Xử phạt mỏ đá Tam Lộc hơn 300 triệu đồng sau điều tra của Báo TN&MT

Do có nhiều sai phạm trong lĩnh vực khoáng sản tại mỏ đá Tam Lộc, liên danh Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô và công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ Sông Lô đã bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt hành chính với tổng số tiền lên đến hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra còn tịch thu toàn bộ khoáng sản quy đổi bằng tiền là 211.380.000 đồng đối với 10.569m3 đất đã bị đưa ra ngoài mỏ đá…

Liên quan đến vụ việc “Mỏ đá Tam Lộc ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế tuồn đất trái phép ra bên ngoài” mà PV Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần điều tra; Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư là liên danh Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô và Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ Sông Lô. Các quyết định xử phạt được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kí ngày 25/1/2021.

Mỏ đá Tam Lộc (ảnh) đã có nhiều sai phạm

Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ Sông Lô số tiền 90 triệu đồng; do khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp) không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại mỏ đá Tam Lộc với khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50 m3 trở lên (10.569m3), quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 47 của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Đối với Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô, xử phạt 50 triệu đồng do không lắp đặt trạm cân tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 40 của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP 2 ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (Nghị định số 36/2020/NĐ-CP).

Xử phạt 50 triệu đồng do lập bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản nhưng thông tin, số liệu trên bản đồ, mặt cắt thể hiện không đầy đủ theo quy định và sai so với thực tế hiện trạng khai thác khoáng sản đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 40 của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

Khai thác đất trái phép trong mỏ đá

Xử phạt 90 triệu đồng do khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp) không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại mỏ đá Tam Lộc với khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50 m3 trở lên (10.569m3 ). Quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 47 của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

Xử phạt 30 triệu đồng do thiết kế mỏ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 56 của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ. Tổng số tiền mà Tổng Công ty Lũng Lô phải chịu xử phạt là 220 triệu đồng.

Ngoài ra, 2 công ty trên còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản quy đổi bằng tiền là 211.380.000 đồng đối với 10.569m3 đất làm vật liệu san lấp đã khai thác mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo quy định tại Khoản 4, Điều 47 của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

Đất “lậu” đưa đi bán trái phép

Như đã phản ánh, mỏ đá Tam Lộc được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép số 30/GP – UBND ngày 26/4/2019 cho liên danh Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô – Công ty CP Đầu tư xây dựng Thương mại dịch vụ Sông Lô khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, đây là địa bàn nằm trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là 1.081.000m3. Trữ lượng khai thác 812.068 m3. Thời hạn cấp phép khai thác 6 năm. Diện tích khu vực khai thác 6,4 ha. Công suất khai thác: 150.000m3 /năm. Mức sâu khai thác +4m.

Người dân địa phương đã nhiều lần thông tin đến PV về việc nhiều xe tải “nối đuôi” nhau chở đất đi bán trái phép tại mỏ đá Tam Lộc. Đất được lấy từ lớp đất tầng phủ bên trong mỏ đá. Việc khai thác, vận chuyển gây nên tình trạng hư hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Để rõ thực hư, PV đã trực tiếp về hiện trường và theo dõi trong một thời gian dài qua đó đăng tải nhiều bài viết, trong đó có 2 bài viết cụ thể nhất là “Phú Lộc (Thừa Thiên Huế): Núp bóng mỏ đá để tuồn đất trái phép ra bên ngoài” (đăng tải ngày 8/3/2020) và bài viết “Ai bảo kê cho mỏ đá Tam Lộc đưa đất trái phép ra ngoài” (đăng tải ngày 10/7/2020).

Mỏ đá bị xử phạt hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra còn tịch thu toàn bộ khoáng sản quy đổi bằng tiền là 211.380.000 đồng đối với 10.569m3 đất đã bị đưa ra ngoài mỏ

Theo đó, qua những lần điều tra quan sát, khu vực mỏ bị khai thác rất lớn, cả quả đồi đã bị đào xẻ tan hoang. Máy múc hoạt động tại khu vực có đất. Từ sáng đến trưa, nhiều xe tải cỡ lớn liên tục vào ra tại khu vực mỏ đá để “ăn hàng”. Máy múc cứ múc đầy đất lên xe rồi cho xe tải chạy ra khỏi mỏ.

PV đã men theo các xe tải thì nhận thấy, đất “lậu” được chở cho các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Ngoài ra, đất cũng được các xe tải nhỏ mang ra khỏi khu vực mỏ đá để đổ cho các nhà dân trên địa bàn. Các xe tải luôn trong tình trạng đầy đất và che bạt sơ sài, đất vương vãi khắp nơi. Việc khai thác đất tại mỏ diễn ra rầm rộ, ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật…

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế sau đó ghi nhận sự tích cực vào cuộc tìm hiểu những tồn tại trên địa bàn của PV và đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành vào cuộc thanh kiểm tra. Thanh tra Sở TN&MT đã chỉ ra nhưng sai phạm nghiêm trọng trong kết luận dẫn đến việc xử phạt như trên.

Hiện tại theo ghi nhận của PV, mỏ đá đã không còn vận chuyển đất trái phép ra khỏi khu vực mỏ.