. Nếu không, tầm nhìn năm 2050 có thể chỉ là một sự lần lữa né tránh để bỏ lại vấn đề cho quản lý trong tương lai: “Tẩy xanh” (Greenwashing) có thể là một hành vi mới phủ nhận biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp xảy ra ở Việt Nam. Trở về từ Glasgow, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương ban hành các cam kết COP26 trong chính sách Quốc hội. Điều này ngụ ý sẽ có bản sửa đổi đáng kể của Dự thảo Phát triển Điện lực.

Điều 32 Hiệp ước Khí hậu Glasgow kêu gọi các bên liên quan chuẩn bị các chiến lược chuyển đổi từ phát thải dài hạn nồng độ thấp khí sang phát thải ròng bằng 0 tại thời điểm trước hoặc khoảng giữa thế kỉ – và chiến lược này cần phải hoàn thiện vào tháng 11/2022. Hiện tại, Việt Nam đã tuyên bố với các quốc gia khác sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nên việc trông đợi Việt Nam sẽ làm thế nào để đạt được mục tiêu này là hoàn toàn chính đáng. Mọi quy hoạch mạng lưới điện, năng lượng, kinh tế xã hội quốc gia cho đến năm 2025 đang được hoàn thiện, tất cả đều bao gồm tầm nhìn đến năm 2045. Những điều này là cơ sở cho chiến lược phát triển xanh dài hạn sẽ được chia sẻ tại COP27, mặc dù thời hạn khá sít sao. Yêu cầu phát thải khí nhà kính phải được triển khai một cách công bằng. Ví dụ, nếu giá điện được tăng lên để đầu tư tài chính vào cơ sở hạ tầng điện lực, thì các hộ gia đình nghèo không phải gánh chịu tác động đó một cách không tương xứng. Mọi vùng miền đều nên được hưởng lợi từ việc mở rộng công nghiệp xanh, kèm theo sự quan tâm đặc biệt đến việc tái chuyển đổi những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự sụp đổ của “đế chế” nhiên liệu hóa thạch.

Ý nghĩa của mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trên phương diện điện năng: nhu cầu tăng tham vọng cho Kế hoạch phát triển điện 8 vào năm 2030. (Ảnh: Internet)

Điều 36 trong Hiệp ước thừa nhận tính cần thiết của việc “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm dần năng lượng điện than không có công nghệ lọc CO2 và những khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”. Tuyên bố này là một biểu tượng quan trọng của sự tiến bộ trong ngoại giao khí hậu quốc tế vì đây là lần đầu tiên, tính không bền vững của than và nhiên liệu hóa thạch được thừa nhận rõ ràng ở cấp độ này. Bản hiệp ước gốc sử dụng từ ngữ mạnh mẽ hơn khi đề cập đến “loại bỏ” nhiệt điện than, nhưng Ấn Độ cùng Trung Quốc khăng khăng dùng từ “giảm dần”, mặc cho các chỉ trích từ EU và Thụy Sĩ. Điều này làm dấy lên sự căng thẳng trong ngày bế mạc hội nghị. Việc giảm dần nhiệt điện than cũng thích hợp với Việt Nam hơn. Quá trình chuyển đổi năng lượng nên được tiến hành từng bước một.

Về vấn đề tài chính khí hậu, Điều 44 của Hiệp ước lưu ý rằng mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm của các bên là nước phát triển vào năm 2020 đã không đạt được. Các bên nhất trí hoàn thành vào 2023. Ấn Độ (một lần nữa) làm rõ tại hội nghị rằng 100 tỷ USD mỗi năm là quá ít so với mức cần thiết. Thực tế, nếu chỉ nhìn vào một lĩnh vực  – như điện lực – ở một quốc gia – ví dụ là Việt Nam – chúng ta sẽ thấy rằng nhu cầu đầu tư bổ sung cho quá trình chuyển đổi năng lượng được tính cần tiêu tốn hàng tỷ USD cho mỗi năm. Hiệp ước yêu cầu các quốc gia phát triển tăng mạnh nguồn tài chính cho phù hợp tình hình đồng thời xem xét gấp đôi kinh phí. Hội nghị Glasgow cũng là dịp để hoàn tất các cuộc đàm phán về cơ chế hợp tác quốc tế. Các thảo luận về Điều 6.2 trong Thỏa thuận Paris đặt ra các quy tắc nhằm tránh việc gian dối trong tính lượng phát thải khi liên kết vào Hệ thống Giao dịch Phát thải (Emission Trading Systems) hoặc thanh toán bù trừ trên thị trường carbon tự nguyện quốc tế để không phải trả cho lượng phát thải quá mức cam kết của mình. Khung điều lệ trên vẫn có thể áp dụng dù còn thiếu sót cần cải thiện. Ví dụ, vẫn còn sự nhập nhằng trong kế toán giữa con số giảm phát thải mà các quốc gia hứa hẹn và cam kết của các công ty tư nhân có trụ sở tại các quốc gia này.

