Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, cạnh tranh nội khối tăng sẽ tăng lên?

Nhận định về việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trao đổi với Lao Động, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng – đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho thương mại của các nước thuộc khối CPTPP.

Lo ngại phụ thuộc hàng hoá

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, hàng hoá của Việt Nam và các quốc gia trong CPTPP sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu của Trung Quốc và tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt bán tại thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc hàng hoá thương mại ngày càng lớn vào quốc gia tỉ dân này. Theo bà Phạm Chi Lan, trong thời gian vừa qua, với cơ chế mậu dịch tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, thế cạnh tranh của Trung Quốc đã vượt lên rất mạnh, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc ngày càng lớn.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, trong 8 tháng qua, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 38,69 tỉ USD. Đáng lưu ý, trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,35 tỉ USD, tăng 22,3% so cùng kỳ năm ngoái, thì nhập khẩu từ nước này với 72,05 tỉ USD, tăng đến 46,1% so cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hiện chiếm 33,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Đại diện 11 nước thành viên chụp hình lưu niệm tại buổi ký kết CTPP ở Santiago, Chile ngày 8.3.2018. Ảnh: AFP

“Từ số liệu trên có thể thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng lên trong thời gian vừa qua, nhưng không bằng được so với mức độ nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa lợi thế của ta được hưởng ít hơn so với Trung Quốc trong quan hệ thương mại hai bên.

Khi Trung Quốc tham gia CPTPP, thị trường hàng hóa Việt Nam có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào quốc gia này. Trong khi mục tiêu lớn nhất của ta khi tham gia CPTPP là đa dạng hoá nguồn cung và thị trường, tăng cường các mối quan hệ đối tác khác ngoài Trung Quốc”, bà Phạm Chi Lan nhận định và thông tin hiện Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch trên 100 tỉ USD.

Cũng theo vị chuyên gia Phạm Chi Lan, Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.  Trong dịch bệnh COVID-19, nhiều quốc gia đã dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.

Ví như Nhật Bản, Australia là những nền kinh tế lớn trong khối CPTPP, họ cũng mong muốn tìm các chuỗi cung ứng, trong đó, Việt Nam là đối tác rất tiềm năng. Chính vì vậy, nếu Trung Quốc tham gia vào CPTPP, có thể chúng ta sẽ không có nhiều cơ hội đón đầu sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng.

Lo ngại về sự cạnh tranh nội khối

Nêu ý kiến về việc Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu BIDV cho hay, đây được xem là một trong những bước đi quan trọng của Trung Quốc, nhằm gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Về lợi ích, theo TS Cấn Văn Lực – còn khá sớm để đánh giá đầy đủ, nhưng Hiệp định mở rộng được kỳ vọng là sẽ mang lại một số lợi ích cho cả khối cũng như các thành viên.

Theo Báo cáo năm 2019 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), với sự có mặt của Trung Quốc, toàn khối CPTPP sẽ khiến thu nhập thực tế toàn cầu tăng thêm 632 tỉ USD mỗi năm (trong 10 năm tới), tức là tăng thêm 485 tỉ USD mỗi năm (0,57% GDP toàn cầu năm 2020) so với việc không có Trung Quốc tham gia.

Trong đó, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 4 quốc gia được hưởng lợi lớn nhất khi thu nhập quốc gia thực tế tăng thêm 16 tỉ USD mỗi năm do Việt Nam có điều kiện địa lý thuận lợi và mối quan hệ thương mại, đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc.

Về trở ngại, thách thức, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP chưa chắc đã mang lại được nhiều lợi ích kinh tế như ước tính ở trên vì đa số các nước thành viên đều đã có các FTA lớn với sự tham gia của Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã là thành viên của các hiệp định thương mại tư dọ (FTA) như ACFTA (giữa ASEAN – Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2003) và RCEP (gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand; đã ký kết ngày 15.11.2020, đang chờ chuẩn y để tiến tới có hiệu lực). Do đó, giá trị gia tăng có thể sẽ không nhiều như mong đợi.

Ngoài ra, một thách thức nữa đó là việc cạnh tranh nội khối sẽ tăng lên, nhất là khi Trung Quốc là quốc gia định hướng xuất khẩu (năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt gần 2.600 tỉ USD, thặng dư thương mại hơn 500 tỉ USD).

“Trung Quốc tham gia CPTPP cũng đồng nghĩa với việc gây áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp nội khối; trong khi lợi thế cạnh tranh đang nghiêng về các doanh nghiệp Trung Quốc, với những ưu thế về quy mô, năng lực tài chính và công nghệ, chuỗi cung ứng toàn cầu và giá cả”, TS Lực cho hay.