Tăng cường hiệu lực thi hành chính sách pháp luật về khoáng sản

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai công tác năm 2019 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, sáng 3/1, tại Hà Nội.

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh: Năm 2019, tổng cục đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm rất trúng và đúng, đặc biệt là xây dựng và trình phê duyệt Đề án Chính phủ “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”. Do vậy, tổng cục cần tăng cường hiệu lực thi hành chính sách pháp luật về khoáng sản; điều chỉnh Luật Khoáng sản mới trình Thủ tướng Chính phủ; chú trọng đẩy mạnh hợp tác đa phương, song phương với các nước trong khu vực…

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Bùi Vĩnh Kiên cho biết, trong năm 2018, tổng cục đã triển khai và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng 5 văn bản quy phạm pháp luật gồm 2 Nghị định và 3 Thông tư, hiện đang trình Chính phủ xem xét ban hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động khoáng sản.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tổng cục triển khai có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; tăng cường phối hợp với địa phương; chủ động nắm bắt các thông tin lĩnh vực địa chất, khoáng sản từ nhiều nguồn khác nhau để giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn…

Theo đó, tổng cục đã triển khai thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm đối với 108 giấy phép hoạt động khoáng sản; kiểm tra chuyên đề (khai thác cát, sỏi lòng sông) đối với 29 giấy phép khai thác; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đối với 83 giấy phép hoạt động khoáng sản; thực hiện 32 đợt kiểm tra đột xuất và theo phản ánh của báo chí, các tổ chức và cá nhân. Đồng thời, ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền xử phạt gần 8.500 triệu đồng.

Tuy vậy, công tác kiểm tra còn gặp khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu, nguyên nhân là việc thực hiện quy định thanh, kiểm tra định kỳ 1 lần/năm đối với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của bộ; kinh phí cấp hàng năm còn thiếu, phương tiện trang bị chưa đầy đủ, lực lượng cán bộ, công chức còn quá mỏng…

Về công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đã có 28/63 tỉnh, thành phố đã gửi 354 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương với tổng số tiền phê duyệt là 1.131 tỷ đồng. Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thu được đến ngày 31/12/2018 trên toàn quốc là 4.406 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là chính sách mới, do đó cần phải tháo gỡ những bất cập trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở những mỏ có quy mô công nghiệp, do vướng mắc trong quy hoạch, khó khăn với địa phương, đền bù giải phóng mặt bằng liên quan đến công trình điện, hạ tầng…

Theo ông Trịnh Minh Cương, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, thời gian tới, tổng cục cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổng cục để thi công có hiệu quả các đề án Chính phủ và các nhiệm vụ thường xuyên, nhất là kiểm tra công tác kinh tế địa chất và khoáng sản.

Theo đó, nên thông qua áp dụng sổ giám sát thăm dò, khai thác khoáng sản, tập hợp nhiệm vụ tích hợp để thể chế hóa Thông tư 02 và 61 để thực hiện theo yêu cầu giám sát; rà soát các đối tượng không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát kê khai sản lượng khoáng sản của doanh nghiệp, chuyển từ giám sát bị động sang chủ động (cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt thông tin); nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc báo cáo hoạt động khoáng sản trên cơ sở kiểm soát hồ sơ theo dõi và lấy hậu kiểm là trọng tâm của công tác thanh, kiểm tra.

Bên cạnh đó, các đại biểu trong tổng cục và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đóng góp nhiều ý kiến về công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Cụ thể, tổng cục cần tăng cường công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện quy chế dân chủ tại đơn vị; đồng thời thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ và xác định công việc trọng tâm cần giải quyết hàng tuần, tháng, quý.