Thị trường carbon trong nước do Bộ TNMT chuẩn bị dự kiến mở vào năm 2028, nhưng một số dự án ở Việt Nam đã trao đổi tín chỉ tự nguyện giảm carbon song phương với Nhật Bản.

Cơ chế Phát triển Sạch (Clean Development Mechanism – CDM), cho phép các dự án nhận và bán lại tín chỉ carbon, đã được thay thế bằng “Quy tắc tại Điều 6.4”. Các nhà đàm phán đã đưa ra hai biện pháp bảo vệ chống lại sự lạm dụng mà chúng ta đã chứng kiến với CDM: 2% số tiền bồi hoàn đã trao đổi sẽ bị hủy bỏ trong lần chuyển nhượng đầu tiên và 5% doanh thu sẽ được góp vào Quỹ Thích ứng (đoạn 58 và 59). Ở đây, khung điều lệ vẫn có thể sử dụng được dù không hoàn hảo. Ví dụ, Chứng nhận Giảm thiểu Phát thải từ các hoạt động triển khai sau năm 2013 vẫn có thể được chuyển sang hệ thống mới dù điều này không góp phần làm giảm thêm lượng khí nhà kính phát thải mà chỉ có thể làm suy giảm thị trường.

Xung quanh hội nghị COP26, Glasgow, Vương quốc Anh, tháng 11/021. (Ảnh: Internet)

Các sự kiện trong khuôn khổ hội nghị COP26 được tổ chức theo hai cấp độ. Các cuộc đàm phán chính thức giữa các chính phủ diễn ra tại hội trường trung tâm. Song song đó, dưới sự điều phối của những người chủ trì hội nghị, những sự kiện bên lề sôi nổi được tổ chức tại các hành lang, quan sát viên và các bên liên quan cố gắng tác động đến buổi đàm phán thông qua cánh gà.

Các thông báo của những sự kiện bên lề gồm:

– Than đá. Việt Nam đã ký Tuyên bố chuyển đổi năng lượng than đá sang năng lượng sạch toàn cầu. Cam kết chuyển đổi để dừng sản xuất điện than không có công nghệ lọc CO2 trong những năm 2040 (hoặc sớm nhất có thể sau đó), và ngừng cấp giấy phép mới cho các dự án nhiệt điện than không có công nghệ lọc CO2 mà chưa hoàn tất quá trình phê duyệt tài chính đồng thời ngừng xây dựng các dự án nhiệt điện than không có công nghệ lọc CO2 mới, cũng như kết thúc các chính sách mới hỗ trợ trực tiếp của chính phủ cho ngành công nghiệp nhiệt điện than quốc tế không qua công nghệ lọc CO2. Đồng ký kết với Việt Nam gồm có Hàn Quốc và các nước ASEAN như Philippines, Singapore, Indonesia và Brunei. Bốn quốc gia tiêu thụ nhiều than đá nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đã không tham gia ký kết.

– Metan: Hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký Cam kết Metan Toàn cầu do Mỹ và châu Âu đứng đầu: đồng ý cắt giảm 30% lượng khí metan phát thải vào năm 2030 (Liên minh châu Âu và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, 2021). Điều này sẽ có tác dụng ngắn hạn đáng kể chống lại sự nóng lên toàn cầu, nhằm tránh mức tăng khoảng 0,2oC vào năm 2050. Thế giới có thể trì hoãn thêm mười năm trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu bằng cách kiểm soát lượng phát thải khí metan. Con số 30% là mục tiêu cho toàn thế giới, không phải quốc gia. Cam kết này chỉ là các hành động tự nguyện và tăng tính minh bạch. Ngoài việc cải thiện hệ thống kiểm tra và quan trắc khí nhà kính trên toàn quốc của Bộ TN&MT, Việt Nam cam kết đạt được tất cả các mức giảm phát thải khí metan khả thi từ ngành năng lượng (mỏ than, sản xuất, vận chuyển và chế biến dầu khí) và rác thải (chôn lấp rác thải). Việt Nam cũng cam kết cố gắng giảm lượng khí thải nông nghiệp – nguồn phát thải lớn nhất cả nước – thông qua đổi mới công nghệ, khuyến khích và hợp tác cùng nông dân.

Ô tô: Việt Nam không ký Tuyên bố COP26 cam kết chỉ bán ô tô và xe tải không phát thải khí nhà kính vào năm 2040 và 2035 tại các thị trường dẫn đầu. Tuyên bố chính trị này chỉ thành công một nửa tại Vương quốc Anh. Những nhà sản xuất ô tô lớn như Ford, Mercedes, Volvo và Mercedes-Benz đồng ý ký kết nhưng Renault-Nissan, Toyota và Volkswagen thì không. Do thiếu sự nhất trí từ ngành công nghiệp ô tô, các quốc gia sản xuất ô tô hàng đầu như Trung Quốc, Đức, Pháp, Nhật Bản và Mỹ đã không ký vào tuyên bố.

Các thế hệ tương lai thể hiện quan điểm rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu đối với một số quốc gia, đòi hỏi việc bồi thường thiệt hại và mất mát tại COP26, Glasgow, Vương quốc Anh, tháng 1/2021. (Ảnh: Internet)

Tài trợ nhiên liệu hóa thạch: Hơn 30 quốc gia và cơ quan tài chính đã cam kết tạm dừng các khoản đầu tư nước ngoài cho phát triển nhiên liệu hóa thạch và hướng ngân sách đầu tư cho năng lượng xanh. Các bên tham gia ký kết gồm Mỹ, Vương quốc Anh và Ngân hàng Đầu tư Liên minh châu Âu. Liên minh này có thể đạt được đà phát triển nhanh chóng nhờ dựa vào tiền lệ đặt ra bởi sự hợp tác quốc tế về chống tài trợ than đá. Các nhà đầu tư nên chú ý đến tác động của việc Mỹ đồng ý hỗ trợ dự án điện khí LNG ở Việt Nam (nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng) và phát triển chương trình khai thác nhiên liệu hóa thạch ngoài thềm lục địa.

Phá rừng: Cùng với 141 quốc gia tại COP26, Việt Nam bảo đảm “Chặn đứng và đảo ngược” nạn phá rừng vào năm 2030, tăng ngân sách phát triển nông nghiệp bền vững, quản lý rừng và bảo tồn + phục hồi tài nguyên rừng. Cam kết này không phải là thay đổi chính sách đáng kể, các thỏa thuận tương tự trước đây không có nhiều thành quả. Hơn nữa, trồng cây không đủ đảm bảo lâm nghiệp bền vững khi mà ban quản lý cộng đồng địa phương có quyền quyết định thực hiện hay phá bỏ các chương trình trồng rừng.

Hội nghị COP27 sẽ diễn ra vào tháng 11/2022. Tại thời điểm đó, Việt Nam có thể đã đệ trình bản NDC cập nhật lần hai và một chiến lược dài hạn giải thích cách chuyển mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 thành các kế hoạch năm năm. Các quốc gia khác sẽ đánh giá cao việc học hỏi khi Việt Nam bắt đầu giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống mức tuyệt đối. COP26 tại Glasgow tập trung vào việc giảm nhẹ, giữ cho mục tiêu 1,5 tồn tại. Các cuộc thảo luận quốc tế tại COP27 ở Ai Cập sẽ chuyển sang vấn đề thích ứng. Những quốc gia châu Phi sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận về mất mát và thiệt hại, tức mong muốn bồi thường vật chất cho những tác động biến đổi khí hậu không thể tránh khỏi gây ra bởi tác động từ biến đổi khí hậu gây ra bởi lượng khí thải từ các quốc gia giàu có trong quá khứ. Đây đã luôn là điểm nhức nhối trong các cuộc đàm phán từ trước đến nay.

Dù vậy, các hội nghị về biến đổi khí hậu vẫn là một trong những nơi hiếm hoi mà tất cả các quốc gia gặp gỡ để hợp tác trong hòa bình. Trung Quốc và Hoa Kỳ hâm nóng quan hệ hợp tác về khí hậu sau 5 năm nguội lạnh, ngay cả khi lãnh đạo cả hai nước không tham dự Glasgow. Cam kết Metan toàn cầu đã không đạt được thỏa thuận từ Trung Quốc – nước phát thải metan nhiều nhất thế giới. Và Mỹ đã đồng ý với Liên minh châu Âu sẽ tăng thuế đối với thép và nhôm được sản xuất từ các quy trình phát thải nhiều CO2. Đây là thỏa thuận đầu tiên về cơ chế thuế điều chỉnh carbon biên giới (borders adjustment mechanism). Thỏa thuận nhằm vào quy trình sản xuất thép tại Trung Quốc nhưng đồng thời có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu thép tại Việt Nam, ngành công nghiệp trị giá hơn một tỷ đô mỗi tháng. Điều này thúc đẩy ngành công nghiệp thép Việt Nam tiếp tục đi đầu trong việc thực hiện cơ chế định giá carbon của Bộ TN&MT.